Kiến nghị năm 2025 chưa tăng lương hưu, lương công chức

Tiếp tục Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán năm 2025, kế hoạch 3 năm 2025 - 2027 được Chính phủ trình Quốc hội vào sáng 22/10, Chính phủ kiến nghị chưa tăng lương hưu, công chức, trợ cấp xã hội năm 2025 và sẽ xử lý bất hợp lý của một số ngành như y tế, giáo dục.

Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Chính phủ lập dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025 hơn 1,96 triệu tỷ đồng, tăng 15,6% so với năm nay. Trong đó, thu nội địa dự kiến khoảng 1,67 triệu tỷ đồng, tăng hơn 6% so với năm trước đó.

Theo đánh giá của Chính phủ, do còn rủi ro từ biến động kinh tế - xã hội trong và ngoài nước, thị trường bất động sản chưa phục hồi rõ rệt nên dự kiến các nguồn sẽ khó khăn.

Trong khi đó, áp lực chi cho các công trình hạ tầng quan trọng và các nhiệm vụ cấp bách là rất lớn. Nhu cầu vay năm 2025 ở mức 800 nghìn tỷ, cao nhất từ trước đến nay.

Từ các phân tích này, Chính phủ đề xuất sẽ tiếp tục cơ cấu lại tài chính ngân sách 3 năm tới theo hướng ưu tiên chi đầu tư phát triển, dự phòng ngân sách hợp lý cho các tình huống đột xuất, phát sinh. Bên cạnh đó, chưa tăng lương khu vực công, lương hưu trong năm sau.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với việc chưa tiếp tục tăng lương khu vực công, lương hưu, các khoản trợ cấp xã hội hàng tháng với người có công trong năm sau. Nhất trí cho phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương của địa phương cho nâng lương cơ sở để giảm áp lực cho ngân sách Trung ương. Một phần nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách Trung ương, địa phương được dành hỗ trợ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị một số địa phương bị hụt thu năm nay cần tích cực tăng thu, giảm chi và dùng nguồn dự phòng để đảm bảo thu ngân sách cả năm.

Về việc còn một số khoản chi ngân sách 2024 chưa được phân bổ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ sớm trình kế hoạch phân bổ để bảo đảm khả năng giải ngân hiệu quả. Chính phủ cũng cần có biện pháp quyết liệt gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong cam kết về tiến độ giải ngân, để tránh lãng phí, thất thoát.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/kien-nghi-nam-2025-chua-tang-luong-huu-luong-cong-chuc-240449.htm