Kiến nghị Quốc hội giám sát việc thực hiện các FTA vào thời điểm phù hợp

Khi cần thiết, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ đề nghị Chính phủ báo cáo kết quả triển khai thực hiện các FTA.

Kết quả giám sát việc thực hiện các (FTA mà Việt Nam là thành viên đã được gửi đến Quốc hội, tại kỳ họp thứ 10.

Kết quả giám sát việc thực hiện các (FTA mà Việt Nam là thành viên đã được gửi đến Quốc hội, tại kỳ họp thứ 10.

Đó là nội dung được nêu tại kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Về giám sát chuyên đề "Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên", sau phiên họp thứ 49 (ngày 12/10/2020).

Hiệu quả về chính trị, ngoại giao là rõ rệt.

Về kết quả giám sát, tính đến hết năm 2019, Việt Nam đã ký kết 13 FTA và đang đàm phán 3 FTA, trong đó có các FTA thế hệ mới là Hiệp định CPTPP và EVFTA.

Qua giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận kết quả các FTA mang lại đối với việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và thúc đẩy hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Cụ thể, về chính trị, ngoại giao, việc chủ động, tích cực tham gia các FTA là đúng đắn, kịp thời, phù hợp với chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa; tăng cường sự đan xen lợi ích trong mối quan hệ với các đối tác, đặc biệt là các nước lớn; góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; tranh thủ sự ủng hộ của các nước đối tác, nâng cao uy tín, vị thế quốc tế của Việt Nam. Hiệu quả về chính trị, ngoại giao là rõ rệt.

Về kinh tế - xã hội, tham gia FTA góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, tạo cơ hội cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào các thị trường tiêu chuẩn cao; đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, tránh phụ thuộc vào thị trường truyền thống. Tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, kinh tế vĩ mô ổn định và ngày càng được củng cố; lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.

Tham gia FTA cũng thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế; góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng hơn, thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, đưa công nghệ hiện đại, phương thức quản trị tiên tiến vào Việt Nam;. Người dân được tiếp cận với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có chất lượng cao từ các nước đối tác; tạo áp lực thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao năng lực cạnh tranh, thay đổi văn hóa kinh doanh để hội nhập quốc tế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập; đời sống của người dân được nâng cao.

Kết quả nữa là đã xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, tiếp cận các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Hệ thống chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực lao động, môi trường, cạnh tranh, mua sắm công đều có bước tiến bộ đáng kể.

Bên cạnh những cơ hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhấn mạnh, việc tham gia các FTA sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là áp lực cạnh tranh đối với doanh nghiệp trong nước; yêu cầu phải nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị toàn cầu, định hướng dòng vốn đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư phù hợp; đòi hỏi sẵn sàng ứng phó với việc áp đặt các biện pháp phòng vệ thương mại và giải quyết tranh chấp; thách thức về hoàn thiện khuôn khổ pháp luật; thách thức trong việc thực thi các cam kết trong những lĩnh vực mới như lao động, công đoàn, môi trường; thách thức về đào tạo nâng cao tay nghề, chuyển dịch lao động.

Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế

Theo kết luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với các kiến nghị của Đoàn giám sát. Theo đó, đối với đối với Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương và chính quyền địa phương, đoàn giám sát kiến nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách để thực hiện đầy đủ các cam kết FTA theo lộ trình đã cam kết, bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả, duy trì ổn định. Quan tâm cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm các điều kiện, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Các kiến nghị tiếp theo là Ttếp tục thực hiện các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, củng cố và phát triển các thị trường theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Có chính sách phù hợp để nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành để tận dụng tối đa những cơ hội từ các FTA. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm cũng là kiến nghị được ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý.

Kết luận nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị Quốc hội xem xét tổ chức giám sát tối cao về việc thực hiện các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, vào thời điểm phù hợp; đề nghị Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ tiếp tục theo dõi, giám sát nội dung này.

Khi cần thiết, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ đề nghị Chính phủ báo cáo kết quả triển khai thực hiện các FTA.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/kien-nghi-quoc-hoi-giam-sat-viec-thuc-hien-cac-fta-vao-thoi-diem-phu-hop-d132135.html