Kiến nghị khẩn khi nguy cơ 5 năm tới, sản lượng sản xuất ô tô giảm 1,8 triệu chiếc

Một số địa phương, các Hiệp hội, doanh nghiệp mong muốn Chính phủ xem xét gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm 50% lệ phí trước bạ để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước.

Nguy cơ 5 năm tới, sản lượng sản xuất ô tô giảm 1,8 triệu chiếc

Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và Tập đoàn Thành Công (TC Group), doanh số bán ô tô trong nước đang sụt giảm rất mạnh trong thời gian qua.

Trong báo cáo của VAMA, doanh số bán hàng của các thành viên đã giảm mạnh kể từ 2 tháng cuối năm 2022. Chưa dừng lại tại đó, trong tháng 1/2023, doanh số toàn thị trường đã giảm 51% so với tháng 12/2022 và giảm tới 44% so với tháng 1/2022.

 Thị trường ô tô đang trải qua giải đoạn khó khăn. (Ảnh: GT)

Thị trường ô tô đang trải qua giải đoạn khó khăn. (Ảnh: GT)

Ông Bradley Christian Anthony Kelly, Chủ tịch VAMA nhấn mạnh: “Sự suy giảm doanh số bán hàng trong thời gian qua là những tín hiệu bất thường và đáng ngại đối với doanh nghiệp trong ngành ô tô Việt Nam”.

Cũng theo VAMA, thế giới và cả Việt Nam đã có những diễn biến phức tạp, gây ra rất nhiều khó khăn thách thức đối với nền kinh tế, trong đó có ngành sản xuất ô tô. Đặc biệt, việc thắt chặt chính sách tiền tệ trong nước đã khiến thanh khoản thị trường thu hẹp, lãi suất tăng dẫn đến hạn chế khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp.

“Vì vậy, nhiều doanh nghiệp phải gồng mình đối mặt với tình trạng lượng hàng tồn kho tăng cao do sức mua trên thị trường đột ngột giảm mạnh”, lãnh đạo của VAMA cho biết.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, ông Lê Ngọc Đức, Phó Chủ tịch TC Group cho biết: Nếu thị trường vẫn diễn biến như những tháng đầu năm 2023, thì doanh số bán cả năm (bao gồm cả xe du lịch và xe thương mại) có thể sụt giảm xấp xỉ 17,5% so với 2022, tương đương với hơn 85.500 xe.

Nhìn nhận xa hơn, thị trường xe ô tô (bao gồm cả xe du lịch và thương mại) có nguy cơ mất 37% sản lượng bán ra trong 5 năm tới, tương đương 1,807 triệu xe.

“Bất chấp điều kiện thị trường đang tăng trưởng ổn định và không bị tác động bởi các yếu tố như kinh tế, dịch bệnh, sự suy giảm như thời gian qua sẽ kéo theo tốc độ “ô tô hóa” tại Việt Nam chậm lại so với dự kiến. Đây là điều rất đáng quan ngại”, ông Đức nói.

Ông Nguyễn Chỉ Sáng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI) cho hay, thị trường ô tô đang sụt giảm mạnh, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước đã đề ra nhiều chương trình hỗ trợ, ưu đãi nhằm khuyến khích người tiêu dùng mua sắm.

Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào nguồn lực và giải pháp kích cầu riêng lẻ của từng doanh nghiệp sẽ là không đủ tạo sức bật giúp thị trường ô tô tăng trưởng ổn định và bền vững.

“Do đó, bên cạnh các giải pháp riêng của các hãng xe, cộng đồng doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước đang rất mong Chính phủ có thêm cơ chế hỗ trợ mới cho ngành”, ông Sáng nói.

Theo ông Sáng, hiện nay doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước đang chờ đợi 2 giải pháp cấp bách của Chính phủ, đó là xem xét gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp và sản xuất trong nước.

Ông Sáng cho biết: Trong 3 năm qua, Chính phủ đã ban hành 2 chính sách tiêu biểu cho sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước là giảm mức thu lệ phí trước bạ và gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.

“Các chính sách này đã mang lại hiệu quả rất tích cực, giúp doanh nghiệp có thêm nguồn vốn để nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, từng bước mở rộng quy mô đầu tư, nội địa hóa sản phẩm nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô và ngành cơ khí”, ông Sáng nhận xét.

Trên thực tế, VAMA và VAMI đã có nhiều công văn gửi cơ quan chức năng về các đề xuất hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô trong nước, trong bối cảnh thị trường đang gặp rất nhiều khó khăn.

