Kiến nghị thi tốt nghiệp 2025 không bắt buộc môn ngoại ngữ: Liệu học sinh có 'thụt lùi'?
Nhiều giáo viên, nhà quản lý đã nêu quan điểm phản biện ý kiến lo lắng học sinh sẽ lười học ngoại ngữ nếu không bắt buộc phải thi môn này tại kỳ thi tốt nghiệp.
Bộ GD&ĐT đã đề xuất phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 bao gồm 4 môn thi trong đó 2 môn bắt buộc (Toán, Văn) 2 môn lựa chọn (Ngoại ngữ cùng 1 môn khác) với lý do giảm áp lực thi cử cho học sinh, giảm chi phí cho phụ huynh và xã hội.
Phương án này được Bộ GD&ĐT nêu tại cuộc họp của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, do Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì, ngày 14/11.
Có lo học sinh đi lùi?
Cô giáo Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) cho rằng, cô đồng ý với phương án mà Bộ GD&ĐT đã đề xuất phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 bao gồm 4 môn thi trong đó 2 môn bắt buộc, 2 môn lựa chọn.
Theo cô Huyền Thảo, trong bối cảnh đất nước hiện còn chưa đồng đều về sự phát triển của giáo dục cũng như điều kiện và mức sống thì việc thi môn ngoại ngữ bắt buộc có thể làm khó với học sinh vùng sâu, xa.
“Thường ở các thành phố lớn, có điều kiện về mức sống và thu nhập việc đầu tư cho việc học tiếng Anh không khó nhưng các vùng còn khó khăn cả về giáo viên, cơ sở vật chất và điều kiện tiếp nhận ngoại ngữ thì việc không bắt buộc là phù hợp”- cô Huyền Thảo nhấn mạnh.
Cũng theo cô Thảo, việc hạn chế ngoại ngữ trong bối cảnh hiện nay là một thiệt thòi cho tất cả học sinh, nhưng đó không phải là điều kiện tiên quyết để đưa vào việc hoàn thành chương trình THPT.
“Sau khi lên đại học, hoặc tốt nghiệp, các em có điều kiện tốt hơn hoặc muốn học, các em sẽ theo kịp với nhịp điệu chung của nhu cầu xã hội và công việc. Nên tốt nghiệp THPT thì chỉ cần hoàn thành căn bản là được”- cô Thảo nêu quan điểm.
"Kỳ thi tốt nghiệp THPT gọn nhẹ là tốt nhất"
Đưa quan điểm về vấn đề này, PGS.TS. Lê Hữu Lập- nguyên Phó giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho rằng, thực ra kỳ thi tốt nghiệp THPT về nguyên tắc là kỳ thi đánh giá chuẩn cơ bản về kiến thức. Do vậy đề thi không phân hóa cao, trên 90% tốt nghiệp cả. “Phương án thi 2+2 mà Bộ GD&ĐT đề xuất là gọn nhẹ, là cần thiết”- ông Lập nêu quan điểm.
Cũng theo ông Lập, không lo học sinh không học ngoại ngữ, bởi lẽ gia đình và học sinh giờ đều biết tương lai của các em ở bậc đại học là rất cần đến ngoại ngữ.
Ông Lập cho rằng, các trường đại học có thương hiệu đều ưu tiên xét tuyển các thí sinh có chứng chỉ Ngoại ngữ quốc tế. Chưa nói chuyện ngoại ngữ rất cần thiết trong quá trình học đại học, sau đại học, khi đi làm... mà các trường cũng yêu cầu sinh viên cần đạt chuẩn Ngoại ngữ mới được cấp bằng tốt nghiệp.
"Chẳng có lý gì mà học sinh phổ thông lại lơ là học Ngoại ngữ. Học sinh học chăm học Ngoại ngữ không phải để đối phó cho kỳ thi tốt nghiệp, mà là xa hơn cho tương lai (hầu như tất cả các ngành học)”- ông Lập nhấn mạnh.
Năm 2025 là thời điểm lứa học sinh đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới thi tốt nghiệp. Hiện kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức với 6 môn, gồm Toán, Văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) hoặc Khoa học Xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân). Phương án thi cuối cùng sẽ do Chính phủ phê duyệt, dự kiến công bố trong năm nay.