Kiến tạo mô hình công nghiệp đô thị vệ tinh thông minh

Theo VCCI, việc đảm bảo khu công nghiệp, khu kinh tế tiếp tục đóng vai trò là mô hình quan trọng trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Cộng đồng quan tâm thúc đẩy phát triển bền vững khu công nghiệp Việt Nam. Ảnh: Ngọc Quỳnh/Bnews/TTXVN

Cộng đồng quan tâm thúc đẩy phát triển bền vững khu công nghiệp Việt Nam. Ảnh: Ngọc Quỳnh/Bnews/TTXVN

Ngày 28/3, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Báo Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức diễn đàn "Thúc đẩy phát triển bền vững khu công nghiệp Việt Nam". Sự kiện thu hút đông đảo đại diện ban quản lý các khu công nghiệp trên địa bàn toàn quốc, các hiệp hội, doanh nghiệp và báo giới.

Theo báo cáo tại diễn đàn, cả nước hiện có 418 khu công nghiệp đã thành lập gồm: 371 khu công nghiệp nằm ngoài các khu kinh tế, 39 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế ven biển, 8 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế cửa khẩu với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 129,9 nghìn ha. Tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 89,2 nghìn ha.

Trong số các khu công nghiệp đã được thành lập, có 298 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 92,2 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 63,1 nghìn ha và 120 khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 37,5 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 26,1 nghìn ha.

Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các khu công nghiệp cả nước đạt khoảng 51,3 nghìn ha, đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 57,5%. Nếu tính riêng các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 72,5%. Trong số 298 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, đã có 272 khu công nghiệp đã vận hành nhà máy xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường, đáp ứng chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội giao. Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đóng góp khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, góp phần vào việc chuyển cán cân thương mại của Việt Nam từ nhập siêu, đến cân bằng và sang xuất siêu.

Khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI khẳng định, sự phát triển của các khu công nghiệp sẽ góp phần đáng kể vào việc hiện thực hóa các cam kết hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và nhiều chính sách quan trọng khác của Việt Nam.

Tuy nhiên, việc phát triển khu công nghiệp trong thời gian qua vẫn còn hạn chế, như: thiếu đồng bộ, thiếu gắn kết; sử dụng kém hiệu quả các nguồn tài nguyên; ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường tự nhiên và môi trường sống của cộng đồng dân cư quanh khu công nghiệp…

Do đó, việc cụ thể hóa chủ trương, chính sách về khu công nghiệp, khu kinh tế; đặc biệt là hoàn thiện thể chế, chính sách về khu công nghiệp, khu kinh tế để đảm bảo khu công nghiệp, khu kinh tế tiếp tục đóng vai trò là mô hình quan trọng trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội là yêu cầu cấp thiết.

Tại diễn đàn, ông Ling Foong, Giám đốc Phát triển bền vững Frasers Property Vietnam cho biết: Phát triển các khu công nghiệp đẳng cấp, chất lượng cao tại Việt Nam ngày càng tăng giúp mang lại môi trường làm việc hiệu quả, tiết kiệm chi phí vận hành, thúc đẩy sự gắn bó giữa người lao động với doanh nghiệp.

Nhìn lại sự phát triển của mô hình khu công nghiệp tại Việt Nam trong những thập kỷ gần đây, ông Ling Foong cho biết: Khu công nghiệp trải qua 4 giai đoạn chuyển đổi từ khu công nghiệp cơ bản thành mô hình công nghiệp đô thị vệ tinh thông minh để có thể đáp ứng các yếu tố sản xuất, sinh hoạt, nghỉ ngơi và giải trí. Trong giai đoạn đầu tiên, sự phát triển của cơ sở vật chất công nghiệp xuất phát từ yếu tố cơ bản nhất gồm hệ thống phụ trợ điện, nước, phòng cháy chữa cháy và hệ thống giao thông chủ yếu phục vụ cho sản xuất.

