Kiến nghị thiết thực, góp phần hoàn thiện chính sách

Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, tại phiên thảo luận Tổ 17 vào chiều 22/5, với tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau đã tích cực đóng góp ý kiến, nêu lên nhiều vấn đề thực tiễn đang đặt ra tại địa phương và trên cả nước, đồng thời đề xuất nhiều kiến nghị xác đáng nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an sinh cho người dân.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận phát biểu thảo luận.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận phát biểu thảo luận.

Có ý kiến về dự thảo Nghị quyết liên quan đến việc tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, đại biểu Nguyễn Quốc Hận khẳng định tính ưu việt và nhân văn của chính sách, đồng thời cảnh báo tình trạng đất đai sau quy hoạch nhưng không được đưa vào sử dụng thực tế, nhất là ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo đại biểu, nhiều diện tích đất đã được quy hoạch, giải phóng mặt bằng, bồi thường cho dân nhưng lại để hoang nhiều năm, gây lãng phí nghiêm trọng trong khi người dân thiếu đất sản xuất. Kiến nghị cần xem xét đánh thuế lãng phí đối với những diện tích này để thúc đẩy hiệu quả sử dụng đất.

Phân tích sâu tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua, đại biểu Nguyễn Quốc Hận đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ, song cũng thẳng thắn chỉ rõ những điểm nghẽn như: kinh tế tư nhân chưa bứt phá, giải ngân đầu tư công chậm và có nguy cơ chậm thêm do việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp tỉnh.

Đặc biệt, đại biểu nhấn mạnh nguy cơ thiếu đồng bộ trong tổ chức thực hiện nếu không kịp thời điều chỉnh các quy định pháp luật liên quan đến phân cấp, phân quyền giữa các cấp chính quyền mới.

Trước tác động từ việc sắp xếp tổ chức bộ máy, đại biểu Nguyễn Quốc Hận đồng thời bày tỏ lo lắng về số lượng lớn cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách nghỉ việc. Cho rằng nhiều người còn sức lao động nhưng thiếu kỹ năng để thích nghi với thị trường, đại biểu đề nghị có chính sách đào tạo lại, hỗ trợ tái hòa nhập để không lãng phí nguồn lực con người.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Quốc Hận cũng nêu vấn đề cần quan tâm, đó là hơn 77% ngân sách Trung ương năm 2025 chưa được phân bổ. Nhận định việc chậm phân bổ không chỉ làm tăng áp lực giải ngân vào cuối năm mà còn làm giảm hiệu quả sử dụng ngân sách, gây nên tâm lý "xin – cho" tại các địa phương, ông kiến nghị cần khẩn trương phân bổ ngân sách ngay trong giữa năm.

Cảnh báo tình trạng lừa đảo qua không gian mạng, sim rác, hàng giả, hàng kém chất lượng, đại biểu Nguyễn Quốc Hận đề xuất siết chặt việc quản lý thuê bao không chính chủ – một trong những nguồn gốc của nhiều vụ lừa đảo thời gian qua.

Từ những phân tích nêu trên, đại biểu Nguyễn Quốc Hận kiến nghị nhiều giải pháp mang tính tổng thể để phục hồi và phát triển như: Tạo điều kiện tiếp cận tín dụng thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh; chủ động ứng phó với chiến tranh thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ; đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo; sửa đổi luật về tổ chức bộ máy hành chính để bảo đảm phân quyền, phân cấp hiệu quả; bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi tự động hóa, chuyển đổi số; siết chặt kiểm soát lừa đảo qua không gian mạng và chất lượng hàng hóa.

Đại biểu Đinh Ngọc Minh phát biểu thảo luận.

Đại biểu Đinh Ngọc Minh phát biểu thảo luận.

Tại thảo luận tổ, đại biểu Đinh Ngọc Minh chỉ rõ lỗ hổng trong chính sách miễn thuế đất nông nghiệp: hiện nay người dân nhận khoán đất từ các nông, lâm trường quốc doanh vẫn phải nộp thuế, trong khi chính họ là người trực tiếp canh tác. Ông cho biết, cả nước còn khoảng 1,5 triệu ha đất nông, lâm trường khoán lại cho người dân, nhưng người dân vừa phải nộp thuế, trả phí quản lý vừa chịu cảnh nông sản bị ép giá.

Ông đề nghị bổ sung quy định miễn thuế đối với người nhận khoán đất trong các nông, lâm trường vào Nghị quyết lần này để đảm bảo công bằng, đúng với bản chất chính sách hỗ trợ người làm nông nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh phát biểu thảo luận.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh phát biểu thảo luận.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh đánh giá cao chính sách miễn học phí cho học sinh mầm non, phổ thông, song kiến nghị mở rộng chính sách tài chính đối với học sinh, sinh viên sau phổ thông.

Cụ thể, đại biểu đề xuất xây dựng cơ chế tín dụng dài hạn cho sinh viên đại học, cao đẳng, trung cấp với mô hình vay qua ngân hàng thương mại, được bảo đảm bởi Nhà nước.

Theo đại biểu, sinh viên có thể vay 100 triệu đồng mỗi năm học và trả dần trong 20-30 năm sau khi có việc làm, lương hàng tháng được trích tự động để hoàn trả khoản vay, tương tự mô hình ở các nước phát triển. Chính sách này sẽ giúp giảm gánh nặng cho gia đình, đồng thời nâng cao trách nhiệm xã hội của sinh viên.

Qua các ý kiến đóng góp của Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau tại Tổ thảo luận số 17 là minh chứng rõ rệt cho tinh thần trách nhiệm, sự sâu sát với thực tiễn và khả năng kiến nghị chính sách có tính khả thi cao.

Những vấn đề được các đại biểu nêu không chỉ mang tính thời sự mà còn đặt ra yêu cầu cấp thiết trong hoàn thiện thể chế, bảo đảm nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững trong bối cảnh nhiều biến động hiện nay./.

Thúy Hằng

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/kien-nghi-thiet-thuc-gop-phan-hoan-thien-chinh-sach-a39146.html