Kiến nghị xử lý cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện kết luận giám sát

Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân sau 7 năm triển khai thực hiện đã bộc lộ những hạn chế, bất cập trước yêu cầu của tình hình mới. Do đó, cần thiết phải sửa đổi Luật, trong đó xác định rõ trách nhiệm cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện kết luận, yêu cầu, kiến nghị giám sát.

Một cuộc họp thông báo kết luận giám sát của Hội đồng nhân dân thành phố Thủ Đức (TPHCM). Ảnh: Chí Lộc.

Một cuộc họp thông báo kết luận giám sát của Hội đồng nhân dân thành phố Thủ Đức (TPHCM). Ảnh: Chí Lộc.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: Việc đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Bên cạnh đó, tại Nghị quyết số 27 ngày 9/11/2022 của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới cũng đã đề ra nhiệm vụ và giải pháp: Tiếp tục xây dựng Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất; phát huy tính dân chủ, pháp quyền, hiện đại, chuyên nghiệp, khoa học, công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức và hoạt động, bảo đảm Quốc hội thực hiện tốt chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước; tiếp tục nghiên cứu để xác định rõ hơn phạm vi, đối tượng, phương pháp, hình thức giám sát tối cao của Quốc hội phù hợp thực tiễn; nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn, giải trình, giám sát văn bản quy phạm pháp luật, chú trọng việc theo dõi, xem xét, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát; thực hiện nghiêm việc lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội.

Chính vì lẽ đó, việc sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND) là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Và hiện nay, đề cương chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND đang được lấy ý kiến rộng rãi tại các địa phương.

Góp ý về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, hiện mới chỉ quy định về việc chủ thể giám sát kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý trách nhiệm của đối tượng chịu sự giám sát không thực hiện, hoặc thực hiện không đúng kết luận, kiến nghị của chủ thể giám sát. Đây là một bất cập trên thực tế dẫn đến việc thực hiện kết luận, yêu cầu, kiến nghị giám sát trong nhiều trường hợp không được chấp hành nghiêm chỉnh. Ông Cường cũng cho rằng, cần quy định chặt chẽ hơn về việc xử lý cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện kết luận, yêu cầu, kiến nghị giám sát.

Vậy vấn đề đang được đặt ra là làm sao để xử lý cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện kết luận, yêu cầu, kiến nghị giám sát. Bởi những kiến nghị, kết luận giám sát được chỉ ra nếu không được thực hiện sẽ làm giảm đi hiệu lực, hiệu quả của giám sát.

Còn theo ông Lê Việt Trường - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, tại các nước trên thế giới đều giám sát cơ quan hành pháp bằng cách tạo ra “áp lực” chính trị thường xuyên lên cơ quan hành pháp để yêu cầu phải tuân thủ theo Hiến pháp và pháp luật. Khi “bê trễ” thì điều trần trước Quốc hội. Nếu điều trần mà không khắc phục được thì bỏ phiếu bất tín nhiệm và hệ quả đem lại là rất lớn.

Ông Trường phân tích thêm rằng, ở nước ta, hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử mang tính chính trị là xem xét trách nhiệm đối với cơ quan hành pháp. Do đó, đầu tiên kết quả giám sát phải chính xác, bởi “không thể yêu cầu người ta thực hiện kết luận giám sát nếu kết luận của anh không đúng”.

Trả lời về việc nếu tổ chức, cá nhân không thực hiện kết luận giám sát? Theo ông Trường, hiện chúng ta đã có chế tài đối với cá nhân những người do Quốc hội và HĐND bầu, phê chuẩn. Theo đó có lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm. Bên cạnh đó còn có chất vấn trước Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Còn Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban thì có các hoạt động giải trình. Sau đó ban hành nghị quyết, ấn định thời gian thực hiện khắc phục trong thời gian bao lâu? Nếu không thực hiện sẽ bị tái giám sát, chất vấn. “Cho nên nếu lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm được tăng cường sẽ “tạo áp lực” để yêu cầu họ phải thực hiện những kiến nghị, kết luận giám sát chỉ ra” - ông Trường cho hay, đồng thời cho rằng bên cạnh Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND thì còn có Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức để xem xét trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân khi không hoàn thành nhiệm vụ.

Ông Phạm Trường Dân - ĐBQH khóa XIII cũng nêu quan điểm, giám sát là hoạt động quan trọng, thể hiện quyền lực của cơ quan dân cử, Quốc hội, HĐND. Do đó cơ quan giám sát phải hết sức khách quan, chặt chẽ, làm đúng luật. Khi phát hiện đối tượng bị giám sát “vượt rào” so với quy định của pháp luật thì kiến nghị để họ “dừng lại”, và yêu cầu thực hiện các kiến nghị sau giám sát.

“Qua giám sát nếu thấy bất cập do hệ thống pháp luật thì kiến nghị đề xuất sửa đổi, bổ sung luật. Còn do quá trình tổ chức thực hiện thì cần khắc phục những hạn chế mà giám sát đã chỉ ra. Như thời gian qua, không đấu thầu được trong việc mua sắm thuốc và trang thiết bị vật tư y tế khiến thiếu thuốc và trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh. Sau đó Quốc hội đã có nghị quyết yêu cầu Chính phủ phải tháo gỡ ngay” - ông Dân nói và cho rằng, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hiện theo kết luận giám sát. Có như thế giám sát mới đem lại hiệu quả.

H.Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/kien-nghi-xu-ly-co-quan-to-chuc-ca-nhan-khong-thuc-hien-ket-luan-giam-sat-10275097.html