Giai đoạn 2, khu vực sản xuất phát triển ở mức cao hơn khi được xây dựng để trở thành một phần của phát triển đô thị. Các khu công nghiệp hướng tới việc thu hút những lao động có trình độ tay nghề, tạo dựng môi trường làm việc, khu vực mua sắm, sinh hoạt an toàn cho công nhân và nhân viên trong khu công nghiệp.

Mô hình trung tâm dịch vụ đa năng được Frasers Property Vietnam triển khai tại các dự án công nghiệp của mình là ví dụ của mô hình tích hợp các cơ sở vật chất cần thiết và cao cấp để đáp ứng các dịch vụ hậu cần như: không gian phòng họp, không gian thư giãn, không gian sinh hoạt cho công nhân viên và các khu vực nội khu phục vụ cho nhu cầu ăn uống cũng như các cửa hàng tiện lợi cho tiện ích cơ bản.

Giai đoạn 3 của khu công nghiệp mang đến tổ hợp đa dạng và năng động gồm chuỗi cơ sở vật chất công nghiệp bao quát cũng như dịch vụ an sinh như giáo dục, y tế, khách sạn, giải trí và công nghệ thông tin. Không gian khu công nghiệp ở giai đoạn này thường được ví như thành phố công nghiệp và thu hút lao động có chất lượng tay nghề cao. Việc thực thi tiêu chuẩn xanh hóa khu công nghiệp là điều tất yếu ở giai đoạn này để mang đến môi trường sống và làm việc an toàn, bền vững không chỉ cho người lao động mà còn cho mọi thế hệ gia đình sinh sống, làm việc, học tập và nghỉ ngơi...

Các không gian công nghiệp này được kiến tạo dựa trên các yếu tố bền vững chuẩn mực, thể hiện ngay từ bước thiết kế, chọn nguyên vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, tận dụng không gian chiếu sáng tự nhiên tối ưu để giảm hiệu suất điện sử dụng cho doanh nghiệp. Không gian công nghiệp được kiến tạo để có thể truyền cảm hứng, xây dựng một cộng đồng cởi mở, năng động và kích thích sự sáng tạo. Đây cũng là tiền đề cho giai đoạn 4 - khu công nghiệp đô thị vệ tinh thông minh, thực hành nhân tố bền vững.

Từ thực tế địa phương, ông Lê Hữu Phúc, Phó Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế Quảng Ninh thông tin: Quảng Ninh hiện có 9 khu công nghiệp, các khu công nghiệp của Quảng Ninh chủ yếu là dự án FDI. Thực tiễn dự án của FDI chủ yếu ở khu công nghiệp, trong khi đó thu hút FDI ở khu kinh tế, còn thấp với rào cản đặc biệt là về vấn đề pháp lý. thể chế chính sách liên quan tới khu công nghiệp, khu kinh tế cần được xây dựng ở ngưỡng cao hơn.

Bởi hiện nay mới ở mức Nghị định, do đó, cần ban hành Luật về khu công nghiệp, khu kinh tế để tạo hành lang pháp lý. Toàn bộ quy trình quy hoạch khu công nghiệp, khu kinh tế hiện rải rác ở các Luật chuyên ngành, khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Tại sự kiện, hầu hết các diễn giả đều có chung nhận định, còn rất nhiều khó khăn, thách thức về nguồn vốn và tài chính để phát triển khu công nghiệp, chưa nói đến đó là khu công nghiệp bền vững. Vì thế, các khu công nghiệp cần tập trung phát triển theo giai đoạn cuốn chiếu, việc đầu tư một cách đồng bộ toàn bộ hệ thống các phân khu chức năng. Riêng hệ thống xử lý nước thải, hệ thống hoàn thiện điện nước thì cần nguồn vốn lớn nên phải đầu tư ngay từ ban đầu nên không thể thiếu tư duy quy hoạch tổng thể.

Ngọc Quỳnh

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/kien-tao-mo-hinh-cong-nghiep-do-thi-ve-tinh-thong-minh/328128.html