Mỹ áp thuế 50% lên hàng hóa Brazil, cà phê Việt Nam đứng trước 'cơ hội vàng'

Mức thuế quan 50% mà Mỹ áp dụng lên đồng và hàng nhập khẩu từ Brazil đã khiến thị trường cà phê toàn cầu 'rung chuyển', song đây cũng là 'cơ hội vàng' cho thị trường cà phê Việt Nam nắm bắt và phát triển.

Trong bài đăng trên nền tảng mạng xã hội Truth Social của mình vào hôm thứ Năm vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế quan mới 50% đối với đồng và hàng nhập khẩu của Brazil. Nếu mức thuế này chính thức được áp lên hàng hóa Brazil từ 1/8 tới đây, thị trường xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Mỹ sẽ ở ra nhiều cơ hội.

Tác động với thị trường Mỹ

Brazil hiện nay đang là quốc gia trồng và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, trong đó Mỹ là đối tác lớn nhất và quốc gia tiêu thụ nhiều cà phê nhất trên toàn cầu, với gần 200 triệu người Mỹ thưởng thức một tách cà phê mỗi ngày.

Theo các nguồn tin thương mại cho biết, nếu mức thuế mới áp dụng đối với Brazil có hiệu lực kể từ ngày 1/8, điều này có thể ngăn chặn các lô hàng cà phê mới của Brazil xuất khẩu sang Mỹ. Trong năm 2024, Mỹ đã nhập khẩu 8,14 triệu bao cà phê từ quốc gia Nam Mỹ này, tương đương 33% tổng lượng tiêu thụ. Công ty nghiên cứu thị trường Mintel ước tính, thị trường cà phê Mỹ đã đạt 19,75 tỷ USD vào năm 2024.

Nhận định về vấn đề này, ông Michael Nugent, nhà môi giới và tư vấn cà phê kiêm chủ sở hữu của MJ Nugent & Co., cho biết: "Mức thuế quan lớn của Mỹ đối với Brazil sẽ gần như chặn đứng dòng chảy cà phê từ Brazil vào Mỹ. Các đối tác từ Brazil sẽ không thể đáp ứng được việc xuất khẩu với mức thuế quan lớn như vậy, điều này cũng sẽ gây bất lợi cho những đối tác tiêu thụ cà phê ở Mỹ.

Vì vậy, Brazil sẽ xuất khẩu cà phê của họ sang các thị trường khác. Còn lại, Mỹ sẽ nhập khẩu cà phê từ các quốc gia khác như Colombia, Honduras, Peru hay Việt Nam, song không nhập với khối lượng hoặc giá cả như Brazil trước đây", ông Nugent nói thêm.

Việc áp thuế quan 50% với hàng nhập khẩu từ Brazil chắc hẳn sẽ là tin tức không vui đối với những người nghiện cà phê ở Mỹ. Việc tăng thuế thương mại có thể khiến người tiêu dùng Mỹ phải chi tiêu nhiều hơn.

Theo các thương nhân cà phê Mỹ, nguồn cung cà phê thay thế dự kiến sẽ đắt hơn vì không có nhiều loại trên thị trường. Các quốc gia ưu tiên thị trường Brazil vì cà phê của họ có giá trị tốt và chất lượng, nhưng điều quan trọng là mức thuế quan mới này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ với người tiêu dùng mà còn với các thương hiệu cà phê lớn của Mỹ như Starbucks hay La Colombe khi giờ đây người tiêu dùng sẽ phải trả một mức giá cao hơn bình thường cho một tách cà phê.

Giá cà phê Arabica dự kiến sẽ tăng thêm 1,3% do kế hoạch tăng thuế quan của Tổng thống Donald Trump.

Brazil đang là thị trường trồng và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới - Ảnh: DJI Agriculture.

Brazil đang là thị trường trồng và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới - Ảnh: DJI Agriculture.

Brazil hướng tới thị trường châu Âu

Anh Paulo Armelin, hiện quản lý trang trại rộng 220 ha ở Patrocinio, bang Minas Gerais (Brazil), cho biết những đối tác cà phê của anh ở thị trường Mỹ sẽ khó có thể chi trả để nhập cà phê từ Brazil nếu mức thuế mới được áp dụng.

"Chúng tôi sẽ phải tìm kiếm các thị trường khác, có thể ở các quốc gia châu Âu như là Đức", anh Armelin cho biết. Ngoài ra, anh Armelin nói thêm rằng việc thực hiện các thỏa thuận cà phê vào đầu năm nay gặp rất nhiều khó khăn sau những đợt tăng giá gần đây.

