Kiến tạo tương lai vững chắc cho Kiểm toán nhà nước

Nhân kỷ niệm 31 năm thành lập Kiểm toán nhà nước (11/7/1994 - 11/7/2025), GS,TS. Đoàn Xuân Tiên - nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước - đã có cuộc trao đổi với Báo Kiểm toán, chia sẻ những bài học kinh nghiệm và gợi mở chiến lược giúp Kiểm toán nhà nước (KTNN) tạo dựng nền tảng vững chắc cho một tương lai 'bắt kịp thế giới, đi cùng thời đại', đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

GS,TS. Đoàn Xuân Tiên - nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, Chủ tịch Hiệp hội Kiểm toán và Kế toán Việt Nam

GS,TS. Đoàn Xuân Tiên - nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, Chủ tịch Hiệp hội Kiểm toán và Kế toán Việt Nam

Thưa ông! Là người từng trực tiếp tham gia hoạch định các chiến lược, kế hoạch quan trọng của Ngành và vẫn luôn dõi theo hoạt động kiểm toán dù đã nghỉ hưu, ông đánh giá như thế nào về chặng đường 31 năm xây dựng, phát triển của KTNN?

Nhìn lại chặng đường 31 năm (1994-2025), có thể khẳng định KTNN đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nổi bật là việc hoàn thiện cơ sở pháp lý - từ Hiến pháp, Luật KTNN đến hệ thống chuẩn mực kiểm toán ngày càng tiệm cận quốc tế, đồng thời phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Nội dung và phạm vi kiểm toán không ngừng được mở rộng, từ kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách của các Bộ, ngành, địa phương đến kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề, kiểm toán công nghệ thông tin, môi trường - từng bước tiếp cận xu hướng “kiểm toán xanh”.

Chất lượng báo cáo kiểm toán ngày càng được nâng cao. 31 năm qua, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 760.000 tỷ đồng, kiến nghị sửa đổi hơn 2.300 văn bản pháp luật không phù hợp, góp phần kịp thời khắc phục những “lỗ hổng” cơ chế, chính sách, phòng ngừa thất thoát, lãng phí, nâng cao kỷ luật, kỷ cương tài chính và hoàn thiện thể chế.

KTNN cũng đã liên tục đổi mới phương pháp kiểm toán, ứng dụng công nghệ giúp phát hiện gian lận nhanh và chính xác. Năng lực kiểm toán viên được nâng cao thông qua đào tạo liên tục, sẵn sàng đối mặt với những thách thức mới. Hợp tác quốc tế mở rộng không chỉ nâng cao uy tín mà còn giúp KTNN cập nhật và chia sẻ thông tin chuyên môn hiệu quả.

Xây dựng văn hóa khuyến khích đổi mới, cải tiến liên tục quy trình và hoạt động kiểm toán sẽ tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của KTNN.

Sự đồng thuận của các cấp, sự phối hợp của các bên liên quan, cùng với việc đề ra mục tiêu rõ ràng nhưng linh hoạt là những bài học thiết yếu cho thành công. Việc duy trì văn hóa cải tiến liên tục và công tác theo dõi, đánh giá thường xuyên sẽ là định hướng chiến lược cho sự phát triển lâu dài của KTNN.

Từ những kết quả và bài học đó, theo ông, đâu là những định hướng chiến lược quan trọng mà KTNN cần ưu tiên trong giai đoạn tới, nhất là khi xây dựng Chiến lược phát triển đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2045?

Việc xây dựng Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2045 là cần thiết để KTNN nâng cao hiệu quả, tính chuyên nghiệp và thích ứng với sự biến động nhanh của môi trường kinh tế, công nghệ. Chiến lược phải thể chế hóa đầy đủ và toàn diện các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển KTNN; bảo đảm phù hợp với mô hình chính quyền mới và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên giàu mạnh, hùng cường. Chiến lược không chỉ chú trọng tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản lý tài chính, tài sản công mà còn hướng đến cập nhật và tiệm cận đầy đủ các chuẩn mực kiểm toán quốc tế (ISSAI).

Chiến lược cần tiếp tục phát huy các giá trị cốt lõi của KTNN: “Kỷ cương - Liêm chính - Chuyên nghiệp - Chất lượng - Hội nhập” cùng phương châm hành động “Không ngừng gia tăng giá trị”. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao xuyên suốt quy trình kiểm toán - từ lập kế hoạch, thực hiện kiểm toán đến lập báo cáo và theo dõi thực hiện kiến nghị - sẽ giúp tăng hiệu suất, độ chính xác và năng lực hoạt động.

Đặc biệt, cần chú trọng đào tạo đội ngũ kiểm toán viên, cập nhật kỹ năng về quản lý tài chính và công nghệ. Đẩy mạnh kiểm toán xanh, đánh giá các tiêu chí phát triển bền vững theo chuẩn ESG (môi trường, xã hội, quản trị) để KTNN thể hiện trách nhiệm xã hội và đóng góp cho tăng trưởng bền vững.

