Kiến nghị xây dựng Nghị định mới về quản lý và thanh toán vốn đầu tư công
Bộ Tài chính kiến nghị xây dựng Nghị định riêng để thay thế các nội dung về quản lý, thanh toán, quyết toán niên độ ngân sách cho các dự án sử dụng vốn đầu tư công theo Nghị định 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ quy định chi tiết về quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư công cho dự án, công trình, nhiệm vụ quy hoạch, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công.

Quy định về quản lý, thanh toán các sửa đổi ngay để phù hợp với các quy định pháp luật mới. Ảnh tư liệu
Thúc đẩy hiện đại hóa quản lý và thanh toán
Nghị định số 99/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định các nội dung chính về quản lý, thanh toán và quyết toán cho các dự án sử dụng vốn đầu tư công, bao gồm: quản lý và thanh toán, quyết toán niên độ ngân sách hàng năm và quyết toán dự án hoàn thành. Thực tiễn cho thấy quản lý, thanh toán vốn và quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành là hai nội dung độc lập với phạm vi điều chỉnh khác nhau. Quy định về quản lý, thanh toán áp dụng cho dự án sử dụng vốn đầu tư công; quy định về quyết toán dự án hoàn thành áp dụng cho toàn bộ nguồn vốn nhà nước.
7 chương với các quy định cụ thể
Để xây dựng quy định pháp luật thống nhất, phù hợp với văn bản mới và tình hình thực tế, cần xây dựng Nghị định riêng thay thế Nghị định số 99/2021/NĐ-CP về quản lý, thanh toán. Dự thảo Nghị định gồm 7 chương trong đó sẽ có các chương quy định cụ thể về quản lý, thanh toán vốn đầu tư công từ các nguồn vốn khác nhau cũng quyết toán vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước theo niên độ.
Theo đại diện Bộ Tài chính, quy định về quản lý, thanh toán cần sửa đổi ngay để phù hợp với các quy định pháp luật mới và tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý. Đặc biệt, trong điều kiện tổ chức lại bộ máy Kho bạc Nhà nước từ 63 đầu mối xuống còn 20 Kho bạc Nhà nước khu vực. Do đó, cần ban hành ngay một Nghị định riêng về quản lý, thanh toán, quyết toán niên độ ngân sách cho dự án sử dụng vốn đầu tư công để thay thế một phần nội dung tại Nghị định 99/2021/NĐ-CP.
Đối với nội dung về quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành, hiện tại, Nghị định số 99/2021/NĐ-CP chỉ hướng dẫn quyết toán cho dự án sử dụng vốn đầu tư công, chưa hướng dẫn quyết toán cho dự án sử dụng vốn ngoài đầu tư công. Điều này gây khó khăn cho các đối tượng thực hiện quyết toán, bao gồm dự án sử dụng vốn thường xuyên từ 500 triệu đồng trở lên trước khi Nghị định số 138/2024/NĐ-CP được ban hành. Dự án tồn đọng cũ, dự án thuộc doanh nghiệp nhà nước và dự án khác nhà nước phải bồi hoàn chi phí do lỗi của nhà nước. Khoản 2 Điều 10 của Nghị định số 35/2023/NĐ-CP giao Bộ Tài chính "Hướng dẫn việc quyết toán vốn nhà nước ngoài đầu tư công". Hiện nay, Bộ Tài chính đang dự thảo Thông tư hướng dẫn việc quyết toán này và đang lấy ý kiến từ các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Mặt khác, theo Luật sửa đổi, bổ sung 7 Luật trong lĩnh vực tài chính được Quốc hội thông qua cuối tháng 11/2024, các nhiệm vụ, dự án ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn, từ nguồn dự phòng và nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước hằng năm cần được hướng dẫn quyết toán sau khi hoàn thành. Việc này là cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng thực hiện, với phạm vi quyết toán dự án hoàn thành (không phân biệt nguồn vốn) rộng hơn so với thanh toán (chỉ dự án sử dụng vốn đầu tư công). Do đó, Bộ Tài chính sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề nghị xây dựng Nghị định sau khi nghiên cứu các quan điểm và chính sách phù hợp thực tiễn.
