Kiến nghị sửa 2 Luật 'gốc' để gỡ khó cho doanh nghiệp

Sau hơn 10 năm đi vào cuộc sống, Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm, Hàng hóa đang bộc lộ nhiều bất cập, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tiến sỹ Lê Xuân Rao, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Tiến sỹ Lê Xuân Rao, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Sau hơn 10 năm đi vào cuộc sống, Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm, Hàng hóa đang bộc lộ nhiều bất cập, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Tại Hội thảo khoa học "Những bất cập trong thực hiện Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm, Hàng hóa trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường" sáng 24/2 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Hội Chăn nuôi Việt Nam phối hợp tổ chức, các đại biểu đại diện cho cơ quan quản lý, hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp đều thống nhất 2 Luật "gốc" này đang bộc lộ nhiều bất cập nên cần sớm sửa đổi để tạo thuận lợi và nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.

*Phát sinh chi phí và thời gian

Toàn cảnh hội thảo ngày 24/2 tại Hà Nội. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Toàn cảnh hội thảo ngày 24/2 tại Hà Nội. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Là doanh nghiệp sản xuất phân bón và đang có sản phẩm phân bón xuất khẩu sang các thị trường "khó tính" như Hàn Quốc, Nhật Bản…, ông Nguyễn Hồng Phong, Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp khoa học công nghệ Việt Nam, Tổng giám đốc CTCP Công Nông nghiệp Tiến Nông cho biết, quy định về chứng nhận công bố tiêu chuẩn hợp quy (điều 48 của Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật) đang "làm khó" doanh nghiệp trong khi doanh nghiệp đang áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia vào sản xuất sản phẩm và tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm theo quy chuẩn này.

Điều bất cập này đang khiến doanh nghiệp không chỉ phát sinh chi phí lên tới 1 tỷ đồng/năm mà còn gây mất thời gian để có chứng nhận tiêu chuẩn hợp quy, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường quốc tế. Thực tế là khi xuất khẩu sản phẩm, các thị trường "khó tính" đều có quy định về sản phẩm, còn không cần tới chứng nhận công bố hợp quy của Việt Nam, ông Phong chỉ rõ.

Ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Lấy một ví dụ về tính không cần thiết của Điều 48 trong Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật quy định về công bố tiêu chuẩn hợp quy, ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, gần đây, cơ quan chức năng đã phát hiện ra một cơ sở sản xuất phân bón tại Tây Nguyên, có đầy đủ chứng nhận công bố tiêu chuẩn hợp quy. Nhưng khi cơ quan chức năng kiểm tra, các hàm lượng dinh dưỡng trong phân bón của cơ sở này đều thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn, quy chuẩn. "Đây là một minh chứng cho thấy chứng nhận công bố tiêu chuẩn hợp quy là không cần thiết bởi là cách quản lý không toàn diện, tạo kẽ hở cho sản phẩm kém chất lượng có đất sống", ông Nguyễn Trí Ngọc nhấn mạnh.

Cùng quan điểm này, ông Trần Đại Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cho biết, quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia là quy chuẩn kỹ thuật tối cao mà các tổ chức phải tuân thủ. Các sản phẩm đáp ứng Quy chuẩn Quốc gia đã đảm bảo tính pháp lý cao nhất để được lưu hành trên thị trường. Do đó việc bắt buộc đánh giá sự phù hợp dưới hình thức chứng nhận hợp quy là không cần thiết.

Bà Nguyễn Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội Thú y Việt Nam và Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh Thuốc Thú y lại cho biết các doanh nghiệp sản xuất thuốc thú y vẫn đang xuất khẩu sản phẩm sang hơn 40 nước trên thế giới nhưng không có nước nào cần đến chứng nhận công bố hợp quy thuốc thú y của Việt Nam.

Bà Đào Thị Thu Huyền, Phó Giám đốc Bộ phận đối ngoại Công ty TNHH Canon Việt Nam, đồng thời đại diện cho Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Bà Đào Thị Thu Huyền, Phó Giám đốc Bộ phận đối ngoại Công ty TNHH Canon Việt Nam, đồng thời đại diện cho Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Từ góc độ doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam, bà Đào Thị Thu Huyền, Phó Giám đốc Bộ phận đối ngoại Công ty TNHH Canon Việt Nam, đồng thời đại diện cho Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam thông tin, theo thông lệ quốc tế về chất lượng sản phẩm hàng hóa xuất khẩu, các thị trường được coi là khó tính nhất như Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu, Mỹ đều không bắt buộc phải có công bố hợp quy, đăng ký mã số mã vạch, mã nguồn gốc, nhãn điện tử…trong khi Việt Nam bắt buộc phải có. Một ví dụ rõ nét là "các sản phẩm như tủ lạnh, máy giặt đang mất từ 2-4 tháng để hoàn thành tất cả các quy định của Việt Nam trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường, nhiều hơn cả thời gian từ khi thiết kế sản phẩm, đến sản xuất và xuất khẩu đi các nước". Điều này có nghĩa là hàng xuất khẩu đang bị "trói buộc" quy định như hàng tiêu thụ trong nước và hàng nhập khẩu, khiến việc xuất khẩu bị đình trệ. Canon hiện có nhiều nhà máy trên khắp thế giới nên nếu khó khăn về xuất khẩu như vậy không được tháo gỡ, tập đoàn có thể sẽ phải chuyển sản xuất ra khỏi Việt Nam, bà Huyền cho biết.

