Kiên quyết giữ con dù sản phụ bị tiền sản giật nặng nề
Bác sĩ đề nghị chấm dứt thai kỳ ở tuần 26, nhưng sản phụ hiếm muộn kiên quyết giữ con và từ chối chỉ định y khoa. Cho tới khi tình trạng sản phụ phải nhập viện cấp cứu, nguy kịch tính mạng, các bác sĩ đã nhanh chóng phẫu thuật bắt con, triển khai phác đồ giờ vàng để cứu sống trẻ sinh non chỉ nặng 900gr.
Sản phụ N.T.T (31 tuổi) điều trị hiếm muộn thành công và theo dõi thai kỳ ở một phòng khám tư nhân, có tiền sử cao huyết áp trước khi có thai. Đến tuần 24 phát hiện cao huyết áp mạn tính kèm tiền sản giật, chị chuyển đến Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh điều trị.
Sản phụ được chỉ định nhập viện, truyền magie sulfat ngừa co giật, thuốc hạ huyết áp song không thể kiểm soát, chỉ số vượt 170/110 mmHG (bình thường dưới 140/90 mmHg).
Ngoài ra, chị còn gặp tình trạng giảm tiểu cầu, men gan tăng gấp ba lần so với bình thường, thai nhi hạn chế tăng trưởng trong tử cung. Chị được chẩn đoán tiền sản giật nặng nguy cơ đe dọa tính mạng. Bác sĩ đề nghị chấm dứt thai kỳ sau hai tuần nỗ lực dưỡng thai.
Tuy nhiên, sau nhiều năm hiếm muộn mới có được mụn con, chị từ chối chỉ định này, xin về nhà và tái khám ngoại trú, hy vọng kéo dài sự sống cho bào thai trong cơ thể mẹ.
Ngày 18/10/2023, sản phụ được gia đình đưa trở lại bệnh viện cấp cứu trong tình trạng toàn thân sưng phù, khó thở, tri giác lơ mơ, huyết áp 200/120mmHg, chỉ số xét nghiệm phát hiện suy gan, thận.
Tình trạng người bệnh nguy kịch, có thể tử vong cả mẹ và thai. Bệnh viện kích hoạt báo động, đẩy bệnh nhân từ khu cấp cứu lên phòng mổ khẩn.
Bác sĩ chuyên khoa II Lê Thanh Hùng, Phó khoa Sản đã thực hiện ca mổ bắt con cho sản phụ. Trong phòng mổ, ê-kíp bác sĩ Sơ sinh túc trực, sẵn sàng hồi sức cho em bé ngay trên bụng mẹ.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Phạm Lê Mỹ Hạnh, Trưởng khoa Sơ sinh, bé chào đời tím tái không thở, được hồi sức ngay, sau đó tiến hành ủ ấm, thở oxy không xâm lấn.
Em bé vượt qua nguy kịch được đưa về Trung tâm Sơ sinh nuôi trong lồng ấp hiện đại, kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm không khí và ánh sáng phù hợp như trong tử cung mẹ. Bé được thở áp lực dương liên tục (CPAP) đường thở thông thoáng, hô hấp nhẹ nhàng thay vì máy thở kéo dài có thể gây hại cho phổi.
Tiến sĩ, bác sĩ Cam Ngọc Phượng, Giám đốc Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh cho hay, tỷ lệ sống của trẻ sinh non sẽ khác nhau ở các tuổi thai và tùy trung tâm nuôi dưỡng.
Ngay sau sinh, trẻ sinh non gặp nhiều thách thức hơn trẻ đủ tháng. Trẻ không khóc, thở yếu, sức cơ yếu, tỷ lệ cần hồi sức cao hơn, các biến chứng sau hồi sức nhiều hơn. Đặc biệt trẻ cực nhẹ cân (<1.000gr), dễ bị hạ thân nhiệt, thiếu oxy, khó thông khí đủ do phổi thiếu surfactant, dễ bị nhiễm trùng, dễ xuất huyết não.
Báo cáo của Viện Quốc gia về Sức khỏe trẻ em và Phát triển con người của Mỹ (NICHD), trẻ sinh non dưới 24 tuần tuổi có ít cơ hội sống sót, tỷ lệ sống sót cho đến khi xuất viện của trẻ 22 tuần là 6%, 23 tuần là 26%, bé sinh ở tuần thứ 26 có cơ hội sống sót khoảng 78%, đạt 80-90% ở tuần 28. Trẻ sinh non từ 30-32 tuần tuổi tỷ lệ sống sót lên đến 95%. Bé chào đời khi đủ 34-36 tuần tuổi có tỷ lệ tử vong rất thấp (2,8-7,1/1000 trẻ sinh sống).
