Kiên trì Bắc phạt là nước cờ sai của Gia Cát Lượng?

Những tổn thất mà Thục Hán phải đối mặt sau một loạt các chiến dịch tấn công Tào Ngụy là vô cùng lớn.

Đánh giá về con người Gia Cát Lượng, hậu thế nhận định ông là người "cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi". Tám từ ngắn ngủi này đủ để khiến người đời thấy được cả đời Gia Cát Lượng là một thần tử nghiêm túc với trách nhiệm, tuân thủ bổn phận.

Hoàng đế Càn Long (Trung Quốc) từng bình luận về ông như sau: "Gia Cát Khổng Minh là nhân vật hàng đầu sau thời tam đại (ba nhà Hạ, Thương, Chu), để nói về cuộc đời ông, chỉ có thể dùng hai chữ công trung. Công chính vô ngã, trung thành vô tư, vô ngã vô tư, chí khí trong sạch thanh cao."

Trong thời kỳ Tam Quốc anh hùng lớp lớp xuất hiện, Gia Cát Lượng đặt mình trong nấc thang hàng đầu, trong suốt thời gian hàng ngàn năm qua, không có sự "công trung" của ai có thể đem ra đặt ngang hàng với ông, người ta thấy nhiều hơn vẫn là những quyền thần nhân lúc vua mới còn nhỏ tuổi cướp quyền đoạt ngôi.

Tiếp nhận sự phó thác của Lưu Bị

Năm xưa Quan Vũ thua chạy về Mạch Thành, Lưu Bị bất chấp sự phản đối của Gia Cát Lượng và quần thần, khăng khăng muốn báo thù cho Quan Vũ. Lưu Bị đích thân dẫn quân sang phía Đông thảo phạt Tôn Ngô, đáng tiếc bị đánh bại trên đường giành lại Kinh Châu, phải rút lui về Vĩnh An.

Năm sau, Lưu Bị ốm nặng, tự biết thời gian của mình không còn dài, cho nên đã triệu Gia Cát Lượng tới Vĩnh An để căn dặn hậu sự.

Thật ra Gia Cát Lượng toàn toàn có năng lực lên làm quân chủ, chẳng qua ông có muốn làm hay không. Hiển nhiên trong lòng Lưu Bị cũng biết rõ điều này, hơn nữa ông còn biết rằng Gia Cát Lượng sẽ không đoạt quyền cướp ngôi.

Thế nhưng Lưu Bị là người quá mức cẩn thận, ông vẫn dặn dò Gia Cát Lượng một câu, ''Quân tài thập bội Tào Phi, tất năng an quốc, chung định đại sự. Nhược tự tử khả phụ, phụ chi; như kỳ bất tài, quân khả tự thủ.''

Ý nghĩa của câu trên là: Chỉ tiên sinh mới có thể chặn được Tào Phi, chắc chắn ổn định được đất nước, cuối cùng làm nên việc lớn; nếu như Lưu Thiện là đứa trẻ có thể dạy dỗ được, vậy thì hãy phò tá nó, nếu nó là tấm "gỗ mục", vậy thì tiên sinh có thể thay thế nó.

Câu nói này nghe qua thì có vẻ như Lưu Bị để Gia Cát Lượng được tự mình lựa chọn, thực tế là khiến Gia Cát Lượng nhận thì sẽ hổ thẹn khi mà tiên chủ yên tâm và tín nhiệm ông tới vậy.

Gia Cát Lượng cả đời là một thần tử hiền minh, sau này chắc chắn sẽ dốc hết sức mình phò tá Lưu Thiện, cho dù Lưu Thiện là một kẻ khó mà nâng đỡ nổi.

Thực tế chứng minh quả thật cũng như vậy, sau khi Lưu Bị gửi gắm con côi tại thành Bạch Đế, để không phụ sự kỳ vọng của tiên chủ, Gia Cát Lượng đã thề phải khiến nước Thục được có chỗ đứng ở Trung Nguyên, thực hiện thống nhất thiên hạ.

Trước tiên, Gia Cát Lượng bình định những cánh quân phản loạn nổi lên khắp nơi sau cái chết của Lưu Bị, sau đó lại rầm rộ dẫn quân đánh xuống phía Nam, đi sâu vào những vùng đất cằn cỗi để thảo phạt Ung Khải, Mạnh Hoạch.

Gia Cát Lượng áp dụng gợi ý của Mã Tắc, lấy tâm lý chiến làm chính, đầu tiên đánh bại quân Ung Khải, sau đó bắt rồi lại thả Mạnh Hoạch tới bảy lần để thu phục, tới mùa thu thì dẹp yên được mọi bất ổn.

Như vậy nước Thục có được nguồn tài nguyên lớn, nghỉ ngơi lấy sức thêm được vài năm, tăng cường sức mạnh quân đội. Tất cả những điều ấy đều nằm trong kế hoạch của Gia Cát Lượng. Ông vẫn luôn chờ đợi thời cơ để Bắc phạt Tào Ngụy.

Vì cái chết của Lưu Bị, cục diện chân vạc Tam Quốc trên thực tế đã trở thành thế đối đầu giữa chính quyền Tôn Ngô và Tào Ngụy, điều này mới khiến họ thả lỏng cảnh giác đối với Thục Hán hơn.

Năm 226, Tào Phi qua đời vì bệnh tật, Tào Duệ nối ngôi. Lúc này Ngụy Diên có ý định xuất quân thảo phạt, nhưng kế hoạch tác chiến vẫn chưa thể thống nhất.