Mặt khác, ông Eduardo Heron, giám đốc của tập đoàn Cecafe, một tập đoàn xuất khẩu cà phê lớn ở Brazil bày tỏ sự hy vọng vào các cuộc đàm phán thương mại trong tương lai: "Tôi hy vọng rằng biện pháp ngoại giao sẽ có hiệu quả và cà phê sẽ được đưa vào danh sách miễn trừ. Tuy nhiên, tôi không thể phủ nhận rằng việc xuất khẩu cà phê sẽ trở nên bất khả thi hơn với mức thuế quan này”.

Vào tháng trước, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick phát biểu trong phiên điều trần của Quốc hội rằng một số nguồn tài nguyên thiên nhiên không có sẵn ở Mỹ, chẳng hạn như trái cây nhiệt đới và các loại gia vị, có thể được miễn thuế, tùy thuộc vào các cuộc đàm phán đối với các quốc gia sản xuất và xuất khẩu chúng.

Thực tế, Mỹ chỉ sản xuất một phần nhỏ lượng cà phê để người dân có thể sử dụng, với các trang trại cà phê ở Hawaii và một số ít ở California. Còn lại, cà phê của Mỹ đều nhập về từ các thị trường bên ngoài, trong đó hầu hết đến Brazil.

Mức thuế quan mới của Mỹ áp lên các mặt hàng đến từ Brazil là một đòn giáng mạnh đối với thị trường vốn được coi là “xứ sở cà phê” của thế giới. Bởi lẽ, mức thuế quan này sẽ trở thành rào cản trong quá trình nhập khẩu cà phê từ Brazil vào Mỹ, các doanh nghiệp cũng như các chủ trang trại đến từ Brazil sẽ dè dặt hơn trong việc đưa sản phẩm cà phê của họ đến với thị trường này. Nếu mức thuế quan này được áp dụng, các đối tác tiêu thụ cà phê tại Mỹ sẽ vừa phải loay hoay tìm nguồn cung thay thế, vừa phải đối mặt với việc mất đi một thị trường cà phê đầy tiềm năng và chất lượng từ Brazil.

Cơ hội cho Việt Nam

Việt Nam là thị trường sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới, đồng thời là nước sản xuất cà phê Robusta hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 17% sản lượng cà phê toàn cầu với tổng khối lượng sản xuất đạt khoảng 29 triệu bao trong niên vụ 2024/25. Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), sản lượng cà phê Robusta của Việt Nam niên vụ 2025-2026 sẽ tăng 7% lên mức cao nhất trong 4 năm, đạt khoảng 31 triệu bao.

Theo thống kê từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), Việt Nam là thị trường sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới, xếp sau Brazil.

Theo thống kê từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), Việt Nam là thị trường sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới, xếp sau Brazil.

Hiện tại, những thị trường xuất khẩu cà phê của Việt Nam bao gồm Mỹ, Mexico, Nga, các nước châu Á (Nhật Bản, Philippines, Trung Quốc) và các nước thuộc Liên minh châu Âu (Đức, Ý, Tây Ban Nha).

Trong năm 2024, lượng cà phê xuất khẩu cả nước khoảng 1,34 triệu tấn, trị giá 5,6 tỷ USD. Con số này giảm 17,1% về lượng. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu vẫn tăng 32,5% do giá thế giới có xu hướng tăng cao. Về phía Brazil, theo dữ liệu từ Chính phủ Brazil, xuất khẩu cà phê của quốc gia này trong tháng 12/2024 đạt 200.000 tấn giảm 17,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Ngoài thị trường Việt Nam, Mỹ đang nhập khẩu cà phê từ 103 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, Brazil là nguồn cung cà phê lớn nhất cho nước này, tiếp đến là Colombia, Việt Nam, Honduras, Guatemala...

Trong đó, nguồn cung cho thị trường Mỹ của Brazil trong năm 2024 đạt 453,7 nghìn tấn, trị giá 1,96 tỷ USD, tăng 31,8% về lượng và tăng 45,1% về trị giá so với năm 2023. Thị phần cà phê của Brazil trong tổng lượng nhập khẩu của Mỹ tăng từ 24,78% trong năm 2023 lên mức 30,72% trong năm 2024. Ở chiều ngược lại, nguồn cung của Việt Nam trong năm 2024, đạt 96,8 nghìn tấn, trị giá 355 triệu USD, giảm 32,2% về lượng nhưng tăng 2,2% về trị giá so với năm 2023.

