Kiến nghị hạ tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội xuống dưới mức tuổi thọ trung bình

Đại biểu Quốc hội đề nghị từ năm thứ 21 đối với nam và từ năm thứ 16 đối với nữ, mỗi năm được hưởng thêm 3% đến tối đa 75 % hoặc là nội dung này giao cho Chính phủ quy định chi tiết đối với một số ngành, lĩnh vực hoạt động đặc thù, trong đó có hoạt động của Quân đội và Công an.

Chiều 27/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Kết thúc thảo luận, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu

Kiến nghị hạ độ tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội

Quan tâm đến đối tượng và điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (Điều 20), đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (đoàn Bắc Kạn) cho biết, quy định tại Điều 20 nêu: công dân Việt Nam được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội khi có đủ các điều kiện: đủ 75 tuổi trở lên; không hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng; người đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Đại biểu đề nghị, giảm độ tuổi hưởng trợ cấp xã hội cho cả 2 đối tượng trên.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (đoàn Bắc Kạn) phát biểu tại phiên họp.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (đoàn Bắc Kạn) phát biểu tại phiên họp.

Cũng phát biểu về trợ cấp hưu trí xã hội cho người cao tuổi, đại biểu Thái Thị An Chung (đoàn Nghệ An) đồng tình với việc quy định trong dự thảo để thể chế hóa Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị. Trong đó, dự thảo luật kế thừa và phát triển một phần quy định về trợ cấp xã hội hàng tháng đối với người cao tuổi đang được quy định tại Luật Người cao tuổi. So với quy định tại Luật Người cao tuổi, dự thảo có tính ưu việt hơn khi giảm độ tuổi được hưởng trợ cấp xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi và giảm xuống 70 tuổi đối với những người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm trường hợp giảm độ tuổi xuống 70 tuổi đối với những người đã tham gia kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, hoặc làm nhiệm vụ quốc tế và những trường hợp này chưa được hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng. Việc bổ sung đối tượng này thể hiện truyền thống "uống nước, nhớ nguồn" và sự tiếp nối tri ân đối với những cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong đã đóng góp sức lực, tuổi trẻ để mang lại hòa bình và độc lập cho dân tộc. Đồng thời,việc bổ sung đối tượng này cũng góp phần mở rộng diện bao phủ BHXH như mục tiêu dự thảo luật đã đề ra.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) cũng đề nghị xem xét hạ độ tuổi và bổ sung thêm điều kiện được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Cho rằng 75 tuổi mới được trợ cấp xã hội là quá cao so với tuổi thọ trung bình của dân số cả nước ta hiện nay, đại biểu nêu quan điểm, có những người thỏa mãn cả 2 điều kiện tại điểm b khoản 1 dự thảo, nhưng lại có thu nhập rất cao từ các nguồn khác như: nguồn hỗ trợ của con cái hoặc các nguồn thu nhập hợp pháp khác, nhưng vẫn thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Từ đó, đại biểu Nguyễn Hữu Thông kiến nghị sửa đổi lại khoản 1 Điều 20 theo hướng hạ điều kiện về độ tuổi (tại điểm a khoản 1) xuống bằng hoặc thấp hơn tuổi thọ trung bình của nước ta hiện nay, đồng thời bổ sung thêm điều kiện không có nguồn thu nhập ổn định khác để phù hợp với tình hình thực tế.

Đề xuất quy định tuổi hưởng lương hưu cho từng nhóm đối tượng

Góp ý về quy định tuổi nghỉ hưu, đại biểu Vũ Hồng Luyến (đoàn Hưng Yên) cho rằng, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, tuổi nghỉ hưu được tăng dần theo lộ trình đến mức nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi đối với mọi đối tượng lao động chịu tác động trong bộ luật này. Tuy nhiên, trong thực tế, một số ngành nghề đặc thù như công nhân lao động, giáo viên mầm non thì đòi hỏi sức khỏe tốt để đảm bảo thực hiện công việc. Công nhân lao động làm việc nặng nhọc dẫn đến việc giảm sút sức lao động, từ đó năng suất lao động giảm, không đạt hiệu quả cao.

