Kiến nghị điều tiết thị trường vàng thông qua chính sách thuế
Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) kiến nghị nên điều tiết thị trường vàng thông qua chính sách thuế, như có thể miễn thuế đối với giao dịch vàng trang sức của người dân, nhưng áp thuế với hoạt động mua bán vàng miếng mang tính đầu cơ. Đồng thời, cần triển khai các giải pháp nhằm đa dạng hóa thương hiệu vàng miếng và tăng nguồn cung ra thị trường....
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP. Dự thảo được xây dựng nhằm cập nhật khái niệm, mở rộng phạm vi điều chỉnh, siết điều kiện cấp phép và tăng cường giám sát các hoạt động liên quan đến vàng miếng, vàng nguyên liệu và vàng trang sức mỹ nghệ.
Góp ý cho dự thảo, một số chuyên gia và tổ chức như Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) và VGTA đều cho rằng, quy định điều kiện vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỷ đồng trở lên với doanh nghiệp là quá chặt, sẽ loại bỏ phần lớn doanh nghiệp khỏi khả năng tham gia thị trường,… làm hạn chế tính cạnh tranh, không đa dạng hóa được nguồn cung, từ đó ảnh hưởng đến quyền lợi và sự lựa chọn của người dân. Do đó, cần bãi bỏ quy định này.
VCCI cũng nêu ý kiến: dự thảo Nghị định hiện vẫn duy trì các điều kiện kinh doanh đối với hoạt động kinh doanh vàng trang sức, thủ công mỹ nghệ là chưa phù hợp, cần được rà soát và điều chỉnh do không phù hợp với quy định của Luật Đầu tư.

VGTA vừa kiến nghị một số giải pháp nhằm giảm sức ảnh hưởng của vàng miếng để người dân chuyển sang vàng trang sức.
Tại Tọa đàm “Sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng”, lãnh đạo VGTA cho hay, Hiệp hội hiện có các thành viên xuất vàng sang Lào, nên nhận thấy ở nước bạn, người dân không có nhu cầu mua vàng miếng mà chỉ mua vàng trang sức. “Chỉ có ở Việt Nam, người dân mới đổ xô mua vàng miếng”, Phó chủ tịch VGTA Nguyễn Thế Hùng nhấn mạnh.
Chủ tịch VGTA Đinh Nho Bảng đề nghị, ở góc độ quản lý, nhà điều hành cần định hướng về chính sách là không để người dân tập trung mua bán vàng miếng, tránh để vốn chết trong dân. Thay vào đó, phải huy động, dành nguồn vốn lớn đó tập trung vào phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 24/2012 chưa có công cụ nào thực hiện được điều này.
VGTA cũng nhận thấy vai trò của sản xuất và kinh doanh vàng trang sức còn chưa được nêu cao trong Dự thảo. Theo Hiệp hội, NHNN nên định hướng và ra chính sách khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh vàng trang sức, trong đó ưu tiên cho xuất khẩu; và từng bước làm giảm nhu cầu mua bán, nắm giữ vàng miếng trong dân bằng nhiều giải pháp kinh tế mang tính thị trường.
Hiệp hội này kiến nghị nên điều tiết thị trường vàng thông qua chính sách thuế. Cụ thể, có thể miễn thuế đối với giao dịch vàng trang sức của người dân, nhưng áp thuế với hoạt động mua bán vàng miếng mang tính đầu cơ. Đồng thời, cần triển khai các giải pháp nhằm đa dạng hóa thương hiệu vàng miếng và tăng nguồn cung ra thị trường.
VGTA cũng đề xuất NHNN khuyến khích phát triển thị trường vàng trang sức nhằm tạo tác động tâm lý, từng bước định hướng người dân chuyển từ tích trữ vàng miếng sang giao dịch vàng trang sức. Về lâu dài, điều này sẽ góp phần bình thường hóa thị trường, giảm sức ảnh hưởng của vàng miếng, giống như xu hướng đang diễn ra tại nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Bên cạnh đó, dự thảo quy định hoạt động nhập khẩu vàng miếng theo hướng kiểm soát nhiều tầng nấc, gồm: Giấy phép xuất nhập khẩu vàng; Hạn mức xuất nhập khẩu hàng năm; Giấy phép xuất nhập khẩu cho từng lần. Theo VCCI và VGTA, quy định này làm tăng giấy phép con, tăng thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp; kìm hãm hoạt động xuất khẩu vàng miếng; làm mất cơ hội sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vì diễn biến thị trường vàng thế giới biến động liên tục, chịu tác động từ nhiều yếu tố.
Trên cơ sở đó, VCCI và VGTA đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng đơn giản hóa thủ tục đồng thời vẫn đáp ứng yêu cầu quản lý. Cụ thể, VCCI kiến nghị bỏ giấy phép xuất nhập khẩu vàng, còn VGTA cho rằng chỉ cần cấp hạn mức xuất nhập khẩu vàng miếng, nhập khẩu vàng nguyên liệu hàng năm, phân bổ cho từng doanh nghiệp ngay từ quý I.