Ứng dụng AI: doanh nghiệp nên bắt đầu từ đâu để không bị bỏ lỡ?
Dù mang lại nhiều lợi ích trong sản xuất và kinh doanh, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về chi phí và nguồn lực, đòi hỏi doanh nghiệp có chiến lược rõ ràng và đầu tư phù hợp, đặc biệt là với các doanh nghiệp nhỏ.

Aeon ứng dụng AI cho nhiều hoạt động kinh doanh.
Tối ưu hóa sản xuất - kinh doanh
Việc áp dụng AI (trí tuệ nhân tạo) không còn là tầm nhìn tương lai nữa; đó là thực tế hiện tại với tiềm năng cách mạng hóa mọi khía cạnh hoạt động, từ tiếp thị và dịch vụ khách hàng đến sản xuất, phát triển sản phẩm và hậu cần… Những doanh nghiệp nắm bắt sớm đã nhìn thấy kết quả rõ rệt, thúc đẩy tăng trưởng và hiệu quả hoạt động.
Trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh, AI mang lại lợi ích không thể phủ nhận. Thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào nhân lực truyền thống, doanh nghiệp có thể tự động hóa các hoạt động phức tạp, nâng cao hiệu quả và giảm thiểu rủi ro.
Chẳng hạn, tại thương hiệu thời trang The Bad God, nhờ AI Agent hỗ trợ, số lượng video sáng tạo tăng từ 5-6 video/ngày lên đến 200-300 video, đồng thời duy trì chất lượng tiêu chuẩn. Điều này giúp doanh nghiệp tiến xa hơn về mặt sáng tạo và vận hành.
Trong hệ sinh thái của Lê Thành, AI hoạt động như một "nhân viên ảo" - AI worker - tự động giới thiệu sản phẩm, tư vấn khách hàng, xử lý đơn hàng và cả các dịch vụ hậu cần. Ví dụ tại chuỗi mỹ phẩm AB Beauty World, AI tự giới thiệu, hỏi khách về sở thích, ngân sách và gợi ý sản phẩm phù hợp, rồi chuyển thông tin đến bộ phận giao hàng khi khách chốt đơn. Trong ngành khách sạn, AI còn kết nối nhiều AI nhỏ hơn để tư vấn đặt phòng, hỗ trợ đa ngôn ngữ, giúp doanh nghiệp mở rộng quy mô mà không cần tăng nhân sự.
CEO Lê Hữu Nghĩa kỳ vọng ứng dụng AI giúp Lê Thành mở rộng quy mô. "Hiện chúng tôi bán khoảng 1.500 đơn hàng/tháng và tư vấn 5.000 khách hàng, tỷ lệ chốt đơn đạt 30%. Để đạt 10.000 đơn hàng, cần tư vấn 30.000-50.000 khách, điều không thể với nhân lực truyền thống. Vì vậy, chúng tôi đã triển khai AI để tự động hóa toàn bộ quy trình tư vấn và phản hồi khách hàng”.
Trong lĩnh vực xử lý đơn hàng tự động, ông Hà Thân, CEO Tin học Lạc Việt, cho biết: “Chúng tôi đã giảm thời gian xử lý từ 4 giờ xuống còn 2 phút cho mỗi đơn hàng, với chi phí chỉ 1.000 đồng. Với 20.000 đơn hàng mỗi tháng, chi phí giảm đáng kể, đồng thời giảm thiểu sai sót, nâng cao hiệu quả doanh thu hàng nghìn tỉ đồng của khách hàng là tập đoàn thực phẩm Nhật Bản”.
Aeon Vietnam cũng ứng dụng AI để nâng cao trải nghiệm khách hàng và tối ưu hóa vận hành, từ dự báo nhu cầu, quản lý tồn kho, tự động hóa quy trình nội bộ, đến cá nhân hóa marketing.
"Đáng chú ý, trong tuyển dụng, AI tự động phân tích hồ sơ, đối chiếu yêu cầu, đề xuất ứng viên phù hợp, giúp rút ngắn thời gian và nâng cao chính xác, đồng thời khai thác dữ liệu nội bộ để phát hiện nhân tài tiềm năng", bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ, Giám đốc cấp cao khối chiến lược nguồn nhân lực, thương hiệu Aeon Vietnam nói.
Các doanh nghiệp sản xuất như Kềm Nghĩa đẩy mạnh chuyển đổi số bằng AI, từ phân tích dữ liệu, xây dựng đề án đến quản trị và sản xuất thông minh. Hệ thống ERP giúp tự động hóa quản lý doanh thu, ngân sách, hiệu suất bộ phận; nhà máy thông minh theo dõi hiệu suất theo thời gian thực, tối ưu chi phí và tăng năng suất, với sản lượng tăng từ 26.000 lên 34.000 sản phẩm/ngày.
Có công ty dịch thuật đang giảm 70% nhân sự, công ty sách tiết kiệm 30% chi phí biên tập, các ngân hàng đóng cửa nhiều phòng giao dịch, phòng ban chăm sóc khách hàng.
