Kiến nghị giảm thuế, phí cho các doanh nghiệp chăn nuôi

Làn sóng đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên giá nguyên liệu đầu vào tăng cao là thách thức lớn đối với ngành, nên cần các giải pháp giảm thuế, phí hỗ trợ doanh nghiệp.

Làn sóng đầu tư vào chăn nuôi phát triển mạnh mẽ.

Làn sóng đầu tư vào chăn nuôi phát triển mạnh mẽ.

Tại hội nghị thúc đẩy phát triển chăn nuôi trong tình hình mới, ngày 23/12, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến cho biết, trong năm 2022, ngành chăn nuôi cơ bản phát triển ổn định với tổng đàn lợn tăng 12,4%, đàn gia cầm tăng 5,4%, đàn bò tăng 3,5%.

Ước thực hiện trong năm 2022, sản lượng thịt hơi các loại đạt khoảng 7 triệu tấn. Sản lượng trứng ước đạt 18,4 tỷ quả và sản lượng sữa tươi nguyên liệu ước đạt 1,16 triệu tấn. Giá trị sản xuất chăn nuôi ước tính tăng từ 5 - 5,5%.

Trong giai đoạn vừa qua, làn sóng đầu tư vào lĩnh vực giết mổ, chế biến diễn ra mạnh mẽ và được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh trong những năm tiếp theo. Các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ ngày càng giảm, cơ sở giết mổ lớn có xu hướng ngày càng tăng về số lượng và quy mô.

"Tuy nhiên, phát triển chăn nuôi trong tình hình mới đang gặp khá nhiều khó khăn bởi dịch bệnh, xung đột giữa Nga - Ukraina khiến sức tiêu thụ giảm, đơn hàng của các nước giảm. Những vấn đề này khiến các chuỗi cung ứng vật tư đầu vào tăng cao là những yếu tố ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi”.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến

Tính bình quân 11 tháng năm 2022, giá các loại thức ăn chăn nuôi đều tăng so với cùng kỳ năm 2021, từ 7 - 27%. Tăng mạnh nhất là ngô hạt tăng hơn 8.800 đồng/kg, khô dầu đậu tương tăng 14.500 đồng/kg, methionine tăng 68.000 đồng/kg.

Về giá thức ăn chăn nuôi cũng tăng mạnh, như thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho lợn thịt từ 60 đến xuất chuồng tăng khoảng 13.000 đồng/kg; thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gà thịt lông mầu tăng 12.800 đồng/kg.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt 5 đề án ưu tiên thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng thời, kiến nghị với Quốc hội giảm các loại phí, thuế thu nhập doanh nghiệp giai đoạn từ nay đến năm 2025 để hỗ trợ, khôi phục sản xuất chăn nuôi sau khủng khoảng về dịch bệnh ở vật nuôi và trên người.

Vấn đề về giá, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng, hiện nay các tập đoàn chăn nuôi lớn đã xây dựng các vùng nguyên liệu, kho bãi… đảm bảo chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi giảm chi phí vận chuyển, cũng như các khoản thuế khi nhập khẩu từ nước ngoài.

Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, dự báo kinh tế toàn cầu trong năm 2023 sẽ tăng trưởng chậm, kinh tế trong nước tiếp tục phục hồi và có triển vọng khả quan do hoạt động sản xuất kinh doanh khởi sắc. Thích ứng với giai đoạn mới, ngành nông nghiệp nông thôn sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại và kinh tế toàn cầu.

“Do đó, hoạt động sản xuất và thị trường sản phẩm chăn nuôi mở ra nhiều cơ hội tiếp cận với thế giới song song với đó là vấn đề phải đối mặt với việc ngày càng gia tăng áp lực về thị trường cho các sản phẩm trong nước, cạnh tranh ngày càng lớn về giá, về chất lượng, đa dạng sản phẩm trước bối cảnh sản phẩm chăn nuôi của Mỹ và Châu Âu xuất khẩu vào thị trường Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh.

Tính đến hết tháng 11, cả nước có 109 cơ sở, nhà máy của các doanh nghiệp chế biến thịt, trứng và sữa quy mô công nghiệp để xuất khẩu và phục vụ tiêu dùng trong nước, đáp ứng nhu cầu chế biến cho khoảng 1,3 triệu tấn thịt, hơn 100 triệu quả trứng, hàng triệu lít sữa tươi hằng năm. Cả nước có khoảng 68 nhà máy chế biến thịt các loại, sản phẩm thịt chế biến đạt khoảng 1,3 triệu tấn.

Phương Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/kien-nghi-giam-thue-phi-cho-cac-doanh-nghiep-chan-nuoi-post15804.html