 Một số đề xuất đã được đưa ra. (Ảnh: TMV)

Một số đề xuất đã được đưa ra. (Ảnh: TMV)

Riêng VAMA, thời gian qua đã có 3 công văn gửi Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đồng tình với quan điểm gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm 50% lệ phí trước bạ.

Đặc biệt, Chủ tịch VAMA mong muốn Chính phủ xem xét đề xuất giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt từ tháng 1 đến tháng 6/2023”, Chủ tịch VAMA nêu.

Các địa phương cũng đang lo ngại

Sự sụt giảm của doanh số ô tô đã tác động trực tiếp tới nguồn thu ngân sách của một số địa phương có nhà máy sản xuất ô tô.

Đơn cử, báo cáo của Cục Thuế tỉnh Quảng Nam cho hay, nhiệm vụ thu thuế trên địa bàn 2 tháng có những khó khăn nhất định và có thể ảnh hưởng hết nửa đầu năm 2023.

Cụ thể, số thuế phát sinh trong tháng 12/2022 và tháng 1/2023 chỉ là xấp xỉ 1.000 tỷ đồng, giảm khoảng 1.600 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước đó do thị trường ô tô có sức mua kém. Bởi vậy, Quảng Nam đang mong chờ Chính phủ có những giải pháp hỗ trợ kịp thời và thiết thực, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế trong năm 2023.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã lên tiếng đề nghị các Bộ, ngành tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ phục hồi thị trường trong nước, gia tăng sản lượng lắp ráp ô tô trong nước, góp phần giải quyết việc làm, đảm bảo thu nhập cho người lao động. Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đưa ra 2 kiến nghị.

Thứ nhất, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam kiến nghị gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong năm 2023.

Thứ hai, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thêm một thời gian phù hợp.

 Các địa phương cũng đề nghị Chính phủ có giải pháp hỗ trợ. (Ảnh: TMV)

Các địa phương cũng đề nghị Chính phủ có giải pháp hỗ trợ. (Ảnh: TMV)

Tương tự, ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Cho biết: Ngân sách của tỉnh có sự đóng góp lớn của ngành sản xuất, lắp ráp ô tô. Tuy nhiên, bước vào năm 2023, dự báo thị trường nói riêng và nền kinh tế nói chung còn nhiều khó khăn, khiến nhu cầu mua sắm ô tô suy giảm mạnh.

Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cũng có 2 đề xuất tượng tự, đó là gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm 50% lệ phí trước bạ để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước, cũng như kích cầu thị trường trong thời gian tới.

Theo giới chuyên gia, chính sách luôn có độ trễ nhất định, cũng như cần một thời gian đủ dài để thực sự ngấm và đi sâu vào thực tế, nên các chính sách hỗ trợ nêu trên đòi hỏi cần được ban hành ngay từ quý I/2023 cũng như cần được áp dụng xuyên suốt và liên tục.

Có vậy mới phát huy hết vai trò và triệt để hỗ trợ thị trường ô tô trong nước phục hồi, tác động tích cực tới duy trì sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, do tác động từ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, biến động thị trường, điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn và sự gia tăng bảo hộ thương mại của các nước nhập khẩu dẫn tới sản xuất, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Nhu cầu thị trường trong nước tăng không cao, lạm phát xu hướng tăng ảnh hưởng đến hồi phục và phát triển kinh tế.

Bộ Công Thương cũng đề ra 3 nhóm giải pháp chính để phát triển thị trường trong nước và thúc đẩy xuất khẩu thời gian tới và đồng thời kiến nghị nhiều vấn đề, trong đó có liên quan đến ngành ô tô.

Cụ thể, để tăng cường sức mua nhằm phục hồi thị trường ô tô, duy trì và thúc đẩy hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, trên cơ sở đề xuất của các doanh nghiệp trong ngành và một số địa phương (như của UBND tỉnh Quảng Nam), Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước phối hợp nghiên cứu, tiếp tục trình ban hành một số chính sách hỗ trợ về tài chính cho ngành, như tiếp tục ban hành chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong năm 2023 và tiếp tục ban hành chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong thời hạn nhất định (6 tháng hoặc đến hết năm 2023).

Việt Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/kien-nghi-khan-khi-nguy-co-5-nam-toi-san-luong-san-xuat-o-to-giam-18-trieu-chiec-post238201.html