KTNN cũng cần mở rộng và nâng tầm hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm, nâng cao năng lực chuyên môn; tiếp tục công khai báo cáo kiểm toán, đảm bảo khả năng tiếp cận của công chúng nhằm tăng cường niềm tin từ Quốc hội, Chính phủ và người dân.

Theo ông, để trở thành cơ quan kiểm toán công hiện đại, chuyên nghiệp, tiệm cận chuẩn mực quốc tế, KTNN cần chú trọng những nền tảng nào?

Trước hết là cần xây dựng một khung pháp lý đồng bộ, hiện đại, minh bạch, tiệm cận thông lệ quốc tế, đảm bảo tính minh bạch và tăng cường trách nhiệm giải trình.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn của kiểm toán viên thông qua các chương trình chuyên sâu, cập nhật kiến thức và kỹ năng mới. Đầu tư vào công nghệ tiên tiến như phân tích dữ liệu lớn (DLL), trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ giúp nâng cao độ chính xác và hiệu quả trong kiểm toán. Đồng thời, cần áp dụng các chuẩn mực kiểm toán quốc tế (ISSAI), cải tiến quy trình làm việc để bảo đảm chất lượng kiểm toán đạt mức cao nhất.

Cấu trúc tổ chức cần linh hoạt để thích ứng với các biến động kinh tế - xã hội. Mở rộng hợp tác quốc tế để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm cũng là một trụ cột cần thiết.

Trong bối cảnh dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo đang tác động mạnh mẽ tới quản lý tài chính công, KTNN cần thay đổi ra sao để thích ứng hiệu quả, thưa ông?

KTNN cần chuyển đổi từ tư duy kiểm toán truyền thống sang kiểm toán dựa trên rủi ro, kiểm toán dựa trên dữ liệu. Việc phân tích dữ liệu lớn giúp nhận diện rủi ro và gian lận, từ đó đưa ra khuyến nghị sát thực tế hơn.

Cần tích hợp tư duy đổi mới, khuyến khích sáng tạo và linh hoạt trong áp dụng phương pháp kiểm toán mới. Về chuyên môn, nên phát triển phương pháp kiểm toán dựa trên dữ liệu lớn để thu thập, xử lý và phân tích thông tin chính xác; triển khai kiểm toán tự động giúp giảm khối lượng công việc thủ công, tăng độ chính xác. Đầu tư vào công nghệ AI, học máy (ML) sẽ giúp phân tích lượng lớn dữ liệu, từ đó nâng cao hiệu quả kiểm toán.

Cùng với đó, mô hình tổ chức cần được thiết kế lại theo hướng linh hoạt, khuyến khích làm việc nhóm và chia sẻ thông tin. Thành lập các nhóm chuyên biệt về CNTT và phân tích dữ liệu lớn nhằm hỗ trợ tốt hơn cho hoạt động kiểm toán. Cuối cùng, cần liên tục đào tạo đội ngũ về CNTT, AI, DLL để đảm bảo kiểm toán viên có đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết trong kỷ nguyên số.

Ông kỳ vọng gì ở thế hệ kế cận trong việc tiếp nối và hiện thực hóa các mục tiêu dài hạn của KTNN?

Tôi kỳ vọng thế hệ kế cận sẽ mang lại tư duy đổi mới, sáng tạo với những cách tiếp cận mới mẻ, dũng cảm tiếp cận và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ như AI, dữ liệu lớn để cải tiến quy trình kiểm toán, nâng cao hiệu quả, chất lượng công việc.

Họ cần duy trì tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, đảm bảo tính minh bạch, chính xác trong công việc. Đồng thời, tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế để học hỏi, chia sẻ kiến thức và nâng cao năng lực toàn diện.

Nếu chọn một bài học cốt lõi từ quá trình công tác của mình để chia sẻ với thế hệ kế cận, ông sẽ nhấn mạnh điều gì?

Bài học cốt lõi mà tôi muốn chia sẻ là: “Sự kiên trì và linh hoạt là chìa khóa của thành công”. Trong quá trình công tác, tôi nhận thấy không phải lúc nào mọi việc cũng diễn ra như kế hoạch. Kiên trì sẽ giúp vượt qua khó khăn, còn linh hoạt sẽ giúp ta điều chỉnh, thích ứng với những thay đổi bất ngờ. Tôi mong rằng thế hệ kế cận sẽ ghi nhớ bài học này và nỗ lực hết mình để hiện thực hóa các mục tiêu dài hạn của KTNN.

Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

THÙY ANH (thực hiện)

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/kien-tao-tuong-lai-vung-chac-cho-kiem-toan-nha-nuoc-41495.html