“Thực tế hiện nay cho thấy, ở những ngành nghề lao động nặng hay lao động đòi hỏi sự tỉ mỉ, đa số người lao động không thể làm việc đến tuổi nghỉ hưu mà sẽ phải nghỉ hưu trước tuổi, từ đó không được hưởng lương hưu mức tối đa theo quy định. Đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh luật theo hướng tách riêng quy định tuổi hưởng lương hưu cho từng nhóm đối tượng, trong đó xét tuổi đối tượng công nhân lao động, giáo viên trong các cơ sở giáo dục, đặc biệt là giáo viên mầm non vào trong nhóm đối tượng lao động có công việc nặng nhọc, độc hại để giảm độ tuổi nghỉ hưu” – đại biểu nêu quan điểm.

Đại biểu Vũ Hồng Luyến (đoàn Hưng Yên) phát biểu tại phiên họp.

Đại biểu Vũ Hồng Luyến (đoàn Hưng Yên) phát biểu tại phiên họp.

Nói về tuổi hưởng lương hưu của lực lượng vũ trang, đại biểu Hoàng Hữu Chiến (đoàn An Giang) cho rằng, qua thực tiễn thực hiện BHXH, một số cán bộ công tác trong một số ngành, lĩnh vực đặc thù của quân đội khi nghỉ hưu thì chưa được hưởng mức lương hưu tối đa 75%. Do yêu cầu công việc nên tuổi đời công tác có giới hạn nhất định và hiện nay một số ngành thì yêu cầu tuổi đời không quá 40, 45 hoặc là 48 tuổi. Như vậy, trừ thời gian đào tạo, thời gian công tác ở một số ngành chỉ đến 12, 15 hoặc là 18 năm là phải chuyển công tác hoặc là nghỉ hưu. Mặt khác, môi trường công tác trong các lĩnh vực này chịu tác động ảnh hưởng rất lớn đến tâm sinh lý, sức khỏe như các loại sóng điện tử, bức xạ nhiệt, tiếng ồn, hóa chất độc hại, bụi công nghiệp; do tính chất công việc căng thẳng, chịu áp lực lớn, có nguy cơ rủi ro và mất an toàn cao và nhiều trường hợp hy sinh, bị thương trong khi thực hiện nhiệm vụ. Những trường hợp này nếu không bố trí sử dụng được công việc khác và không thể chuyển ngành được, nếu đủ 20 năm đóng BHXH thì nghỉ hưu và như vậy sẽ không được hưởng lương hưu tối đa 75% vì không đủ 35 năm tham gia BHXH. Chưa kể các đối tượng trên khi tuổi cao sức yếu thường mắc một số bệnh nền mãn tính, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe do môi trường hoạt động công tác trước đó.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu.

“Như vậy, khi nghỉ hưu, cán bộ công tác trong một số lĩnh vực như trên sẽ rất thiệt thòi, có tác động ảnh hưởng đến tư tưởng, đời sống của cán bộ, gia đình và chính sách hậu phương quân đội, đồng thời không khuyến khích, không thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao vào quân đội công tác, cống hiến” – đại biểu nêu. Đồng thời kiến nghị cơ quan soạn thảo Quốc hội xem xét bổ sung vào một khoản tại Điều 70 của dự thảo luật quy định cách tính mức lương hưu hàng tháng để các đối tượng trên được hưởng mức lương hưu tối đa theo dự thảo sửa đổi luật lần này. Phương án là từ năm thứ 21 đối với nam và từ năm thứ 16 đối với nữ, mỗi năm được hưởng thêm 3% đến tối đa 75 % hoặc là nội dung này giao cho Chính phủ quy định chi tiết đối với một số ngành, lĩnh vực hoạt động đặc thù, trong đó có hoạt động của Quân đội và Công an.

Phương Thủy

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/kien-nghi-ha-tuoi-duoc-huong-tro-cap-huu-tri-xa-hoi-xuong-duoi-muc-tuoi-tho-trung-binh-i732534/