Kiến Thụy nỗ lực tạo diện mạo nông thôn ngày càng giàu đẹp, văn minh
Đầu năm 2023, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng hồ hởi đón bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM).
Bằng sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, cũng như sự đồng thuận của nhân dân, sau gần 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, huyện Kiến Thụy gặt hái được những thành tựu quan trọng.
Về đích xây dựng nông thôn mới
Tại lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Kiến Thụy đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) ngày 10/1, ông Đỗ Đức Hòa, Bí thư Huyện ủy Kiến Thụy cho biết, sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, huyện Kiến Thụy đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: đến tháng 6/2020, có 17/17 xã đạt chuẩn NTM; năm 2020 huyện đạt 9/9 tiêu chí huyện NTM; diện mạo nông thôn Kiến Thụy thay đổi rõ rệt, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông; kinh tế nông thôn phát triển khá với nhiều mô hình và hình thức tổ chức sản xuất tiến bộ, hiệu quả.
Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, điều kiện sống được đảm bảo hơn, thu nhập bình quân của người dân tăng cao, người dân nông thôn ngày càng được hưởng thụ nhiều hơn các tiện ích, dịch vụ công và được chăm lo cuộc sống ngày càng tốt hơn.
Về an ninh chính trị, trật tự xã hội đảm bảo, xã hội bình yên, đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành ngày càng trưởng thành và có trách nhiệm hơn với nhân dân.
Trong sản xuất, huyện Kiến Thụy tích cực thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, tăng khả năng cạnh tranh nông sản, bảo vệ môi trường, sinh thái và nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn.
Đồng thời, đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản trên cả nước và hướng đến xuất khẩu.
Bên cạnh đó, chương trình giảm nghèo được lãnh đạo huyện quan tâm tập trung vào việc dạy nghề và bổ túc nghề cho các lao động thuộc hộ nghèo, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội quản lý tốt nguồn vốn vay quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm thường xuyên cho lao động có thu nhập ổn định, giúp các hộ nghèo có phương tiện, tư liệu sản xuất để thoát nghèo.
Cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện là 0,33% (158 hộ). UBND huyện đã tập trung chỉ đạo triển khai hỗ trợ xây, sửa nhà ở cho hộ nghèo, hộ người có công với cách mạng; triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ hộ nghèo để năm 2021 huyện Kiến Thụy không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 toàn huyện đạt 50,93 triệu đồng/người/năm, gấp 2,86 lần so với năm 2011. Tính đến hết tháng 12/2020, huyện Kiến Thụy không có nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM.
Sau khi Chương trình xây dựng NTM cơ bản hoàn thành, TP. Hải Phòng bắt đầu thực hiện NTM kiểu mẫu và chọn Thụy Hương (Kiến Thụy) là xã thí điểm xây dựng xã NTM kiểu mẫu; năm 2021, thực hiện tại 2 xã.
Năm 2022, tiếp tục triển khai thêm ở 4 xã Tân Trào, Minh Tân, Đại Đồng, Đại Hà. Tại 4 xã này, tiến hành khởi công xây dựng 36/64 tuyến đường giao thông, cơ bản hoàn thành đưa vào sử dụng trong tháng 1/2023.
Huyện Kiến Thụy đã lập hồ sơ đề nghị công nhận 2 xã NTM kiểu mẫu, 2 xã NTM nâng cao; 11 xã còn lại triển khai rà soát mức độ hoàn thành các tiêu chí xã NTM kiểu mẫu và đề xuất danh mục công trình, kinh phí đầu tư xây dựng NTM kiểu mẫu năm 2023 và giai đoạn 2021-2025.
Tổng nguồn vốn TP. Hải Phòng đầu tư cho 6 xã của huyện là hơn 730 tỷ đổng với 107 công trình, tập trung đầu tư ở 5 lĩnh vực, gồm giao thông, trường học, y tế, môi trường và văn hóa.
Diện mạo nông thôn ngày càng giàu đẹp, văn minh
Tiếp tục xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu, huyện Kiến Thụy xác định một số chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025 là: Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 2%/năm; Thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nội bộ ngành Nông nghiệp, trong đó, trồng trọt chiếm 21,4%, chăn nuôi chiếm 29,18%, thủy sản chiếm 47,9%; Giá trị trên 1 đơn vị diện tích đạt 250 triệu đồng/ha/năm, tỷ lệ diện tích trồng trọt được ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao đạt trên 50%.
NTM kiểu mẫu gắn với tái cơ cấu nông nghiệp là mục tiêu và định hướng phát triển đã được huyện Kiến Thụy đề ra trong Kế hoạch tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình xây dựng NTM kiểu mẫu của TP. Hải Phòng giai đoạn 2021-2025 và giao cho các ngành, các địa phương trên địa bàn huyện tổ chức triển khai thực hiện, đạt hiệu quả thiết thực.
Để thực hiện mục tiêu trên, huyện Kiến Thụy tập trung tích tụ ruộng đất để xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, vùng sản xuất công nghệ cao và phát triển sản phẩm chủ lực. Đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa theo hướng duy trì diện tích đất chuyên trồng lúa khoảng 2.000-2.500 ha.
Diện tích còn lại chuyển đổi sang trồng cây hằng năm, cây lâu năm ứng dụng công nghệ cao tại các xã Tú Sơn, Thụy Hương, Đại Hà. Đến nay, trên địa bàn huyện đã quy hoạch được 37 vùng lúa chất lượng cao, 4 vùng sản xuất rau, 6 vùng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.
Về lĩnh vực chăn nuôi, huyện Kiến Thụy quy hoạch, phát triển các vùng chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp, khép kín, bảo vệ môi trường ở các vùng xa khu dân cư tại các xã Tú Sơn, Tân Phong, Ngũ Đoan. Từng bước hạn chế, tiến tới dừng việc chăn nuôi trong khu dân cư, chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường.
Đồng thời, huyện sẽ phát triển chăn nuôi lợn giống cao sản theo hướng trang trại công nghiệp, ứng dụng công nghệ quản lý, hệ thống giết mổ công nghiệp hiện đại, đảm bảo an toàn dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với vùng chăn nuôi tập trung. Về đàn gia cầm, huyện sẽ tiến hành đầu tư, cải tạo giống chất lượng, phát triển các giống gia cầm bản địa có hiệu quả kinh tế cao như gà Liên Minh, Đông Tảo, Đông Tảo lai, gà Ri lai, gà siêu trứng...
Nhằm mở rộng các vùng nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch, Kiến Thụy sẽ tiến hành rà soát toàn bộ diện tích đất trồng lúa sâu trũng, năng suất kém hiệu quả để chuyển sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng các loài cá truyền thống.
Bên cạnh đó, tăng cường khai thác thủy sản xa bờ bằng tàu đánh cá được trang bị các thiết bị hiện đại để tiến tới cơ giới hóa, hiện đại hóa các khâu. Tăng cường ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo quản, chế biến sản phẩm ngay trên tàu, thuyền nhằm nâng cao chất lượng hải sản.
Với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện cũng đã tích cực hỗ trợ các chủ thể thành lập các mô hình kinh tế tập thể theo chuỗi giá trị, xây dựng và quản lý nhãn hiệu nông sản, nhất là các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.
Trong giai đoạn tiếp theo, Kiến Thụy tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, chế biến trên địa bàn huyện.
Tin tưởng rằng, với cách làm, hướng đi đúng đắn, cùng tinh thần đoàn kết trên dưới một lòng, chính quyền và người dân huyện Kiến Thụy sẽ tạo ra diện mạo nông thôn ngày càng giàu đẹp, văn minh.