Kiến nghị nhiều giải pháp 'gỡ khó' cho sản xuất, tiêu thụ vật liệu xây dựng

Nhiều kiến nghị từ thực tế đã được các Hiệp hội, địa phương, doanh nghiệp gửi tới Chính phủ và các Bộ ngành liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất xi măng và tiêu thụ vật liệu xây dựng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng ngày 15/6 - Ảnh:VGP/Toàn Thắng

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng ngày 15/6 - Ảnh:VGP/Toàn Thắng

Tổng giá trị doanh thu ngành VLXD chiếm gần 6% GDP quốc gia

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, ngành vật liệu xây dựng (VLXD) Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. VLXD chủ yếu bao gồm xi măng, gạch ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng, vật liệu xây và thép xây dựng.

Trong 10 năm vừa qua, tổng năng lực sản xuất các VLXD chủ lực của Việt Nam đã tăng trưởng đạt khoảng 120 triệu tấn xi măng, 830 triệu m2 gạch ốp lát, 26 triệu sản phẩm sứ vệ sinh, 330 triệu m2 kính xây dựng, 20 tỷ viên gạch đất sét nung, 12 tỷ viên gạch không nung (quy tiêu chuẩn). Trong đó, sản lượng xi măng, gạch ốp lát thuộc nhóm tốp đầu trên thế giới. Chất lượng VLXD Việt Nam đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Trình độ công nghệ, tổ chức sản xuất, kinh doanh, môi trường của ngành công nghiệp VLXD Việt Nam đứng tốp đầu trong các nước ASEAN. Tổng giá trị doanh thu hàng năm ngành VLXD chưa bao gồm thép xây dựng ước đạt khoảng 600.000 tỷ đồng (tương đương hơn 24 tỷ USD), chiếm gần 6% GDP quốc gia, có đóng góp đáng kể vào nguồn thu nhà nước, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động.

Hiện nay, nhu cầu sử dụng VLXD trong xây dựng ở nước ta vẫn còn rất lớn vì diện tích nhà ở toàn quốc vẫn còn thấp, tỷ lệ đô thị hóa mới đạt khoảng 43%, hệ thống kết cấu hạ tầng về giao thông, năng lượng chưa hoàn thiện.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ngành VLXD nước ta gặp nhiều khó khăn, sản lượng tiêu thụ và doanh thu đều giảm sút, dẫn đến đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, mất việc làm của nhiều người lao động, tác động đến phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh trình bày báo cáo về tình hình sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng - Ảnh:VGP/Toàn Thắng

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh trình bày báo cáo về tình hình sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng - Ảnh:VGP/Toàn Thắng

Còn khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu thụ xi măng, VLXD

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, hiện nay, tổng số dây chuyền sản xuất xi măng đã đầu tư trên toàn quốc là 92 dây chuyền với tổng công suất 122,34 triệu tấn/năm.

Đánh giá của Bộ Xây dựng cho biết, từ năm 2023 đến nay, sản xuất clanhke và xi măng sụt giảm lớn. Tổng sản lượng sản xuất năm 2023 chỉ đạt 92,9 triệu tấn, tương ứng 75% tổng công suất thiết kế (CSTK).

Trong năm 2023, có 42 dây chuyền dừng hoạt động từ 1 đến 6 tháng, một số dây chuyển dừng cả năm (khoảng 30% CSTK).

Ước tính đến hết tháng 6/2024, tổng sản lượng sản xuất clanhke và xi măng toàn quốc đạt khoảng 44 triệu tấn xi măng, tương đương cùng kỳ năm 2023 và dự kiến chỉ đạt khoảng 70- 75% tổng công suất thiết kế. Tồn kho lũy kế khoảng 5 triệu tấn xi măng và clanhke.

Từ năm 2023 đến nay, tiêu thụ clanhke và xi măng cũng đều sụt giảm. Tổng sản lượng tiêu thụ cả năm 2023 đạt 87,8 triệu tấn, bằng 88% so với năm 2022.

Năm 2023, tiêu thụ xi măng trong nước chỉ đạt 56,6 triệu tấn (bằng 83,5% năm 2022), đây là mức sụt giảm lớn nhất từ trước đến nay trong ngành xi măng.

Từ năm 2022, lượng clanhke xuất khẩu sụt giảm lớn, tổng lượng clanhke xuất khẩu cả năm 2022 chỉ đạt 15,2 triệu tấn, bằng 52,9% năm 2021 và tiếp tục sụt giảm xuống 10,9 triệu tấn năm 2023 và bằng 71,7% năm 2022.

