Kiến nghị giải pháp giảm giá bất động sản bằng lãi suất trái phiếu

Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ cho biết các doanh nghiệp bất động sản vẫn đang phải huy động trái phiếu với lãi suất 12-15%, chưa kể 3% phí phát hành.

 Đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng thị trường bất động sản có dấu hiệu bị lũng đoạn, thao túng để thổi giá. Ảnh: Quochoi.vn.

Đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng thị trường bất động sản có dấu hiệu bị lũng đoạn, thao túng để thổi giá. Ảnh: Quochoi.vn.

Ngày 28/10, Quốc hội đã có phiên thảo luận về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.

Tại phiên thảo luận sáng, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Bắc Giang) cho biết vấn đề bất động sản và nhà ở xã hội hiện nay là vấn đề rất nóng được đông đảo dư luận chú ý.

Giảm giá bất động sản qua kênh trái phiếu

Trong đó, điều được người dân quan tâm nhất là giá cả bất động sản phải dễ tiếp cận, phù hợp với điều kiện, mức sống, thu nhập của người dân. Vị đại biểu chỉ ra những dấu hiệu bất thường của thị trường là tăng giá đột ngột, tăng gấp 2-3 lần. Mức giá này không phù hợp với tình hình chung của nền kinh tế và là mức giá mà người dân không thể tiếp cận.

Đại biểu Tạ Văn Hạ cũng đặt câu hỏi liệu việc giá bất động sản tăng bất thường có dấu hiệu của sự lũng đoạn, thao túng và thổi giá, tạo ra bóng bóng của một nhóm lợi ích.

Theo đại biểu Quốc hội, một trong những giải pháp giảm giá thị trường bất động sản đó là trái phiếu bất động sản.

Theo ông, hiện nay, trái phiếu bất động sản phát hành ra với mức lãi suất 12-15%/năm, cộng với khoảng 3% phí phát hành. Như vậy, mục tiêu của phát hành trái phiếu bất động sản, dư nợ lĩnh vực này đến thời kỳ đáo hạn có áp lực rất lớn.

"Nếu chúng ta không kiểm soát chặt để phục hồi và phát triển thị trường bất động sản, thì việc phát hành trái phiếu không hiệu quả. Hơn nữa, thời gian khoảng 3 năm, mà phải trả lãi suất cao như vậy dễ tạo ra gánh nặng cho Nhà nước và nhân dân, nguy cơ dẫn đến nợ xấu gia tăng và thậm chí là vỡ nợ", đại biểu Tạ Văn Hạ nhấn mạnh.

Trước đó, nhiều chuyên gia cũng đưa ra giải pháp giảm giá bất động sản thông qua việc giảm chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp địa ốc. Một trong số đó là giảm lãi suất huy động vốn cho các doanh nghiệp này.

Hiện nay, phần lớn nguồn vốn các chủ đầu tư dùng để phát triển dự án là vốn trái phiếu doanh nghiệp. Do đó, việc lãi suất trái phiếu bất động sản ở mức cao là một trong những nguyên nhân khiến chi phí vốn đầu vào tăng cao, dẫn tới giá bán sơ cấp cao.

Theo đại biểu Tạ Văn Hạ, thời gian tới nếu thị trường bất động sản chưa thể hạ nhiệt thì người dân cũng chưa có cơ hội để tiếp cận với thị trường nhà ở. Do đó, ông đề nghị cần nghiên cứu giải pháp và tiến hành thanh tra, kiểm tra, xem xét lại căn cơ để phục hồi và phát triển thị trường bất động sản lành mạnh và đúng hướng.

Sớm tháo gỡ dự án tồn đọng, vướng mắc

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng nhìn nhận từ góc độ thị trường, giá bất động sản sẽ có chu kỳ lên xuống, việc cần làm là duy trì nhịp độ, giữ tính quy luật, hạn chế những tăng giảm đột ngột, bất thường. Trong đó, trách nhiệm của Nhà nước là tạo ra sân chơi, môi trường bình đẳng cho thị trường bất động sản.

 Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) tại phiên thảo luận sáng 28/10. Ảnh: Quochoi.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) tại phiên thảo luận sáng 28/10. Ảnh: Quochoi.

Theo ông An, nếu nhìn nhận giá đất theo biến động thị trường, không hẳn giá đất cao là không tốt, giá đất thấp là tốt, mà còn tùy vào mức độ cao thấp với từng phân khúc để phân tích, có phản ứng chính sách phù hợp giúp tăng thu ngân sách, đầu tư một cách tập trung và hợp lý. Đại biểu nêu quan điểm, cần quan tâm và có chính sách tập trung vào phân khúc nhà, đất từ 2,5 tỷ trở xuống, tránh đầu tư dàn trải.

Về mặt thuế, đại biểu cho biết đã có nhiều đề xuất về việc thiết lập thuế đối với cá nhân sở hữu nhiều nhà, nhiều tài sản, giờ đây là thời điểm chín muồi để áp dụng loại thuế này.

Về việc nguồn cung thấp, giá thành cao, đại biểu cho rằng cần phân tích, đánh giá cụ thể nguyên nhân từ việc ách tắc liên quan đến thủ tục pháp lý, đồng thời bày tỏ hy vọng các luật có liên quan đến đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản cùng các văn bản pháp quy liên quan sẽ góp phần cải thiện tình trạng này.

Cùng quan điểm, đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) kiến nghị cần tập trung làm rõ các nguyên nhân, thực trạng đối với các dự án bất động sản đang có vướng mắc, bị đình trệ. Theo bà Hạnh, nguyên nhân của các vướng mắc, tồn tại có thể do thiếu khung pháp lý, công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện ở địa phương hoặc công tác kiểm tra, giám sát còn thiếu.

Do đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần đặt trọng tâm nhiệm vụ xem xét, tháo gỡ vướng mắc pháp lý đối với các dự án đang bị đình trệ. Không nên hợp thức hóa sai phạm, nhưng cũng cần nghiên cứu cách xử lý phù hợp đối với các công trình, dự án đã xảy ra sai phạm, tránh lãng phí nguồn lực.

Đặc biệt, đại biểu Lý Tiết Hạnh đề nghị cần có chính sách hỗ trợ để giúp những người mua nhà bị ảnh hưởng do các dự án bị đình trệ vượt qua khó khăn.

Diệu Thanh

Nguồn Znews: https://znews.vn/kien-nghi-giai-phap-giam-gia-bat-dong-san-bang-lai-suat-trai-phieu-post1507211.html