Kiến nghị Thủ tướng chưa sáp nhập các trường cao đẳng sư phạm
Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đề xuất chưa sáp nhập các trường cao đẳng sư phạm thành phân hiệu của các cơ sở giáo dục đại học, hoặc hợp nhất với cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Trong văn bản vừa gửi đến Thủ tướng, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đề xuất chưa sáp nhập các trường cao đẳng sư phạm.
Lo ngại nguy cơ xóa sổ các cơ sở cao đẳng sư phạm
Theo hiệp hội, Nghị quyết của Ban cán sự Đảng Bộ GD&ĐT về việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học có định hướng sắp xếp, tổ chức lại các trường cao đẳng sư phạm, theo hướng sáp nhập thành phân hiệu của các cơ sở giáo dục đại học, hoặc hợp nhất với cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Tuy nhiên để quyết định vấn đề này, hiệp hội cho rằng cần nhìn lại công tác đào tạo giáo viên phổ thông. Đó là những năm cuối thập niên 1980, các trường trung cấp sư phạm phát triển mạnh, nhiều trường trở thành cao đẳng sư phạm. Đến năm 1995 cả nước có 61 trường cao đẳng sư phạm, gần phủ kín 63 tỉnh, thành giúp làm tốt nhiệm vụ đào tạo, đào tạo lại, nâng cao chất lượng giáo viên phổ thông.
Kinh tế - xã hội phát triển, nhà nước quyết định nâng chuẩn giáo viên phải đạt trình độ cử nhân trở lên (không kể giáo viên mầm non). Đồng thời thiết kế và triển khai Chương trình phổ thông mới theo hướng môn học tích hợp, tổng hợp, tự chọn... Hai quyết định trên song hành với việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL).
Xem ra các cơ sở cao đẳng sư phạm là nhân tố nổi trội trong việc thực hiện mục tiêu giảm đầu mối các ĐVSNCL. Cụ thể, Bộ GD&ĐT đã tham mưu cho cấp có thẩm quyền sáp nhập Trường cao đẳng Sư phạm Lào Cai vào Đại học Thái Nguyên, Trường cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận vào Trường đại học Nông Lâm, Trường cao đẳng Sư phạm Hà Nam vào Trường đại học Sư phạm Hà Nội.
Bộ LĐ-TB&XH sáp nhập 7 trường cao đẳng sư phạm vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác trên địa bàn tỉnh thành cao đẳng cộng đồng hoặc cao đẳng địa phương. Nhìn chung tất cả các trường trên đều có cơ sở vật chất tốt, do được nhà nước đầu tư.
Tuy nhiên vài ba năm trở lại đây, các cơ sở cao đẳng sư phạm bị thu hẹp đối tượng tuyển sinh do không được đào tạo giáo viên cấp 1, cấp 2. Song song đó, các trường cao đẳng sư phạm còn phải đối mặt với việc cắt giảm chi thường xuyên theo tinh thần Nghị định 60/2021 về cơ chế tự chủ tài chính của ĐVSNCL.
Về các cơ sở cao đẳng sư phạm, hiệp hội cho rằng việc tổ chức sắp xếp lại các cơ sở đào tạo trên từng địa bàn là đúng, nhưng cần phân biệt sáp nhập các trường nghề vào trường sư phạm khác với sáp nhập trường sư phạm vào các trường nghề.
Công việc này sẽ triển khai tiếp khi đề án quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm được Thủ tướng phê duyệt.
Ngoài ra, hiệp hội cho rằng một điều đáng lo ngại là hiện tượng thiếu, thừa giáo viên phổ thông trở nên gay gắt trong 5 năm lại đây. Chương trình giáo dục phổ thông mới đã triển khai năm thứ hai nhưng chưa thấy những dấu hiệu chứng tỏ đội ngũ giáo viên có thể bảo đảm dạy tốt chương trình mới. “Chưa kể sách giáo khoa có những “hạt sạn” đang làm khó cho giáo viên…” - hiệp hội cho hay.