Trong năm 2024, giá bình quân nhập khẩu cà phê vào Mỹ đạt mức 5.978 USD/tấn, tăng 3,9% so với năm 2023. Trong số này, giá bình quân nhập khẩu cà phê của Mỹ từ Việt Nam tăng mạnh nhất, tăng 50,9% so với năm 2023, lên mức 3.665 USD/tấn. Về phía Brazil, giá bình quân cà phê nhập khẩu từ thị trường này vào Mỹ tăng 10,1%, lên 4.326 USD/tấn.

Brazil là nguồn cung cà phê lớn nhất cho Mỹ.

Brazil là nguồn cung cà phê lớn nhất cho Mỹ.

Nếu đặt lên bàn cân so sánh, dù đã có những bước phát triển vượt bậc, song rõ ràng thị trường cà phê của Việt Nam chưa thể phát triển mạnh so với Brazil. Theo thống kê từ USDA, trong niên vụ 2024/25, Brazil dẫn đầu thị trường cà phê thế giới khi đạt sản lượng 64,7 triệu bao. Cũng theo cơ quan này, dự báo trong niên vụ 2025/26, sản lượng cà phê của Brazil sẽ tăng 0,5% so với niên vụ trước, lên mức 65 triệu bao.

Tuy nhiên, việc Mỹ áp mức thuế 50% lên cà phê của Brazil khiến nước này mất đi tính cạnh tranh về giá tại thị trường Mỹ, nhất là khi Mỹ đang phụ thuộc vào Brazil cho khoảng một phần ba lượng cà phê tiêu thụ, chủ yếu loại hạt Arabica. Với mức thuế mới, nguồn cung từ Brazil gần như “phá sản” về mặt giá, buộc các đối tác Mỹ phải tìm nguồn thay thế. Việt Nam, với thế mạnh xuất khẩu cà phê Robusta với mức giá thấp hơn, đang ở vị trí thuận lợi để “lấp khoảng trống” này của Brazil, nhất là khi Mỹ sẵn sàng chuyển hướng tìm nguồn cung bền vững và ổn định hơn.

Trong bối cảnh giá cà phê toàn cầu gần đây đã đạt mức cao nhất trong 50 năm do thời tiết xấu ở Brazil và căng thẳng nguồn cung, giá cà phê Robusta của Việt Nam đã tăng lên mức kỷ lục hơn 5.600 USD/tấn trong niên vụ 2024–2025, giúp doanh thu xuất khẩu tăng vọt dù sản lượng không đổi hoặc giảm nhẹ.

Sự chuyển hướng tìm nguồn cung bền vững và ổn định của thị trường Mỹ có thể giúp Việt Nam tăng xuất khẩu các sản phẩm chế biến (cà phê hòa tan, rang xay), từ đó giảm phụ thuộc vào xuất khẩu cà phê thô, đúng theo chiến lược dài hạn của ngành cà phê Việt Nam.

Việt Nam đang đứng trước một “cánh cửa” thời cơ lớn cho hạt cà phê Việt Nam tại thị trường Mỹ với những thuận lợi về sản lượng và thổ nhưỡng để “lấp khoảng trống” cà phê của Brazil. Thế nhưng, để nắm bắt cơ hội này, ngành cà phê Việt Nam cần phải ổn định nguồn cung, đảm bảo truy xuất nguồn gốc và tiêu chuẩn bền vững, quan trọng nhất đó là có những biện pháp đàm phán phù hợp với chính sách thuế quan của Mỹ để biến những thuận lợi này trở thành chiếc “chìa khóa”, mở ra cánh cửa cho nông sản Việt trên trường quốc tế.

Theo số liệu do Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) công bố hồi tháng 6, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2025 đạt 823,9 nghìn tấn, trị giá 4,7 tỷ USD, giảm 0,6% về lượng nhưng tăng mạnh 62,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024. Mặc dù khối lượng xuất khẩu giảm nhẹ, nhưng nhờ giá cà phê tăng cao nên kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này vẫn đạt mức kỷ lục. Cụ thể, tính chung 5 tháng đầu năm 2025, giá bình quân xuất khẩu mặt hàng này đạt 5.709 USD/tấn, tăng 63,2% so với cùng kỳ năm 2024. Trong tháng 5/2025, Việt Nam xuất khẩu 11,742 tấn cà phê sang Mỹ, trị giá khoảng 62 triệu USD.

Cát Ân - Đức Bách

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/my-ap-thue-50-len-hang-hoa-brazil-ca-phe-viet-nam-dung-truoc-co-hoi-vang-100283.html