Kiện toàn nhân sự, bảo đảm chế độ, chính sách khi sáp nhập thôn, tổ dân phố

Việc triển khai sáp nhập thôn, tổ dân phố theo Nghị quyết số 93/NQ-HĐND ngày 11/12/2024 của HĐND tỉnh Bắc Kạn đang được các địa phương khẩn trương thực hiện. Trong đó, việc kiện toàn nhân sự, bảo đảm chế độ, chính sách cho cán bộ không chuyên trách dôi dư và hạ tầng thiết yếu khi các thôn về chung 'một nhà' là nhiệm vụ đang được quan tâm.

 Xã Yên Phong (Chợ Đồn) vừa tổ chức Lễ công bố thành lập thôn Đon Mạ (sáp nhập giữa thôn Đon Mạ và Bản Quăng) theo Nghị quyết của HĐND tỉnh.

Xã Yên Phong (Chợ Đồn) vừa tổ chức Lễ công bố thành lập thôn Đon Mạ (sáp nhập giữa thôn Đon Mạ và Bản Quăng) theo Nghị quyết của HĐND tỉnh.

Khẩn trương thực hiện sáp nhập

Theo Nghị quyết số 93/NQ-HĐND ngày 11/12/2024 của HĐND tỉnh (sau đây gọi tắt là Nghị quyết), xã Côn Minh sẽ tiến hành sáp nhập 13 thôn để thành lập 05 thôn mới (riêng thôn Lùng Pảng không sáp nhập vì vị trí địa lý cách xa các thôn lân cận). Như vậy, sau sáp nhập Côn Minh chỉ còn 06 thôn với dân số hơn 2.600 người.

Ông Sằm Văn Thường, Chủ tịch UBND xã Côn Minh cho biết: Sau khi Nghị quyết của HĐND tỉnh được ban hành và nhận được Hướng dẫn số 865 của UBND tỉnh, cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung cao độ cho nhiệm vụ sắp xếp, sáp nhập thôn. Bởi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, hoàn thành sớm sẽ góp phần ổn định tổ chức, bộ máy ở cơ sở, tạo thuận lợi cho việc chuẩn bị đại hội Đảng ở các chi bộ thôn, cũng như công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các thôn mới thành lập (do sáp nhập).

So với các địa phương khác, Na Rì là huyện phải tiến hành sáp nhập nhiều thôn, tổ dân phố nhất trên địa bàn tỉnh, với 176 thôn, tổ dân phố sáp nhập thành 74 thôn, tổ dân phố mới. Nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về chủ trương sáp nhập các thôn, tổ dân phố chưa đạt chuẩn, huyện Na Rì chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức quán triệt, phổ biến đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân về nội dung của Nghị quyết. Đồng thời, yêu cầu UBND cấp xã tổ chức kiện toàn tổ chức, nhân sự hoạt động ở thôn, tổ dân phố mới xong trước ngày 17/01/2025.

Ông Nguyễn Ngọc Cương, Chủ tịch UBND Na Rì cho hay: Song song với công tác tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện đúng hướng dẫn của cấp trên về thời gian, trình tự, nguyên tắc sáp nhập, đổi tên thôn, tổ dân phố.

 UBND cấp xã tổ chức kiện toàn tổ chức, nhân sự hoạt động ở thôn, tổ dân phố mới xong trước ngày 17/01/2025. Ảnh: Lễ công bố thành lập thôn Pác Toong, xã Yên Phong (Chợ Đồn).

UBND cấp xã tổ chức kiện toàn tổ chức, nhân sự hoạt động ở thôn, tổ dân phố mới xong trước ngày 17/01/2025. Ảnh: Lễ công bố thành lập thôn Pác Toong, xã Yên Phong (Chợ Đồn).

Các mốc thời gian triển khai thực hiện sắp xếp, sáp nhập, đổi tên thôn, tổ dân phố theo Nghị quyết đã được chỉ rõ: UBND cấp xã tổ chức kiện toàn tổ chức, nhân sự hoạt động ở thôn, tổ dân phố mới xong trước ngày 17/01/2025. UBND cấp huyện chỉ đạo, đôn đốc UBND cấp xã thực hiện; tổng hợp báo cáo kết quả về UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) trước ngày 23/01/2025. Sở Nội vụ tổng hợp kết quả chung toàn tỉnh và tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo Thường trực Tỉnh ủy và Thường trực HĐND tỉnh trước ngày 10/02/2025. Thời gian thực hiện gấp rút, lại trùng thời điểm cuối năm và trước thềm tổ chức đại hội chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, do vậy đòi hỏi các địa phương cần khẩn trương, trách nhiệm cao.

Bảo đảm chế độ, chính sách sau sáp nhập

 Sau sáp nhập, Nhà Văn hóa của tổ dân phố số 5 (ghép giữa tổ dân phố số 5 và 6) phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn cần được nâng cấp, mở rộng mới đủ chỗ ngồi cho 154 hộ dân.

Sau sáp nhập, Nhà Văn hóa của tổ dân phố số 5 (ghép giữa tổ dân phố số 5 và 6) phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn cần được nâng cấp, mở rộng mới đủ chỗ ngồi cho 154 hộ dân.