Sau khi Gia Cát Lượng nghe được chuyện xảy ra ở triều đình Tào Ngụy, ông đã nhạy bén nhận ra cần phải nắm bắt được thời cơ trước mắt này, nhân lúc quân bị của Tào Ngụy ở những nơi như Quan Trung, Lũng Tây đang lỏng lẻo, còn quân Thục đã tập trung được một phần sức mạnh, quyết định Bắc phạt Tào Ngụy.

Tiến hành Bắc phạt (Lục xuất Kỳ Sơn)

Năm 228, "Xuất sư biểu " lưu truyền ngàn năm đã ra đời, từ đó Gia Cát Lượng đã bắt đầu kế hoạch lâu dài Bắc phạt. Lần Bắc phạt đầu tiên, Triệu Vân và Gia Cát Lượng chia ra tác chiến, lần lượt giành lại được những quận như Thiên Thủy, Nam An, An Định, đánh cho quân Tào thua tan tác. Trong chốc lát, Quan Trung rung chuyển, quân Thục thu được thành quả lớn. Nhưng tình hình trên chiến trường thay đổi chỉ trong chớp mắt, Mã Tắc để mất Nhai Đình, Triệu Vân ra quân bất lợi, Gia Cát Lượng dẫn quân rút về Hán Trung.

Lần Bắc phạt thứ nhất, giai đoạn đầu mọi thứ suôn sẻ, nhưng nhanh chóng bị Tào Ngụy xoay chuyển tình thế, mấu chốt nằm ở việc Mã Tắc đánh mất Nhai Đình, ba vạn đại quân do ông dẫn đầu bị tổn thất nghiêm trọng, chỉ còn lại vài ngàn người, con đường vận chuyển lương thảo của quân đội Thục Hán bị chặt đứt.

Ngoài ra còn cả ở một vạn đại quân của Cao Tường thành Liệt Liễu, cánh quân phối hợp tác chiến từ bên trong của Ngụy Diên, những tổn thất này cộng vào phải vượt quá năm vạn.

Gia Cát Lượng dẫn theo có tổng cộng hai mươi vạn quân, cuối cùng quay về chỉ còn một nửa.

Không lâu sau, ba quận Thiên Thủy, Nam An, An Định lại phản Hán theo Ngụy. Mùa đông cùng năm đó, Gia Cát Lượng Bắc phạt lần thứ hai, nhân thời cơ Lục Tốn đánh bại Tào Hưu ở Thạch Đình, đi qua Tán Quan, bao vây Trần Thương.

Đáng tiếc, hơn hai mươi ngày vẫn chưa đánh hạ được, quân chi viện của phe Tào cũng đã tới, Gia Cát Lượng đành phải rút lui về Hán Trung.

Năm sau, Thục Hán tiến hành Bắc phạt lần thứ ba. Lần này đánh chiếm được hai quận Vũ Đô và Âm Bình, còn đập tan được quân cứu viện của nước Ngụy.

Nhân lúc tình hình đang có lợi cho Thục Hán, Gia Cát Lượng rút quân, quay trở về kinh đô, tăng cường phòng thủ để chống lại sự tấn công của quân Ngụy.

Năm 231, lần Bắc phạt thứ tư, quân Thục bao vây Kỳ Sơn, chuẩn bị quyết chiến với thống soái Tư Mã Ý của quân Ngụy, nhưng Tư Mã Ý đóng cửa thành không chịu ra, với ý đồ tiêu hao hết lương thảo của quân Thục, nhờ đó ép đại quân của Gia Cát Lượng phải rút lui, còn tung tin về nước Thục rằng Gia Cát Lượng đã xưng đế, Gia Cát Lượng đành phải thu quân quay về triều đình.

Lần thứ năm rời Kỳ Sơn, Gia Cát Lượng chỉ huy mười vạn đại quân đóng quân tại gò Ngũ Trượng, trong lần xuất chinh này, Gia Cát Lượng vất vả lâu ngày đã khiến trong người sinh bệnh, bệnh tình ngày càng nghiêm trọng, cuối cùng qua đời tại gò Ngũ Trượng.

Mọi người thường được nghe rằng Gia Cát Lượng "Lục xuất Kỳ Sơn", thực tế chỉ có năm lần Bắc phạt, thật sự rời Kỳ Sơn chỉ có hai lần, còn một lần là quân Ngụy tấn công Hán Trung, Gia Cát Lượng phản đòn lại, thế nên mới có cách nói "Lục xuất Kỳ Sơn".

Năm lần Bắc phạt kể trên thua nhiều thắng ít, giáng những đòn nặng nề lên nước Thục. Ngũ hổ tướng của phe Thục Hán chỉ còn lại một người, Triệu Vân cũng qua đời vì bệnh tật, Mã Tắc đã bị Gia Cát Lượng chém đầu, và cả hai đại tướng là Trương Hưu và Lý Thịnh, tổng cộng tổn thất mười một tướng lĩnh trong quân đội, tướng lĩnh tầm trung thậm chí tổn thất lên tới hơn bảy mươi người, nhân tài gom góp nhiều năm về cơ bản đều dùng hết sạch.

Từ đó về sau, Thục Hán không còn có cơ hội giành thắng lợi nữa.

Theo PV/ Pháp luật và Bạn đọc

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/kien-tri-bac-phat-la-nuoc-co-sai-cua-gia-cat-luong-1540414.html