Ước tính đến hết 6 tháng đầu năm 2024, lượng clanhke xuất khẩu cũng chỉ đạt khoảng 5,4 triệu tấn, gần bằng cùng kỳ năm 2023.

Báo cáo của Bộ Xây dựng cũng chỉ rõ nhóm VLXD khác như Gạch ốp lát, Sứ vệ sinh, Kính xây dựng và vật liệu xây không nung (VLXKN) cũng gặp không ít khó khăn

Từ năm 2020 đến nay, sản lượng sản xuất Gạch ốp lát chỉ đạt khoảng 50 – 60% tổng công suất thiết kế. Năm 2023, sản lượng sản xuất gạch ốp lát đạt khoảng 360 triệu m2, chỉ bằng khoảng 45% tổng công suất thiết kế và giảm khoảng 3,3% so với năm 2022.

Từ năm 2020 đến nay, sản lượng sản xuất và tiêu thụ gạch ốp lát giảm mạnh. Sản lượng tiêu thụ gạch ốp lát năm 2023 chỉ đạt khoảng 305 triệu m2 , bằng khoảng 85% sản lượng sản xuất. Ước tính đến hết tháng 6/2024, sản lượng sản xuất đạt khoảng 166 triệu m2, tương đương cùng kỳ năm 2023.

Đối với Sứ vệ sinh, theo đánh giá của Bộ Xây dựng, từ năm 2020 đến nay, sản lượng sản xuất sứ vệ sinh đã liên tục suy giảm. Năm 2023, sản lượng sản suất chỉ đạt khoảng 12,5 triệu sản phẩm bằng 48% so với tổng công suất thiết kế và giảm 13,8% so với năm 2022.

Đáng chú ý, từ năm 2020 tiêu thụ các sản phẩm sứ vệ sinh giảm mạnh. Trong năm 2023, sản lượng tiêu thụ chỉ đạt khoảng 11,5 triệu sản phẩm tương đương 92% sản lượng sản xuất và giảm 6,55% so với năm 2022.

Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội xi măng Việt Nam nêu kiến nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất tiêu thụ xi măng, vật liệu xây dựng- Ảnh: VGP/Toàn Thắng

Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội xi măng Việt Nam nêu kiến nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất tiêu thụ xi măng, vật liệu xây dựng- Ảnh: VGP/Toàn Thắng

Đối với Kính xây dựng, từ năm 2022 đến nay, sản lượng sản xuất kính đã liên tục suy giảm. Sản lượng sản xuất kính năm 2023 ước đạt khoảng 241 triệu m2 tương đương 72,8% công suất thiết kế.

Riêng kính xây dựng, sản lượng sản xuất năm 2023 khoảng 175 triệu m2 , sản lượng tiêu thụ nội địa khoảng 153 triệu m2 QTC bằng khoảng 87% sản lượng sản xuất và giảm khoảng 21% so với năm 2022. Từ năm 2023 đến nay, đã có 3 dây chuyền phải dừng hoạt động sản xuất trên 6 tháng.

Từ năm 2022 tiêu thụ các sản phẩm kính xây dựng cũng giảm mạnh. Năm 2023, sản lượng tiêu thụ chỉ đạt khoảng 153 triệu m2, giảm 33% so với năm 2022.

Tình hình sản xuất, kinh doanh của nhóm vật liệu xây không nung (VLXKN) cũng gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, năm 2023, sản lượng sản xuất VLXKN chỉ đạt khoảng 4,9 tỷ viên quy tiêu chuẩn, chiếm khoảng 20% so với tổng sản lượng sản xuất vật liệu xây. Công suất khai thác đạt khoảng 40% tổng công suất thiết kế.

Năm 2023, sản lượng tiêu thụ VLXKN chỉ đạt khoảng 4,8 tỷ viên quy tiêu chuẩn, chiếm khoảng 20% so với tổng sản lượng tiêu thụ vật liệu xây.

Theo phân tích của Bộ Xây dựng nguyên nhân của những khó khăn này là do giá nhiên liệu đầu vào của ngành VLXD nói chung và xi măng nói riêng tăng cao, nguồn cung khan hiếm.

Đối với ngành xi măng, chi phí nhiên liệu than chiếm tỉ trọng đến 50% chi phí sản xuất clanhke. Năm 2022-2023, giá than trong nước tăng 3 lần, tăng khoảng 40-45% so với thời điểm tháng 12/2021. Giá than tăng đã dẫn đến làm tăng chi phí sản xuất là clanhke và xi măng thêm khoảng 11%.

