Kiên trì xây dựng 'phòng tuyến' của Đảng ở biên giới (bài 3)

...Tính đảng nằm ngay trên mâm cơm của người dân, trong cuộc sống cộng đồng dân cư. Nhìn nhận và soi rọi thực tiễn như thế để thấu hiểu chủ trương, đường lối của Đảng ta rất sinh động và hợp lòng dân.

Bài 3: Đảng viên tiên phong làm kinh tế hộ

“Mấy năm trước, vào mùa này đồng khô, cỏ cháy, thiếu nước uống, đàn trâu 80 con của nhà tôi ốm tong teo, phải tốn nhiều tiền mua thức ăn dự trữ. Năm nay, có nước thủy lợi về, trâu béo tròn, giá bán trâu cũng đang nhích lên, tôi mới bán một lần 7 con trâu lo việc nhà” - ông Hà Văn Hắng, thôn Lầu Nàng, xã Ia Lốp, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk xởi lởi cho biết.

Ông Hà Văn Hắng với đàn trâu của gia đình. Ảnh: Hải Luận

Ông Hà Văn Hắng với đàn trâu của gia đình. Ảnh: Hải Luận

Ông Hắng dẫn tôi ra xem đàn trâu sớm kẻo sợ nó đi ra đồng ăn, thấy gà, ngan nuôi rất nhiều, đàn heo thịt gần 10 con kêu éc éc đòi ăn. Ông Hắng nói tiếp: “Bà Lang Thị Luân là người trong thôn, tay trắng không có thứ gì làm vốn liếng. Năm 2020, tôi nói bà chịu khó nuôi trâu với nhà tôi, sẽ được chia phần trăm. Giữ lời hứa, vừa rồi chia cho bà ấy 5 con trâu làm tài sản riêng. Tôi căn dặn, bà có khó khăn gì có vợ chồng tôi lo liệu, tuyệt đối không được bán trâu, cứ để cho nó đẻ tăng đàn lên 10 con”.

Heo “đẻ” ra trâu

Câu chuyện về người đảng viên Hà Văn Hắng làm kinh tế và giúp bà con phát triển kinh tế có thể xếp vào hàng “kinh điển”. Năm 2004, cũng như mọi người dân xã Xuân Khao phải rời nơi chôn nhau cắt rốn của mình để nhường chỗ làm hồ thủy lợi Cửa Đạt (Thanh Hóa), ông Hắng vào vùng biên giới xã Ia Lốp theo diện tái định cư kinh tế mới. Ngày mới đặt chân đến vùng đất đầy khó khăn này, ông Hắng cũng giống như nhiều người có tâm tư: Quyết bám trụ tới cùng hay phải rời đi nơi khác?

Giai đoạn đầu, cả thôn Lầu Nàng rất nặng nề, trong nhà ngoài ngõ xầm xì bàn tán xoay quanh hai việc lớn: Ở lại lấy cái gì để sống, còn đi thì đi về đâu trong khi Nhà nước chỉ hỗ trợ 1 năm lương thực? Bước sang năm thứ 2, khó khăn vẫn không thay đổi, thậm chí còn chồng chất hơn. Lãnh đạo xã Xuân Khao (cũ) gửi công văn hỏa tốc (đóng dấu xã cũ) về tỉnh Thanh Hóa xin hỗ trợ thêm 1 năm lương thực.

“Trời chuyển sang mùa mưa, tôi làm đất trỉa ngô, đậu, nhằm giải quyết nguồn lương thực trước mắt. Thu hoạch vụ đầu tiên cũng chẳng được bao nhiêu. Gia đình tôi phải vô cùng tiết kiệm mới dành dụm được 400.000 đồng. Với số tiền ít ỏi này, tôi nhảy xe đò ra huyện Ea Súp mua 2 con heo giống về nuôi. Sau gần nửa năm, cố gắng nhặt nhạnh rau chuối ngoài rừng cho ăn, cặp heo cũng xuất chuồng bán được 2,5 triệu đồng” - ông Hắng nói về lúc khó khăn.

Chủ yếu lấy công làm lãi, coi như lợi nhuận tăng 4 lần, đảng viên Hà Văn Hắng (dân tộc Mường) tính chuyện “làm ăn lớn”, ra chợ huyện mua thêm 4 con heo giống, trong đó, 3 con heo nái sinh sản. Một năm sau, heo mẹ đẻ ra 42 con: “Nhiều người trong thôn thấy tôi chăn nuôi được, có ý định làm theo, nhưng khổ nỗi kiếm cái ăn hằng ngày còn chưa đủ, lấy cái gì mua heo giống về nuôi. Bằng tình làng nghĩa xóm và trách nhiệm của người đảng viên, tôi giúp họ bằng cách cho mượn giống heo con về nuôi đến khi nào xuất chuồng bán có được đồng lãi, trả vốn ban đầu cho tôi. Nhờ đó, nhiều hộ đã có được “vốn mồi” ban đầu, cứ thế phát triển lên”.