Cần lộ trình ứng dụng phù hợp
Bên cạnh những lợi ích, việc ứng dụng AI đang đối mặt với không ít thách thức đáng kể, khiến nhiều doanh nghiệp phải xem xét lại chiến lược và phương pháp tiếp cận để tận dụng tối đa tiềm năng này.
Nhiều doanh nghiệp dù chi nhiều tiền đầu tư công nghệ AI, nhưng lại thiếu nhân lực đủ trình độ để vận hành, đào tạo và kiểm soát hệ thống. Chẳng hạn, Công ty Lê Thành đã mất hơn 2 năm để phát triển hệ thống AI gồm 5 nền tảng lớn, tích hợp khoảng 50 AI nhỏ, phục vụ các quy trình từ tư vấn, tạo đơn hàng đến giao nhận và hậu kiểm. Tuy nhiên, kết quả không như mong đợi.

Nhiều doanh nghiệp ứng dụng AI trong sản xuất. Ảnh: LH
Ông Nghĩa thừa nhận AI gặp nhiều lỗi trong giao tiếp do hiểu sai ngôn ngữ địa phương, viết tắt hoặc chính tả sai. Một lần, khách hàng hỏi giá phòng nhưng viết “gái”, AI hiểu thành “gái” và phản hồi “khách sạn em không cung cấp gái”, gây hiểu lầm và mất khách.
Những phản hồi sai này dẫn tới doanh thu giảm mạnh, thậm chí có thời điểm sụt tới một nửa. Điều này cho thấy, AI dù thông minh đến đâu cũng cần sự giám sát, kiểm tra của con người, đặc biệt trong giai đoạn ban đầu.
Ngoài ra, để AI vận hành hiệu quả, doanh nghiệp phải có dữ liệu chất lượng. Đối với các doanh nghiệp sản xuất như Rạng Đông, dữ liệu là yếu tố then chốt để hệ thống máy móc “nói chuyện” và truyền dữ liệu liên thông. Tuy nhiên, việc này gặp phải nhiều khó khăn, đặc biệt khi hệ thống máy móc có nguồn gốc, xuất xứ và thế hệ khác nhau, gây ra các rào cản trong trao đổi dữ liệu.
Thêm vào đó, chi phí đầu tư hạ tầng công nghệ hiện quá cao, đặc biệt từ các nhà cung cấp nước ngoài, khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa không đủ khả năng đầu tư.
Chuyên gia Hà Thân cũng cho biết chi phí xây dựng hạ tầng riêng cho AI có thể lên tới hàng trăm triệu hoặc vài tỉ đồng. Đối với các doanh nghiệp nhỏ, điều này là quá tải.
Giải pháp được ông đề xuất là sử dụng các dịch vụ AI công cộng, dạng cho thuê, giúp giảm thiểu chi phí đáng kể mà vẫn đảm bảo an toàn, bảo mật. Ví dụ, các doanh nghiệp có thể bắt đầu bằng chatbot AI để giao tiếp, hỏi đáp khách hàng 24/7, thay thế nhân viên trực tổng đài. Chi phí cho một chatbot này chỉ từ 500.000 đến 800.000 đồng/tháng, là mức đầu tư phù hợp cho doanh nghiệp nhỏ.
"Việc sử dụng chatbot không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí nhân sự mà còn nâng cao trải nghiệm khách hàng, thu thập dữ liệu, chốt đơn hàng và phục vụ khách hàng mọi lúc mọi nơi", ông nói. Khi đã quen với công nghệ và nhận thấy hiệu quả rõ ràng, doanh nghiệp có thể mở rộng lên các giải pháp phức tạp hơn như xử lý văn bản, phân tích video hoặc dữ liệu lớn. Đây là bước đi phù hợp để từng bước tích hợp AI vào hoạt động kinh doanh, không gây áp lực lớn về đầu tư ban đầu.
Tuy nhiên, để AI thực sự phát huy hiệu quả, các chuyên gia khuyên doanh nghiệp cần tiếp cận theo hướng “AI cộng” hơn là “AI thay thế”. Điều này có nghĩa là AI nên hỗ trợ con người, không thay thế hoàn toàn nhân sự, mà giúp nâng cao năng suất, giảm thiểu sai sót và tối ưu hóa quy trình.
Ông Trần Mạnh Huy, CEO Rainscales, lưu ý doanh nghiệp cần có khả năng kiểm soát dữ liệu của chính mình để tránh rủi ro bị mất quyền truy cập hoặc bị khóa dữ liệu, gây tổn thất nặng nề.
Theo các chuyên gia, AI không thể thay thế con người hoàn toàn, nhưng có thể hỗ trợ nâng cao hiệu suất và tiết kiệm chi phí qua tự động hóa.
Để thành công, doanh nghiệp cần có phần mềm tốt, hiểu rõ công nghệ và quy trình để “dạy” AI đúng cách, đồng thời tái định hình tổ chức và phát triển kỹ năng phân tích dữ liệu, tư duy chiến lược và khả năng thích nghi của nhân viên. "Muốn AI làm việc hiệu quả, phải có quy trình rõ ràng, đào tạo phù hợp và luôn có con người kiểm tra cuối cùng", ông Nghĩa nói.