Bác sĩ Phượng cho biết, thập niên trước đây, thở máy xâm lấn là phương pháp điều trị chính cho trẻ sinh non rất nhẹ cân có hội chứng suy hô hấp. Mặc dù là biện pháp cứu mạng, thở máy xâm lấn lại là yếu tố nguy cơ cao gây viêm phổi do thở máy và bệnh phổi mãn.
Kỹ thuật thở CPAP (Continuous Positive Airway Pressure) tại phòng sinh hỗ trợ việc chuyển tiếp hô hấp tuần hoàn cho trẻ ngay sau sinh. Tiếp tục thở CPAP tại khoa Hồi sức sơ sinh giúp chuẩn hóa dung tích cặn chức năng (thể tích phổi) và giảm công thở cho trẻ.
Nguy cơ đặt nội khí quản tại phòng sinh ở trẻ sinh rất non (<33 tuần tuổi thai) đã giảm trong thập niên vừa qua khi trẻ được thở CPAP sớm. Tuy nhiên, hầu hết các bệnh viện sản tại Việt Nam chưa áp dụng CPAP tại phòng sinh.
Khái niệm “giờ vàng” gần đây đã được đưa vào lĩnh vực sơ sinh, nhấn mạnh tầm quan trọng của chăm sóc sơ sinh trong 60 phút đầu sau sinh. Đây là chiến lược mới giúp trẻ sinh non có dự hậu tốt hơn.
Phác đồ giờ vàng bao gồm nhiều yếu tố, như kẹp rốn muộn, phòng ngừa hạ thân nhiệt, hỗ trợ hô hấp với phương pháp không xâm lấn (thở CPAP) tại phòng sinh và liên tục đến khi nhập NICU, hỗ trợ dinh dưỡng tĩnh mạch dung dịch đường, và phòng nhiễm trùng huyết.
Phác đồ giờ vàng bao gồm nhiều yếu tố, như kẹp rốn muộn, phòng ngừa hạ thân nhiệt, hỗ trợ hô hấp với phương pháp không xâm lấn (thở CPAP) tại phòng sinh và liên tục đến khi nhập NICU, hỗ trợ dinh dưỡng tĩnh mạch dung dịch đường, và phòng nhiễm trùng huyết.
“Trong năm 2022, phác đồ giờ vàng cho trẻ sinh rất non với thông khí không xâm lấn hỗ trợ tim phổi ban đầu tại phòng sinh, sau đó thở CPAP liên tục cho đến khi nhập NICU đã giúp giảm nguy cơ đặt nội khí quản, giảm tỷ lệ thở máy xâm lấn, từ đó giúp giảm chi phí điều trị”, Tiến sĩ Cam Ngọc Phượng cho biết.
Trong năm 2022 tổng cộng có 26% trẻ sinh non có đặt nội khí quản trong 24 giờ đầu tại NICU. Tỷ lệ thông khí xâm lấn đã giảm đáng kể từ giai đoạn một sang giai đoạn hai, 62,5% so với 26%.
Với việc thở NCPAP cho trẻ sớm ngay tại phòng sinh, tỷ lệ dùng surfactant thay thế sau sinh giảm một nửa, từ 40% còn 20,9%. Tỷ lệ ấn tim, truyền epinephrine và tràn khí màng phổi rất thấp. Ngoài ra, chi phí điều trị trung bình giảm khoảng 30%-40%.
Phác đồ giờ vàng với ổn định thân nhiệt, thở NCPAP sớm giúp giảm nhu cầu thông khí bắt buộc ngắt quãng (IMV) ở trẻ sinh non có hội chứng nguy kịch hô hấp trẻ sơ sinh (bệnh màng trong – RDS), giảm tỷ lệ đặt nội khí quản, giảm tỷ lệ thở máy xâm lấn. Giảm thời gian thở máy, giảm thời gian nằm chăm sóc đặc biệt tại khoa Hồi sức sơ sinh, dẫn đến giảm đáng kể chi phí điều trị.