Thực hiện sắp xếp, sáp nhập 670 thôn, tổ dân phố thành 317 thôn, tổ dân phố sẽ giúp tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đội ngũ cán bộ không chuyên trách, người trực tiếp hoạt động tại các thôn trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, quá trình sáp nhập sẽ có những khó khăn, phức tạp về bảo đảm cơ sở vật chất hạ tầng, kiện toàn các chức danh, cũng như giải quyết chế độ, chính sách cán bộ dôi dư.

Trước hết là các địa phương phải giải quyết bài toán “thừa – thiếu” nhà văn hóa thôn. Bởi đa số các thôn trong diện sáp nhập đã có nhà văn hóa nhưng khi gộp 2-3 thôn, tổ dân phố để thành lập thôn, tổ dân phố mới thì lại không nhiều nhà văn hóa đủ rộng để bảo đảm hoạt động chung. Vì thế, một mặt cần phải bố trí nguồn lực để xây dựng mới, hoặc cải tạo mở rộng nhà văn hóa, mặt khác phải quản lý, sử dụng các nhà văn hóa dư thừa sau sáp nhập sao cho hiệu quả.

Theo ông Hà Kim Oanh, Chủ tịch UBND huyện Bạch Thông: Đối với bài toán nhà văn hóa thôn sau sáp nhập, huyện Bạch Thông sẽ bám sát hướng dẫn số 865 của UBND tỉnh và các văn bản của ngành chuyên môn. Các thôn, tổ dân phố mới thành lập đã có nhà họp thôn được xây dựng kiên cố, đủ diện tích bảo đảm cho việc họp thôn, tổ dân phố thì bố trí sử dụng, nhà họp thôn còn lại có thể chuyển công năng thành nơi tổ chức các hoạt động khác. Trường hợp các nhà họp thôn, tổ dân phố cũ không đủ về diện tích, cơ sở vật chất xuống cấp thì UBND cấp xã khảo sát hiện trạng và báo cáo UBND cấp huyện xem xét đầu tư kinh phí để sửa chữa, cải tạo cho phù hợp với thực tế sử dụng. Các thôn, tổ dân phố mới thành lập mà chưa có nhà họp thôn thì trước mắt việc tổ chức họp thôn vẫn duy trì thực hiện tại các điểm trước đây tổ chức họp. UBND cấp xã thống kê số lượng nhà họp thôn, tổ dân phố cần đầu tư xây dựng, báo cáo UBND cấp huyện trước ngày 23/01/2025 để xem xét, đầu tư cho phù hợp với thực tế nhu cầu sử dụng và theo quy định.

Ông Lý Ngọc Việt, người dân thôn Khu Chợ, xã Trần Phú (Na Rì) bày tỏ: “Tôi nghĩ chủ trương sáp nhập các thôn, tổ dân phố không đạt tiêu chuẩn về dân số của tỉnh là cần thiết và đúng đắn. Nhưng sau sáp nhập việc kiện toàn các chức danh cần làm cho chặt chẽ, khoa học và quan trọng là phải tìm được người có năng lực, tâm huyết với quê hương”.

Ý kiến của ông Việt cũng là nguyện vọng chung của người dân ở các thôn, tổ dân phố sẽ sáp nhập. Bởi khi đồng thuận với chủ trương sáp nhập, bà con gửi gắm niềm tin vào đội ngũ cán bộ thôn. Cùng với kiện toàn chức danh thì chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ không chuyên trách, người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố dôi dư sau sáp nhập cũng là vấn đề được quan tâm. Về nội dung này, cơ quan chuyên môn đã tham mưu cho tỉnh để có hướng giải quyết “hợp tình, hợp lý”. Theo đó, việc chi trả phụ cấp, hỗ trợ cho những người đang đảm nhiệm các chức danh ở thôn, tổ dân phố cũ được thực hiện đến khi có quyết định cho thôi đảm nhiệm các chức danh đó. Trường hợp quyết định cho thôi đảm nhiệm các chức danh ở thôn, tổ dân phố từ ngày 16 đến ngày 30 của tháng đó thì những người đảm nhiệm các chức danh ở thôn, tổ dân phố cũ được chi trả phụ cấp của tháng đó. Nếu quyết định cho thôi đảm nhiệm các chức danh ở thôn, tổ dân phố từ ngày 01 đến ngày 15 thì được hưởng 1/2 tháng phụ cấp, mức hỗ trợ hiện hưởng của tháng đó. Đi cùng với đó, cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị ở địa phương cũng cần làm tốt công tác tư tưởng, động viên, ghi nhận những đóng góp của đội ngũ cán bộ không chuyên trách, người trực tiếp tham gia công tác ở thôn thôi đảm nhiệm chức danh sau sáp nhập.

Đồng chí Vũ Văn Yên, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Xuất phát từ yêu cầu của hệ thống hành chính cấp xã nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý chính quyền cấp xã phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của tỉnh. Việc sáp nhập không chỉ nhằm tinh gọn, giảm bớt ngân sách nhà nước mà còn góp phần tạo thêm lực cho các địa phương phát triển trong thời gian tới./.

Xuân Nghiệp

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/kien-toan-nhan-su-bao-dam-che-do-chinh-sach-khi-sap-nhap-thon-to-dan-pho-post68420.html