Đáng chú ý là đề án sắp xếp tổ chức lại các trường sư phạm và thành lập mới các trường sư phạm trọng điểm có những khía cạnh rất đáng lo ngại. Cụ thể, không kế thừa những giá trị tích cực của lịch sử phát triển đội ngũ và giải bài toán giáo viên trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Dường như nó còn nhấn mạnh vai trò một số cơ sở giáo dục đại học sư phạm vốn là cách làm trong thời kỳ bao cấp.
“Chúng tôi và có lẽ những ai tâm huyết với sự nghiệp đào tạo giáo viên đang lo ngại về nguy cơ xóa sổ các cơ sở cao đẳng sư phạm do bị hợp nhất khiên cưỡng với các cơ sở giáo dục khác mà phần lớn không cùng sứ mệnh mà không được hỗ trợ để tự thân phát triển…”- hiệp hội này nêu quan điểm.
Kiến nghị Thủ tướng bốn vấn đề
Với các bất cập nêu trên, hiệp hội kiến nghị Thủ tướng bốn vấn đề:
Thứ nhất, thực hiện phân tầng hệ thống trường sư phạm thành các cơ sở giáo dục sư phạm ở trung ương (đại học sư phạm, đại học giáo dục trọng điểm), các cơ sở giáo dục sư phạm ở địa phương (các trường/khoa đại học sư phạm địa phương, các trường/khoa cao đẳng sư phạm địa phương).
Bộ GD&ĐT quy định các chuẩn cơ sở sư phạm, chuẩn chương trình, theo hướng đào tạo các nhà giáo dục (kể cả trình độ cao đẳng) chứ không theo hướng “thợ dạy”; bảo đảm liên thông cả hệ thống. Thực hiện quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và giao chỉ tiêu đào tạo, phân công sau tốt nghiệp cho các trường đại học sư phạm, đại học giáo dục trọng điểm (các trường này được tự chủ cao trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, tập trung đào tạo sau đại học và nghiên cứu khoa học giáo dục).
UBND các tỉnh, thành quản lý trực tiếp và giao chỉ tiêu đào tạo, phân công sau tốt nghiệp cho các trường, khoa sư phạm địa phương đào tạo giáo viên mầm non, trung học, trung học cơ sở.
Thứ hai, hướng tới một hệ thống sư phạm mở. Các cơ sở sư phạm trở thành trường giáo dục thuộc đại học đa lĩnh vực, hoặc khoa sư phạm trong trường đại học, cao đẳng địa phương.
Thứ ba, trong khoảng 10 năm tới, việc đào tạo bồi dưỡng giáo viên tổ chức chủ yếu theo địa chỉ, chưa theo cơ chế thị trường hoàn toàn. Trước mắt, chính quyền địa phương cần căn cứ vào nhu cầu thực tế về giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở để giao chỉ tiêu đào tạo, đồng thời với việc nâng chuẩn cho trường cao đẳng, đại học sư phạm địa phương của mình.
Với những trường sư phạm chưa đạt chuẩn đại học như quy định, Bộ GD&ĐT cần có chỉ đạo cụ thể thực hiện quy trình đào tạo kết hợp: 3 năm (tại trường cao đẳng sư phạm địa phương) + 1 năm (tại trường đại học sư phạm trọng điểm). Mô hình đào tạo này hiện nay đang được nhiều nước áp dụng và xem như một giải pháp quan trọng thực hiện quyền bình đẳng học tập cho học sinh ở các vùng khó khăn.
Để làm được điều đó, các địa phương cần sớm thành lập một hội đồng tư vấn có thể gọi là “Hội đồng Giáo dục - Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực”, bao gồm đại diện các sở, ban, ngành liên quan của địa phương, đại diện cộng đồng địa phương...
Hội đồng làm chức năng tham mưu cho lãnh đạo địa phương về quy hoạch phát triển giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, trên cơ sở bám sát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương qua từng thời kỳ, thậm chí qua từng năm. Trong tương lai gần, khi cả nước chỉ còn một hệ thống giáo dục – đào tạo thống nhất, hội đồng trường càng phát huy tác dụng mạnh.
Thứ tư, nhà nước cần khuyến khích các địa phương thành lập cụm trường liên kết trên địa bàn của mình.