Kiên quyết xử lý nhà thầu làm chậm tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ

Theo đánh giá của Bộ GTVT, dự án đầu tư nâng cấp tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ nằm trong danh mục dự án hoàn thành năm 2025, tuy nhiên hiện nay triển khai chậm, sản lượng ước đạt khoảng 7,2%.

Thi công tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ

Thi công tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ

Cần đẩy nhanh thủ tục cấp mỏ, đảm bảo có nguồn cát

Bộ GTVT vừa ban hành Thông báo kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang về kết quả kiểm tra hiện trường Dự án đầu tư nâng cấp tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ trên địa phận tỉnh Đồng Tháp và thành phố Cần Thơ để tổ chức lại giao thông.

Kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang đánh giá, trong thời gian qua, công tác triển khai thi công của các đơn vị có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên đến nay, nhà thầu triển khai thi công còn chậm, chưa đạt được tiến độ đề ra, sản lượng ước đạt khoảng 7,2% so với giá trị hợp đồng, còn chậm 4,31% so với kế hoạch.

Dự án Cao Lãnh - Lộ Tẻ được Bộ GTVT xác định trong danh mục dự án hoàn thành năm 2025 nhằm đáp ứng mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã xây dựng mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành và đưa vào kịp thời khoảng 3.000 km đường cao tốc và hưởng ứng đợt thi đua cao điểm "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường cao tốc" do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Để bảo đảm dự án triển khai đúng tiến độ và chất lượng đã được đề ra, Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA Mỹ Thuận phối hợp với các cơ quan chuyên môn của UBND huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ đẩy nhanh công tác đền bù, hỗ trợ tái định cư, bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu thi công chậm nhất trong tháng 11/2024.

Bộ GTVT giao Ban QLDA Mỹ Thuận khẩn trương rà soát báo cáo rõ ảnh hưởng của việc chậm GPMB đến việc triển khai thi công bấc thấm xử lý nền đất yếu tại các nhánh RAM của nút giao. Trong đó, Ban QLDA Mỹ Thuận bổ sung, đề xuất giải pháp xử lý nền đất yếu thay thế phù hợp nhằm bảo đảm tiến độ dự án, đồng thời có báo cáo phân tích đánh giá hiệu quả kinh tế - kỹ thuật, kinh phí phải bổ sung (nếu có) khi thay đổi biện pháp thiết kế, thi công nền đất yếu do chậm bàn giao mặt bằng thi công.

Về công tác di dời công trình hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi nền đường gom, Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA Mỹ Thuận, Cục Đường bộ Việt Nam (Khu quản lý đường bộ IV) tiếp tục có văn bản làm việc với cơ quan chủ quản các công trình hạ tầng hạ kỹ thuật để di dời bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu thi công trước ngày 15/11/2024.

Về nguồn vật liệu cát đắp, Bộ GTVT giao Ban QLDA Mỹ Thuận tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh Đồng Tháp, nhà thầu thi công đẩy nhanh thủ tục cấp mỏ, đảm bảo có nguồn cát cấp cho dự án trong tháng 11/2024.

Đơn vị tư vấn thiết kế phải kịp thời phối hợp với chủ đầu tư để giải quyết các vấn đề liên quan đến điều chỉnh thiết kế

Đơn vị tư vấn thiết kế phải kịp thời phối hợp với chủ đầu tư để giải quyết các vấn đề liên quan đến điều chỉnh thiết kế

Về một số nội dung đề nghị điều chỉnh, bổ sung giải pháp thiết kế (hệ thống ATGT, bổ sung phụ gia bê tông nhựa…), trên cơ sở các kiến nghị của nhà thầu thi công và đơn vị tư vấn giám sát, Ban QLDA Mỹ Thuận chỉ đạo đơn vị tư vấn thiết kế nghiên cứu đề xuất giải pháp xử lý và xem xét, giải quyết điều chỉnh, bổ sung theo quy định của pháp luật về xây dựng (nếu cần thiết).

Về công tác triển khai thi công, Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA Mỹ Thuận chỉ đạo nhà thầu có kế hoạch huy động đầy đủ máy móc thiết bị, tăng mũi thi công để đẩy nhanh tiến độ, tổ chức thi công 3 ca, 4 kíp, đặc biệt tập trung tối đa lực lượng để hoàn thành các hạng mục "đường găng"; căn cứ theo tiến độ điều chỉnh đã cam kết (hoàn thành trước ngày 31/10/2025), bổ sung thêm mũi thi công đang còn thiếu so với kế hoạch, trong đó lưu ý khẩn trương huy động đủ nhân sự để tổ chức thi công có hiệu quả, tránh tình trạng một số máy móc, thiết bị huy động đến công trường nhưng không vận hành, không hoạt động như tại thời điểm kiểm tra.