Nâng cao hiệu quả quản lý tài chính dự án
Việc xây dựng dự thảo Nghị định vào thời điểm này cũng là cần thiết do yêu cầu cấp bách phù hợp với chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Theo Nghị định số 99/2021/NĐ-CP, cơ quan kiểm soát thanh toán thực hiện kiểm soát từng lần tạm ứng, thanh toán dựa trên hồ sơ pháp lý do chủ đầu tư cung cấp. Tuy nhiên, các hồ sơ này chứa nhiều nội dung kỹ thuật không thuộc chức năng kiểm soát của cơ quan, gây khó khăn cho chủ đầu tư và bất cập trong dịch vụ công điện tử hóa.
Việc đơn giản hóa hồ sơ quản lý, thanh toán, phân cấp trách nhiệm pháp lý cho chủ đầu tư là cần thiết. Điều này sẽ giảm tải yêu cầu lưu trữ hồ sơ, phù hợp với lộ trình sắp xếp bộ máy Kho bạc Nhà nước, đảm bảo minh bạch, đúng quy định, đẩy nhanh tiến độ kiểm soát, thanh toán, và hỗ trợ mục tiêu thanh toán điện tử 100%.
Hơn thế nữa, quản lý tài chính đầu tư công thường gặp khó khăn do hệ thống thông tin quản lý tách rời. Số liệu về kế hoạch vốn hàng năm và giải ngân thuộc Kho bạc Nhà nước, trong khi kế hoạch đầu tư trung hạn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý trên hệ thống riêng. Điều này gây thiếu thống nhất, cập nhật thủ công, kéo dài thời gian ra quyết định. Từ tình hình đó, cần bổ sung quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tài chính dự án đầu tư công để hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả theo Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị và Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành phê duyệt chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, để các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương thống nhất thực hiện.
Tháo gỡ nút thắt cho giải ngân
Theo phản ánh của một số đơn vị Kho bạc Nhà nước địa phương, trong quá trình thanh toán, quyết toán vốn đầu tư công theo Nghị định 99/2021/NĐ-CP đã có một số vướng mắc xảy ra. Đơn cử như, tại Nghị định 99, cơ quan Kho bạc Nhà nước thực hiện nhiệm vụ kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước và nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước dành để đầu tư. Hồ sơ kiểm soát, thanh toán vốn của dự án, tạm ứng vốn và thanh toán khối lượng hoàn thành được thực hiện theo quy định tại các Điều 9,10,11 của Nghị định 99. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập sẽ thực hiện kiểm soát thanh toán vốn từ nguồn thu hợp pháp dành để đầu tư của đơn vị mình. Tuy nhiên, tại Điều 25 Nghị định 99 quy định về quản lý, kiểm soát, thanh toán vốn thì việc kiểm soát, thanh toán của các đơn vị sự nghiệp công lập đều cùng thực hiện tại các Điều 9,10,11 của Nghị định 99.
Như vậy, theo quy định này, Kho bạc Nhà nước không chịu trách nhiệm kiểm soát chi hồ sơ đối với các khoản chi đầu tư của đơn vị sự nghiệp công lập. Đơn vị sự nghiệp công lập tự chịu trách nhiệm kiểm soát, thanh toán các khoản chi đầu tư của đơn vị mình. Tuy nhiên về quy trình, thủ tục giao dịch, thanh toán lại áp dụng tương tự như quy định đối với cơ quan Kho bạc Nhà nước mà chưa có hướng dẫn cụ thể, tách bạch về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng cơ quan, điều này gây lúng túng, khó khăn cho việc phối hợp thực hiện giữa cơ quan Kho bạc Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
Do đó, để khắc phục tình trạng này, các cơ quan có thẩm quyền cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống hóa các quy định pháp luật nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo trong các quy định. Đồng thời, phân định trách nhiệm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả các nguồn vốn trong đầu tư công, đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư nhằm tháo gỡ nút thắt trong tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.