Kiên quyết, kiên trì xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh: Kỳ II: Nghị quyết hợp lòng dân

BHG - Với sự lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt, quyết liệt của Ban Chỉ đạo 443, cùng quan điểm xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, gắn với triển khai thực hiện các chương trình, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng – an ninh, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là với vai trò chủ thể là người dân, đã có nhiều cách làm hay, việc làm cụ thể, hiệu quả, mang lại kết quả tích cực, có sức lan tỏa.

Đồng chí Nguyễn Hữu Thông, Bí thư Đảng ủy xã Yên Định (Bắc Mê) chia sẻ: Đảng bộ xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 27 gắn với thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đồng bộ với phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh trật nông thôn. Qua đó, đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân trong xã từng bước được nâng lên, nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là tích cực tham gia thực hiện Nghị quyết 27. Qua đó, nhiều nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng truyền thống trong đời sống của nhân dân các dân tộc được bảo tồn và phát huy, như: Tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghi lễ truyền thống, lễ hội dân gian… tạo nên bản sắc văn hóa riêng, độc đáo.

Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng trao đổi với người dân thôn Lùng Giàng A, xã Phong Quang (Vị Xuyên) về xóa bỏ hủ tục.

Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng trao đổi với người dân thôn Lùng Giàng A, xã Phong Quang (Vị Xuyên) về xóa bỏ hủ tục.

Xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu gắn với triển khai các chương trình, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, đảng viên Hầu Mí Xay, dân tộc Mông, thôn hạ sơn Bản Bó, xã Yên Định (Bắc Mê) đã cùng 11 hộ dân tộc Mông trong thôn tích cực tham gia mô hình “Nhóm chăn nuôi Bò vàng vùng cao sinh sản liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm” theo 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Anh Hầu Mí Xay cho biết: Thôn có 11 hộ, đều là dân tộc Mông. Trước đây đám tang trong thôn thường kéo dài 4 ngày, 3 đêm; một số dòng họ chưa cho người chết vào áo quan, trong lễ tế thường mổ 6-7 con bò, lợn, hoặc chó, rất tốn kém. Triển khai Nghị quyết 27, với vai trò là đảng viên, trưởng nhóm, tôi đã tổ chức họp nhóm để tuyên truyền, vận động, lấy ý kiến các hộ để lựa chọn các nội dung, nội dung nào phải cải tiến cho phù hợp, nội dung nào lạc hậu quá thì xóa bỏ hoàn toàn, từ đó lựa chọn được các nội dung cần cải tiến, nội dung cần xóa bỏ, đồng thời triển khai cho các gia đình, hội viên ký cam kết, dán niêm yết tại gia đình để thực hiện. Đến nay, các gia đình, dòng họ đã thực hiện không để người chết quá 48 giờ và phải đưa vào áo quan; trong đám không giết mổ nhiều gia súc, gia cầm, không uống rượu nhiều. Tham gia mô hình chăn nuôi Bò vàng vùng cao sinh sản liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, nhóm của anh Hầu Mí Xay cũng thực hiện tốt việc xây dựng, di chuyển chuồng bò ra xa nhà để đảm bảo vệ sinh môi trường.

Nghệ nhân dân gian xã Lũng Chinh (Mèo Vạc) truyền dạy múa khèn cho thế hệ trẻ.

Nghệ nhân dân gian xã Lũng Chinh (Mèo Vạc) truyền dạy múa khèn cho thế hệ trẻ.

Xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh theo Nghị quyết 27 được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến thôn trong công tác tuyên truyền, vận động, từ đó nhận thức của nhân dân ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên không phải ở địa phương nào việc triển khai thực hiện Nghị quyết 27 cũng diễn ra thuận lợi, đặc biệt là tại 4 huyện vùng Cao nguyên đá gồm Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc.

Đồng chí Sùng Mí Nô, Bí thư Đảng ủy xã Lũng Chinh (Mèo Vạc) cho biết: Địa phương có 7 thôn, với 866 hộ, 4.477 khẩu, gồm 6 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mông chiếm 88%; có nhiều dòng họ, của từng dân tộc khác nhau; nhận thức của đa số người dân còn hạn chế, có tư tưởng không muốn thay đổi phong tục, tập quán lạc hậu, nhất là trong việc cưới, việc tang. Một số hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu đã ăn sâu vào suy nghĩ, cuộc sống hàng ngày nên rất khó thay đổi. Cùng với đó, hiện chưa có hướng dẫn, hoặc chế tài xử lý vi phạm việc không đưa người chết vào áo quan tại nhà đối với người dân nên chưa đủ sức răn đe. Việc đưa người chết vào áo quan còn phụ thuộc vào anh em, trưởng dòng họ quyết định… Từ những khó khăn, hạn chế đó, hiện trên địa bàn xã Lũng Chinh vẫn còn tình trạng tảo hôn; trong việc tang, có dòng họ gần 2 năm nay chưa đưa được người chết vào áo quan tại nhà.

