Kiến tạo thể chế và hành động phát triển thành phố di sản cố đô sở hữu danh hiệu UNESCO

Ngày 20/6, tại Ninh Bình, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình tổ chức hội thảo khoa học 'Quản lý và phát triển thành phố di sản Cố đô sở hữu danh hiệu UNESCO - Nhận thức lý luận, kiến tạo thể chế và hành động địa phương'.

Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Tới dự có đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình; đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam; cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các cơ quan Trung ương, các vị khách quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc cho biết, Ninh Bình đang phấn đấu trở thành cực tăng trưởng các tỉnh phía nam đồng bằng sông Hồng, hướng tới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương văn minh, hiện đại, thông minh, có bản sắc riêng, ngang tầm các đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo trên thế giới.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc cho biết, Ninh Bình đang phấn đấu trở thành cực tăng trưởng các tỉnh phía nam đồng bằng sông Hồng, hướng tới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương văn minh, hiện đại, thông minh, có bản sắc riêng, ngang tầm các đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo trên thế giới.

Khai mạc hội thảo, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình mong muốn các đại biểu quan tâm, cho ý kiến về một số nội dung trọng tâm như: Làm rõ những vấn đề lý luận về đô thị di sản với xu hướng tôn trọng đa dạng hóa loại hình đô thị; xây dựng thương hiệu địa phương; phát triển du lịch, kinh tế di sản, công nghiệp văn hóa, tăng trưởng xanh; gia tăng sức mạnh mềm, hội nhập vào mạng lưới đô thị di sản trong nước và quốc tế.

Đồng thời, các đại biểu xác định trách nhiệm của các chủ thể trong việc bảo tồn, phục dựng và phát huy tiềm năng di sản, giữ gìn và nâng tầm đô thị di sản, phát triển nhanh, bền vững dựa trên giá trị văn hóa-sinh thái-nhân văn; định hướng phát triển và những giải pháp để quản lý, phát triển đô thị di sản nói chung và tại Ninh Bình nói riêng, tập trung phát huy các giá trị độc đáo, tiềm năng, lợi thế riêng có, xây dựng hình mẫu kết hợp giữa bảo tồn, phục dựng và phát triển kinh tế di sản, thúc đẩy tăng trưởng xanh; kiến nghị cơ chế, chính sách phát triển đô thị di sản ở Việt Nam nói chung và Ninh Bình nói riêng…

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương phát biểu tại Hội thảo.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, qua hơn 35 năm tham gia Công ước về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới, đến nay Việt Nam đã có 9 di sản thế giới được UNESCO công nhận. Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành, địa phương luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với các di sản thế giới để các di sản này ngày càng khẳng định vai trò, vị trí quan trọng, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội, tạo sinh kế cho cộng đồng nơi có di sản, góp phần cân bằng, bảo vệ môi trường, củng cố hòa bình và an ninh theo hướng phát triển bền vững cho Việt Nam và thế giới.

Đồng chí nhấn mạnh, hội thảo là cơ hội để góp thêm tiếng nói, kinh nghiệm, trí tuệ của các nhà khoa học, nhà quản lý không chỉ của Việt Nam mà còn cả cộng đồng quốc tế cho công tác quản lý bảo tồn di sản UNESCO, với mục tiêu kết nối các thành phố sở hữu di sản thế giới ở Việt Nam với các thành phố di sản.

Đồng chí Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam báo cáo đề dẫn hội thảo.

Đồng chí Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam báo cáo đề dẫn hội thảo.

Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho biết, là quốc gia có lịch sử phát triển lâu đời, trong nhiều năm qua, các giá trị văn hóa, lịch sử trong đô thị Việt Nam đã và đang được thực hiện bảo tồn một cách đồng bộ. Tuy nhiên, nhiều loại hình quy hoạch ở các cấp độ khác nhau đã được lập với mục tiêu bảo tồn, nhưng còn thiếu đồng bộ và hiệu lực pháp lý còn hạn chế.

Đối với quy hoạch xây dựng đô thị, trên phạm vi toàn quốc, hầu hết các thành phố, thị xã, thị trấn đã và đang được lập nhưng mới chú trọng và tập trung vào mục đích phục vụ quản lý đầu tư xây dựng phát triển đô thị, còn các tiêu chí đánh giá, nhận diện và bảo tồn các giá trị văn hóa lịch sử mới chỉ được nêu chung chung, trong khi để các đô thị có bản sắc thì điều này cần phải được xem là các tiêu chí quan trọng, tạo lập nét riêng biệt cho từng đô thị.

Vì vậy, quy hoạch đối với một khu di sản mang tính chất đặc thù, đòi hỏi phương pháp tiếp cận mới, tích hợp các chức năng trong quá trình quy hoạch để chuyển hóa năng lực di sản thành động lực tăng trưởng mới.

Với những ý kiến chuyên sâu, khách quan, đa chiều, kinh nghiệm, tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận vào 4 chuyên đề: Quản lý và phát triển thành phố di sản Cố đô sở hữu danh hiệu UNESCO; nhận thức lý luận; kiến tạo thể chế; hành động địa phương.

Thông qua hội thảo, nhằm xác định rõ những quan điểm, định hướng chung, từ đó thúc đẩy việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù trong công tác quy hoạch và quản lý đô thị để các đô thị di sản giữ được bản sắc, không xung đột với những giá trị của di sản cố đô trong quá trình hiện đại hóa; đồng thời đáp ứng yêu cầu phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị vốn có.

Đồng thời, đây sẽ là những định hướng để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình và các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu áp dụng vào thực tiễn, từ đó khơi mở ra cho các đô thị di sản ở Việt Nam những bước đi rõ ràng, vững chắc.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/kien-tao-the-che-va-hanh-dong-phat-trien-thanh-pho-di-san-co-do-so-huu-danh-hieu-unesco-post815318.html