*Sớm loại bỏ các quy định bất hợp lý

Tiến sỹ Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Tiến sỹ Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Theo Tiến sỹ Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, Luật Chất lượng sản phẩm, Hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật có phạm vi ảnh hưởng, tác động rất rộng, chi phối toàn bộ điều kiện sản xuất kinh doanh đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm. Đặc biệt, có 104 Luật, pháp lệnh, nghị định chịu sự tác động của Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật; 79 Luật, pháp lệnh liên quan đến Luật Chất lượng sản phẩm, Hàng hóa; toàn bộ Luật, pháp lệnh, nghị định và quy phạm pháp luật liên quan đến điều kiện kinh doanh sản xuất nông sản thực phẩm và các văn bản dưới luật đều chịu sự chi phối của hai Luật (gốc) này.

Trong khi đó, Luật cũ và dự thảo Luật sửa đổi chưa tiếp cận được đầy đủ cách thức tiếp cận hiện nay trong kiểm soát chất lượng, đánh giá rủi ro và thừa nhận lẫn nhau. Bên cạnh đó, các Luật này chưa khai thác và làm rõ nét vai trò tự chịu trách nhiệm của người sản xuất kinh doanh và các hiệp hội ngành đối với vấn đề đảm bảo chất lượng và an toàn sản phẩm hàng hóa. Ngoài ra, hai luật này có nhiều nội dung chồng chéo (14 nội dung).

Vì vậy, Hội Chăn nuôi Việt Nam kiến nghị hợp nhất 2 Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm, Hàng hóa thành 1 Luật sau sửa đổi; bỏ Quy định công bố hợp quy sản phẩm hàng hóa; Kiểm soát chặt danh mục hàng hóa nhóm 2 và tiêu chí kỹ thuật trong các quy chuẩn kỹ thuật. Bên cạnh đó, kiến nghị không nên luật hóa các giải pháp kỹ thuật mà chỉ nên khuyến khích áp dụng như mã vạch, mã điện tử…Ngoài ra, cần hạn chế quy định các tiêu chí kỹ thuật đối với hàng hóa xuất khẩu, ưu tiên theo yêu cầu của nước nhập, như quy định trong Luật hiện hành.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Hà Nội Tạ Văn Tường phát biểu. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Hà Nội Tạ Văn Tường phát biểu. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Từ góc độ cơ quan quản lý, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng việc bỏ chứng nhận đủ điều kiện và chứng nhận công bố hợp quy là cần thiết nhưng cần tăng chế tài xử phạt với các vi phạm. Theo đó, các đơn vị sản xuất hàng hóa tự công bố chất lượng dựa trên quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia, tự chịu trách nhiệm việc công bố chất lượng, hợp quy; cơ quan quản lý sẽ căn cứ vào việc công bố của doanh nghiệp, đối chiếu với quy định chung để xử phạt nếu có các vi phạm xảy ra.

Đồng tình với các kiến nghị này, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đều có văn bản kiến nghị sửa đổi 2 Luật "gốc" để trình lên cấp có thẩm quyền xem xét thông qua.

Thứ nhất, hợp nhất Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật vào Luật Chất lượng sản phẩm, Hàng hóa; trong đó dành một số chương, điều quy định về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật để quản lý chất lượng và an toàn sản phẩm, hàng hóa. Thứ hai, không áp dụng hình thức công bố hợp quy sản phẩm, hàng hóa như quy định hiện hành và trong dự thảo sửa đổi. Thứ ba, trong trường hợp Quốc hội vẫn chủ trương thông qua Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật mà không hợp nhất với Luật Chất lượng sản phẩm, Hàng hóa, kiến nghị bổ sung các chế tài, yêu cầu các Bộ ngành, địa phương khi xây dựng, ban hành các luật, văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành liên quan đến chất lượng, an toàn sản phẩm, hàng hóa, phải đảm bảo tính thống nhất quy phạm và quan điểm kiểm soát chất lượng, an toàn sản phẩm, hàng hóa Việt Nam, thương hiệu cho hàng hóa Việt Nam.

Đối với Luật Chất lượng sản phẩm, Hàng hóa, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đề nghị Quốc hội xem xét, sớm cho nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi bổ sung Luật Chất lượng sản phẩm, Hàng hóa phù hợp với yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế, nâng tầm chất lượng, an toàn và sức cạnh tranh của thương hiệu hàng hóa Việt Nam trên trường quốc tế.

Ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường Quốc hội phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường Quốc hội phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Ghi nhận các kiến nghị về bất cập trong 2 Luật "gốc này", đặc biệt là quy định về công bố hợp quy (Điều 48) trong Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật của các cơ quan quản lý, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp, ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường Quốc hội cho biết dự kiến cuối tháng 2 và đầu tháng 3 tới đây, Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường Quốc hội sẽ có văn bản xin ý kiến 63 Đoàn đại biểu Quốc hội, từ đó tiếp nhận các đề xuất, kiến nghị, phương án nhằm sửa đổi Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật theo hướng "đơn giản thủ tục hành chính, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm". Theo dự kiến, Quốc hội sẽ thảo luận về dự thảo Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật sửa đổi để thông qua trong tháng 5 tới.

Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/kien-nghi-sua-2-luat-goc-de-go-kho-cho-doanh-nghiep/364176.html