Đảng viên Hầu Mí Xay, dân tộc Mông, thôn hạ sơn Bản Bó, xã Yên Định (Bắc Mê) tham gia mô hình “Nhóm chăn nuôi Bò vàng vùng cao sinh sản liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm” giúp cuộc sống đã có nhiều đổi mới.

Đảng viên Hầu Mí Xay, dân tộc Mông, thôn hạ sơn Bản Bó, xã Yên Định (Bắc Mê) tham gia mô hình “Nhóm chăn nuôi Bò vàng vùng cao sinh sản liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm” giúp cuộc sống đã có nhiều đổi mới.

Tuy nhiên, qua hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 27 và khảo sát tại các địa phương, bài học rút ra là ở đâu vai trò gương mẫu, đi đầu của cán bộ, đảng viên được phát huy thì ở đó có kết quả cụ thể, tích cực, có sức lan tỏa trong nhân dân. Là xã nội địa của huyện Đồng Văn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên 60% - Thài Phìn Tủng triển khai thực hiện Nghị quyết 27 cũng muôn vàn khó khăn bởi những quan điểm, quan niệm của từng dân tộc, từng dòng họ về tín ngưỡng, tâm linh trong việc cưới, việc tang còn khá nặng nề, phức tạp, trong đó có cả những quan niệm mang tính huyền bí, dị đoan… Nhưng với quyết tâm chính trị cao, sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt vai trò của cán bộ, đảng viên, người có uy tín được phát huy tối đa, nên việc triển khai Nghị quyết 27 trên địa bàn xã đã đạt được những kết quả cụ thể, rõ nét.

Ông Vàng Chìa Ly, Bí thư Chi bộ thôn Chúng Mung, xã Thài Phìn Tủng (Đồng Văn) cho biết: Thực hiện Nghị quyết 27, Chi bộ thôn Chúng Mung đã họp bàn, đưa ra nhiệm vụ cụ thể của từng tháng để lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền vận động nhân dân, được nhân dân đón nhận, đồng thuận. Tuy nhiên, có những việc sẽ không thực hiện nổi nếu không có quyết tâm cao, thậm chí là lòng dũng cảm. Ông Vàng Chìa Ly lấy ví dụ: Khi bố ông chết, để thực hiện theo Nghị quyết 27 thì phải đưa vào áo quan tại nhà, không để người chết quá 48 tiếng đồng hồ trong nhà và hạn chế thấp nhất việc giết mổ gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, khi đưa việc này ra bàn trong dòng họ, các bà cô không ai đồng ý. Họ cho rằng nếu không làm theo tục lệ cũ sẽ bị “ma ám” ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là đến tính mạng của những người thân trong gia đình, dòng họ và họ dọa sẽ không đến dự đám tang. Nhưng với vai trò người đảng viên, Bí thư Chi bộ ông đã gương mẫu, quyết tâm thực hiện. Ban đầu những người trong dòng họ, các bà cô còn nghi ngờ, ái ngại, nhưng sau thấy mọi việc êm đẹp, vừa đỡ tốn kém, lại hợp vệ sinh, mọi người trong gia đình khỏe mạnh nên từ đó người thân trong họ và các dòng họ khác trong thôn đã tích cực hưởng ứng làm theo…

Ông Vàng Chìa Ly khẳng định, Nghị quyết 27 đã thực sự làm thay đổi tích cực cuộc sống của người dân trong thôn. Ông mong muốn Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thống nhất các địa phương, các dòng họ đối với từng nội dung đã được nhận diện là hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, đặc biệt là trong việc tang; có chính sách hỗ trợ những hộ nghèo, cận nghèo, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân.

----------------

Kỳ cuối: Nghị quyết 27 đã đi vào cuộc sống.

Bài, ảnh: VĂN NGHỊ

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202407/kien-quyet-kien-tri-xoa-bo-hu-tuc-xay-dung-nep-song-van-minh-ky-ii-nghi-quyet-hop-long-dan-0d5138f/