"Triển khai thi công ngay các công trình cầu lớn; tập trung huy động, tập kết các cấu kiện cọc PHC, dầm cầu để lắp đặt ngay sau khi hoàn thành các kết cấu phần dưới", Bộ GTVT nhấn mạnh yêu cầu.

Kiên quyết xử lý các nhà thầu chậm tiến độ

Cùng với đó, Bộ GTVT yêu cầu bổ sung ngay dây chuyền thảm bê tông nhựa theo kế hoạch, tiến hành thí nghiệm vật liệu đầu vào, thi công rải thử lớp bê tông nhựa mặt đường, có giải pháp huy động sớm vật liệu về công trường để có thể thi công đại trà hạng mục bê tông nhựa khi kết thúc mùa mưa, đảm bảo chất lượng theo yêu cầu; đồng thời đẩy nhanh tiến độ đảm bảo hoàn thành sớm trong mùa khô tới.

Nhà thầu thi công phải chủ động tiếp cận nhiều nguồn cung khác nhau để có ngay cát thi công đường gom, đảm bảo đường kết nối để triển khai thi công cầu, cống đáp ứng tiến độ yêu cầu. Tiến hành rà soát hoàn thiện bộ máy tổ chức thi công, quản lý chất lượng xây dựng công trình, quản lý đảm bảo ATGT của đơn vị; chịu trách nhiệm toàn diện về chất lượng các hạng mục công trình thi công, công tác đảm bảo ATGT trước chủ đầu tư theo quy định của hợp đồng và quy định của pháp luật có liên quan; đảm bảo hoàn thành Dự án theo đúng tiến độ đã cam kết.

Bộ GTVT

Yêu cầu Ban QLDA Mỹ Thuận kiên quyết xử lý các nhà thầu chậm tiến độ theo đúng quy định của hợp đồng.

Đối với các đơn vị tư vấn, Bộ GTVT yêu cầu đơn vị tư vấn giám sát thực hiện đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm theo quy định của pháp luật về xây dựng và hợp đồng đã ký kết với chủ đầu tư; chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ đầu tư về những công việc được giao; tổ chức giám sát chặt chẽ công tác thi công của nhà thầu, đảm bảo chất lượng, tiến độ, an toàn giao thông, an toàn lao động và vệ sinh môi trường.

Đồng thời, đơn vị tư vấn thiết kế phải thực hiện nghiêm túc công tác giám sát tác giả, kịp thời phối hợp với chủ đầu tư để giải quyết các vấn đề liên quan đến điều chỉnh thiết kế (nếu có) trong quá trình thi công; khắc phục kịp thời các tồn tại, hạn chế của hồ sơ thiết kế, không làm ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ thi công; chủ động phối hợp với đơn vị tư vấn giám sát, nhà thầu thi công rà soát, đánh giá hiện trạng hư hỏng tại một số vị trí của mặt đường bê tông nhựa cũ, để kịp thời điều chỉnh giải pháp sửa chữa cho triệt để, trước khi thảm tăng cường lớp mặt đường bê tông nhựa.

Nhà thầu phải chịu trách nhiệm về việc mất an toàn giao thông do quá trình thi công gây ra

Nhà thầu phải chịu trách nhiệm về việc mất an toàn giao thông do quá trình thi công gây ra

Về công tác duy tu, bảo trì tuyến đường và công tác phân luồng đảm bảo ATGT trong quá trình thi công, Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA Mỹ Thuận chỉ đạo nhà thầu thi công thường xuyên thực hiện công tác duy tu bảo trì (vá ổ gà mặt đường, khơi rãnh thoát nước, cắt cỏ lề đường…), bố trí đủ nhân sự trực phân luồng, điều tiết giao thông, bổ sung đầy đủ cọc tiêu, biển báo đảm bảo phương tiện lưu thông thuận lợi và an toàn trong quá trình thi công. Đồng thời, nhà thầu thi công phải chịu trách nhiệm về việc mất an toàn giao thông do quá trình thi công gây ra.

Đối với Cục Đường bộ Việt Nam và Khu Quản lý đường bộ IV, Bộ GTVT yêu cầu tăng cường vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; thường xuyên kiểm tra, giám sát chủ đầu tư, nhà thầu thi công trong việc thực hiện các quy định duy tu, bảo trì tuyến đường sau khi nhận bàn giao, công tác bảo đảm an toàn giao thông khi thi công... theo đúng quy định của pháp luật và phương án, biện pháp tổ chức thi công đã được chấp thuận (hoặc cấp phép).

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/kien-quyet-xu-ly-nha-thau-lam-cham-tuyen-cao-lanh-lo-te-183241024150118849.htm