Kiến nghị không hồi tố đất đai với các quyết định được cơ quan cấp tỉnh ban hành
Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP HCM vừa gửi kiến nghị không hồi tố đất đai đến Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ và Bộ Tài chính.
Thúc đẩy đầu tư
Động thái của Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP HCM (IEER) nhằm bảo đảm sự ổn định của hệ thống pháp luật và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế tư nhân. IEER cho rằng việc không hồi tố các văn bản dưới luật sẽ góp phần thúc đẩy đầu tư tại TP HCM.
Theo TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng IEER, thời gian qua, nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra đã diễn ra; bên cạnh việc các văn bản dưới luật được sửa đổi, bổ sung.
Cụ thể, Bộ Tài chính đang soạn thảo sửa đổi Nghị định 103/2024/ND-CP về tiền sử dụng đất, thuê đất, đề xuất thu bổ sung 5,4%/năm trong thời gian chờ xác định giá đất đối với các dự án đã có quyết định giao đất.
Thanh tra Chính phủ cũng đưa ra nhiều kết luận liên quan tiền sử dụng đất, trong đó yêu cầu rà soát và truy thu các khoản chênh lệch giá đất do áp dụng phương pháp so sánh trực tiếp thay vì phương pháp thặng dư theo Luật Đất đai 2013.
Một số dự án bất động sản đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính 100% và chuyển nhượng cho cá nhân xây dựng nhà ở hơn 10 năm vẫn bị kiến nghị truy thu.

IEER cho rằng việc không hồi tố các văn bản dưới luật sẽ góp phần thúc đẩy đầu tư tại TP HCM.
Các phương pháp thẩm định giá đất
Trong khi đó, Luật Đất đai 2013 cùng Thông tư 36/2014/TT-BTNMT quy định 5 phương pháp thẩm định giá đất, gồm so sánh trực tiếp, chiết trừ, thu nhập, thặng dư và hệ số điều chỉnh.
Phương pháp so sánh trực tiếp được áp dụng phổ biến vì phù hợp khung giá đất, kiểm soát giá thị trường. Đến nay, Luật Đất đai 2024 đã bỏ khung giá đất, đồng thời Nghị định 71/2024/NĐ-CP chỉ giữ lại 4 phương pháp, ưu tiên phương pháp thặng dư cho các dự án bất động sản, tạo sự thay đổi lớn so với trước đây.
Trước thực trạng này, IEER kiến nghị không hồi tố đất đai đối với các quyết định đã được cơ quan cấp tỉnh ban hành, nhất là báo cáo thẩm định giá theo Thông tư 36, đối với các dự án đã hoàn tất nghĩa vụ tài chính trước ngày 1-8-2024 (thời điểm Luật Đất đai 2024 có hiệu lực). Điều này giúp duy trì sự ổn định của hệ thống pháp luật, tránh gây xáo trộn, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư và doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân.
Đối với các trường hợp chưa nộp tiền sử dụng đất sau thời điểm Luật Đất đai 2024 có hiệu lực hoặc có quyết định từ cơ quan tố tụng yêu cầu truy thu, việc thực hiện sẽ theo đúng quy định mới của pháp luật.