Giá than tăng cũng dẫn đến tình trạng làm tăng chi phí sản xuất là gạch ốp lát thêm khoảng 5%.

Đối với sứ vệ sinh, nhiên liệu thường là khí hóa than, dầu FO, khí tự nhiên hóa lỏng (CNG) hoặc khí gas hóa lỏng (LPG), nhưng giá bán liên tục biến động theo thị trường thế giới. Việc giá dầu tăng đã dẫn đến làm tăng chi phí sản xuất sứ vệ sinh thêm khoảng 5%.

Với VLXKN, đa số người dân vẫn có thói quen sử dụng vật liệu xây truyền thống là gạch đất sét nung, đồng thời chất lượng một số sản phẩm VLXKN chưa đảm bảo về chống thấm, nứt, gây khó khăn trong tiêu thụ.

Theo Bộ Xây dựng, từ năm 2022 lượng clanhke xuất khẩu sụt giảm lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng về kinh doanh đối với các doanh nghiệp sản xuất.

Nguyên nhân sụt giảm xuất khẩu clanhke phần nhiều là do thuế xuất khẩu clanhke của Việt Nam tăng từ 5% lên 10% từ ngày 1/1/2023 làm cho giá clanhke kém cạnh tranh trên thị trường quốc tế so với các nước cùng xuất khẩu clanhke như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ,…

Với việc thuế xuất khẩu clanhke của Việt Nam tăng (10%) và không được khấu trừ đầu vào thuế GTGT (10%), dẫn đến giá clanhke của Việt Nam mất lợi thế đến 20% so với giá clanhke của các đối thủ cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Hệ quả là hiện nay nhiều doanh nghiệp xi măng không thể xuất khẩu được sản phẩm clanhke.

Theo Bộ Xây dựng, hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất VLXD, đặc biệt các doanh nghiệp xi măng đầu tư vốn rất lớn vào dự án sản xuất. Giai đoạn đầu khi mới vận hành nhà máy, các doanh nghiệp phải trả nợ vốn vay, cộng với lãi vay cao, dẫn đến áp lực trả nợ cả gốc và lãi rất lớn.

Do tiêu thụ sản phẩm rất chậm, nhiều doanh nghiệp đã phải dừng một số dây chuyền sản xuất, dẫn đến dòng tiền tài chính để trả nợ cho ngân hàng và chi phí nguyên, nhiên liệu phục vụ sản xuất rất khó khăn.

Điều đáng lo ngại, nhiều nhà máy VLXD, đặc biệt là nhóm xi măng sản xuất không hiệu quả, thua lỗ, dẫn đến nợ xấu.

Theo ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam, giải pháp tăng tỷ lệ xây dựng cầu cạn trên các tuyến quốc lộ, cao tốc sẽ góp phần thúc đẩy tiêu thụ lượng tồn xi măng và vật liệu xây dựng -Ảnh:VGP/ Toàn Thắng

Theo ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam, giải pháp tăng tỷ lệ xây dựng cầu cạn trên các tuyến quốc lộ, cao tốc sẽ góp phần thúc đẩy tiêu thụ lượng tồn xi măng và vật liệu xây dựng -Ảnh:VGP/ Toàn Thắng

Những kiến nghị từ thực tế "gỡ vướng" cho ngành VLXD

Tham dự hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất tiêu thụ xia măng, sắt thép và vật liệu xây dựng ngay 15/6, ông Tống Văn Nga, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam đề nghị cần tập trung vào chương trình phát triển nhà ở xã hội.

Theo đó, về quy hoạch, khi lập quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất thì phải có khu đô thị, trong đó phải có khu nhà ở xã hội. Chủ doanh nghiệp là người sử dụng lao động phải có thiết kế căn hộ mẫu.

Đại diện Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam kiến nghị tăng cường sử dụng xi măng cho xây dựng đường giao thông, xây dựng cầu cạn ở vùng đồng bằng, nền đất yếu như Đồng bằng sông Cửu Long vì tiết kiệm đất, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, chi phí bảo dưỡng thấp.

Đại điện Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam bày tỏ rất tâm đắc với phương châm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là qua suối làm cầu, qua núi đào hầm và xin bổ sung thêm "qua đồng bằng xây cầu cạn".

Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội xi măng Việt Nam cho biết thời gian qua đã có nhiều nỗ lực trong việc đầu tư vào các hệ thống xử lý môi trường, bảo đảm giảm phát thải, bảo vệ môi trường, giảm chi phí đầu tư sản xuất.

Đồng thời nhấn mạnh, những người sản xuất xi măng quan niệm, xuất khẩu xi măng chỉ là giải pháp tình thế trong khó khăn. Hiện nhiều doanh nghiệp xi măng bán xi măng dưới giá thành sản xuất.

Từ những khó khăn của ngành xi măng, đại diện Hiệp hội xi măng Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành có giải pháp để tăng lượng tiêu thụ xi măng nội địa.

Đề nghị sớm triển khai xây dựng các tuyến đường dạng cầu cạn ở những nơi thích hợp. Công nghệ này phù hợp với những nơi nền đất yếu và những nơi cần cho lũ thoát qua (miền Trung, thung lũng ở miền núi, Đồng bằng sông Cửu long). Đây là giải pháp mang lại rất nhiều lợi ích.

Đồng thời cần sử dụng công nghệ gia cố nền đường bằng xi măng – đất thay cho công nghệ truyền thống để nâng cao chất lượng và tuổi thọ công trình đường giao thông theo kịp các nước tiên tiến, khi đã có đủ xi măng trong nước.

Hiệp hội xi măng Việt Nam kiến nghị Chính phủ loại bỏ clanhke xi măng khỏi nhóm hàng hóa xuất khẩu số thứ tự 211 của Phụ lục I - Biểu thuế xuất khẩu theo danh mục hàng hóa chịu thuế của Nghị định 26/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023 khi sửa đổi Nghị định này,

Đồng thời, chỉ đạo các các ngân hàng giãn nợ vay đầu tư, giảm lãi suất cho các doanh nghiệp xi măng, tăng hạn mức vay vốn lưu động cho các doanh nghiệp sản xuất xi măng.

Chia sẻ thêm về những kiến nghị để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất và tiêu thụ xi măng, theo ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam, cần tập trung vào giải pháp tăng tiêu thụ nội địa ở hai điểm: Tăng diện tích xây dựng nhà ở, nhất là nhà ở xã hội và tăng tỷ lệ xây dựng cầu cạn đối với các công trình giao thông, trên các tuyến quốc lộ, cao tốc.

Đại diện Hội Bê tông Việt Nam nhấn mạnh cần tập trung thực hiện Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội. Mỗi năm xây dựng 150 nghìn căn nhà ở xã hội sẽ tiêu thụ 4 triệu tấn xi măng, 1 triệu tấn sắt thép, từ đó sẽ góp phần kích cầu các sản phẩm khác như sứ vệ sinh, gạch ốp lát, kính xây dựng, đạt được nhiều mục đích.

Theo đại diện Hội Bê tông Việt Nam, hiện tử lệ sử dụng cầu cạn trên các tuyến quốc lộ, cao tốc còn khá khiêm tốn, chỉ dưới 10%. Tuy nhiên thực tế tuyến cao tốc Sài Gòn – Trung Lương đã lên tới 30% cầu cạn nên việc nâng tỷ lệ cầu cạn lên 20- 30% là hoàn toàn khả thi.

Ông Lê quang Hùng phân tích "Xây cầu cạn không phải mất thời gian chờ lún, vừa có thể chủ động ứng phó thiên tai, tăng độ bền công trình. Nếu làm tốt các vấn đề này thì có thể giải quyết 70 - 80% lượng xi măng tồn".

Dưới góc độ địa phương, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh Đồng Nai có sức tiêu thụ VLXD lớn, tổng đầu tư xã hội của địa phương này khoảng 100 nghìn tỷ đồng đã góp phần quan trọng thức đẩy sản xuất, tiêu thụ VLXD, rà soát đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là dự án Sân bay Long Thành và các tuyến cao tốc. Đồng thời đẩy nhanh phát triển các dự án nhà ở xã hội, hoàn thành 12 dự án với hơn 20.000 căn.

Từ thực tế của địa phương, tỉnh Đồng Nai kiến nghị Chính phủ có chính sách ưu đãi về thuế, đẩy mạnh ứng dụng về khoa học công nghệ vào sản xuất VLXD. Đồng thời kiến nghị Chính phủ có chính sách ưu đãi về tín dụng đối với các nhà đầu tư trong nước, giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Toàn Thắng

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/kien-nghi-nhieu-giai-phap-go-kho-cho-san-xuat-tieu-thu-vat-lieu-xay-dung-102240615134455607.htm