Kiến nghị hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế hợp tác xã

Nhiều hộ dân ở thị trấn Chợ Lầu, huyện Bắc Bình đã kiến nghị các ngành chức năng huyện, tỉnh hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế hợp tác xã và kinh tế tư nhân, gia đình để chuyển đổi nông nghiệp đạt hiệu quả cao, hướng đến liên kết phát triển kinh tế tập thể.

Qua tìm hiểu được biết thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan, các địa phương cùng với nhân dân tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp về thông tin, tuyên truyền, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến và xúc tiến thương mại. Qua đó đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung ổn định, quy mô lớn, như: Vùng trồng cao su, thanh long, điều, lúa chất lượng cao. Hướng dẫn chuyển giao cho các hợp tác xã, hộ gia đình những quy trình sản xuất tiên tiến, các phương thức tưới tiết kiệm nước. Xây dựng các mô hình khuyến nông, lâm, ngư theo liên kết chuỗi và chú trọng sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh trong sản xuất, nhằm hướng đến nền nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường. Mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất cho các hợp tác xã và nông dân. Phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp và có kiểm soát an toàn dịch bệnh, môi trường. Toàn tỉnh hiện có 65 cơ sở chăn nuôi theo mô hình chăn nuôi trang trại quy mô lớn, 60 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, 2 cơ sở sản xuất tôm giống được cấp giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh và 10 trang trại được công nhận chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng chất cấm, lạm dụng kháng sinh, hóa chất không rõ nguồn gốc trong chăn nuôi. Cơ cấu lại sản xuất thủy sản theo hướng tăng tỷ trọng sản lượng nuôi trồng và giảm tỷ trọng sản lượng khai thác, giảm tổn thất sau thu hoạch. Các cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước cấp và nước thải riêng biệt. Áp dụng quy trình vi sinh trong ao nuôi, sử dụng các loại máy theo dõi môi trường nước nuôi và máy cho ăn tự động. Một số cơ sở áp dụng phương pháp quản lý chất lượng tiên tiến, như ASC, BAP, GlobalGAP. Phát triển nâng cao chất lượng rừng trồng, ưu tiên trồng rừng gỗ lớn có giá trị kinh tế cao gắn với tiêu chuẩn FSC, với diện tích hiện có 9.340 ha rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Xây dựng chuyển giao các mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng, nhằm giúp bảo vệ tài nguyên rừng hiệu quả. Thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác vùng biển xa và chính sách liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Hợp tác xã nông nghiệp Bình Lễ, xã Phan Rí Thành, huyện Bắc Bình thu hoạch lúa.

Hợp tác xã nông nghiệp Bình Lễ, xã Phan Rí Thành, huyện Bắc Bình thu hoạch lúa.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Sở Nông nghiệp – PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, UBND các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp. Đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin về phát triển nông nghiệp xanh, nâng cao nhận thức về kinh tế xanh cho các hợp tác xã, hộ nông dân, các chủ trang trại và các nhà sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu từng vùng, miền. Hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung ổn định, quy mô lớn. Đẩy mạnh áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, giảm sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, gây ô nhiễm môi trường, làm thoái hóa đất canh tác và phát thải khí nhà kính. Áp dụng các phương thức tưới tiên tiến, tiết kiệm nước và ngày công lao động. Chuyển đổi phương thức chăn nuôi quy mô nhỏ, phân tán sang chăn nuôi trang trại và hình thành vùng chăn nuôi trọng điểm gắn với bảo vệ môi trường, an toàn sinh học. Tất cả các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ, cơ sở chế biến sản phẩm chăn nuôi phái có giải pháp kiểm soát môi trường phù hợp. Tăng cường năng lực của hệ thống thú y, bảo đảm phòng chống dịch bệnh động vật có hiệu quả và giám sát sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững phù hợp với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Áp dụng đối tượng nuôi trồng thủy sản mới có hiệu quả cao, khả năng chống chịu tốt, thích ứng với điều kiện khí hậu. Phát riển vùng nguyên liệu rừng trồng tập trung, ưu tiên trồng rừng gỗ lớn và nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả rừng trồng. Mở rộng diện tích rừng có chứng chỉ quản lý bền vững và khuyến khích áp dụng công nghệ tái chế, sử dụng phụ phẩm nông nghiệp, phát triển kinh tế tuần hoàn. Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông, lâm, thủy sản để hướng đến liên kết phát triển kinh tế tập thể.

TUẤN ANH

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/kien-nghi-ho-tro-dau-tu-phat-trien-kinh-te-hop-tac-xa-125094.html