Suốt 4 năm cần mẫn với “đàn ủn ỉn”, năm 2008, ông Hắng quyết định “đa dạng hóa” chuồng trại chăn nuôi, trích từ tiền bán heo để mua một trâu giống sinh sản. “Tôi thường hay nói với mọi người, kinh tế gia đình tôi phát triển như ngày hôm nay là nhờ con heo “đẻ” ra trâu. Từ 2 con heo giống, sau bao vất vả nhọc nhằn, thậm chí nhiều năm tôi không có được giấc ngủ trưa, làm quần quật từ sáng sớm đến khi xóm làng đã yên giấc ngủ. Gây dựng cơ đồ với căn nhà kiên cố khang trang và đàn trâu 80 con trên vùng đất nhiều người ở không nổi. Với đặc tính sinh học của con trâu chỉ thích nghi vùng đất chiêm trũng, thời tiết mát mẻ, trong khi xã Ia Lốp giống như “đất chết”, thời tiết lúc nào cũng nóng như chảo rang. Người chăn nuôi trâu có ý chí kiên cường, lòng quyết tâm cao mới có thể vượt muôn vàn trở ngại” - ông Hắng đúc kết vấn đề.

Đàn bò của Thiếu tá Từ Văn Sương cho người dân hợp tác chăn nuôi. Ảnh: Hải Luận

Đàn bò của Thiếu tá Từ Văn Sương cho người dân hợp tác chăn nuôi. Ảnh: Hải Luận

Tính đảng nằm ngay trên mâm cơm

Trên tư cách là Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Lầu Nàng, ông Hà Văn Hắng không chỉ là người hoạt bát, dễ gần, hiền lành, mà còn là người tiên phong trong phát triển kinh tế. “Tôi lăn xả ra làm kinh tế trước hết là cho gia đình mình. Cả thôn ai cũng nhìn thấy vợ chồng tôi phải thức khuya, dậy sớm, chịu đựng mọi điều trớ trêu như thế nào rồi. Từ đó, chân tôi đi vận động, miệng tôi nói ra “sức mạnh”, nhiều người trong thôn thấy hiệu quả thật, rồi bắt chước học tập làm theo. Kết quả, thôn Lầu Nàng đã có nhiều gia đình heo “đẻ” ra trâu, ra nhà như tôi. Đơn cử như con gái của tôi, cháu Hà Thị Hiểu khi lập gia đình chỉ được bố mẹ cho cặp trâu làm giống. Vậy mà học tập bố, vợ chồng cần cù chăn nuôi, đến nay cũng đã có đàn trâu 25 con” - ông Hắng chia sẻ về vai trò của người đảng viên trong cộng đồng dân cư.

Cùng “xuất phát điểm” như ông Hắng, ở thôn Lầu Nàng còn có ông Hà Văn Tự, Hà Văn Ót... là những đảng viên, nông dân làm kinh tế giỏi, đang sở hữu đàn trâu trên dưới 50 con. Đây đều là những tấm gương sáng để mọi người dân học tập, làm theo.

Ông Hà Văn Thanh, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Ia Lốp nói có chút “lý luận” thực tiễn: “Lúc tôi còn làm Bí thư Đảng ủy xã, thường xuyên trao đổi với cấp ủy, Chi bộ thôn Lầu Nàng, phải tập trung phát triển đảng viên mới ở những nông dân trẻ chú tâm làm ăn. Đây là những hạt nhân lãnh đạo, tập hợp sức mạnh đoàn kết trên mọi phong trào sản xuất, chăn nuôi, xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới. Điều đó đã thành hiện thực ở thôn Lầu Nàng, đảng viên gương mẫu làm kinh tế, nhân tố không thể thiếu trên con đường xây dựng và phát triển vùng đất mới Ia Lốp. Tính đảng nằm ngay trên mâm cơm của người dân, trong cuộc sống cộng đồng dân cư. Nhìn nhận và soi rọi thực tiễn như thế để thấu hiểu chủ trương, đường lối của Đảng ta rất sinh động và hợp lòng dân”.

Lính Biên phòng giúp dân nuôi bò

Sự tiên phong gương mẫu của người cán bộ đảng viên được thể hiện đậm nét từ những quân nhân Đồn Biên phòng Ea H’leo, BĐBP Đắk Lắk. Năm 2018, Thiếu tá, đảng viên Từ Văn Sương được chỉ huy Đồn Biên phòng Ea H’leo cử xuống làm nhân viên Đội Vận động quần chúng tại địa bàn xã Ia Lốp. “Thấy dân khổ quá, tôi đã bỏ tiền túi ra mua 11 con bò giống, chia ra cho 2 hộ dân chăn nuôi. Đến nay, đàn bò đã phát triển lên 37 con. Với kết quả khả quan như thế này, tôi dự định sẽ nhân rộng mô hình này ra cho nhiều gia đình chăn nuôi, nhằm tận dụng lợi thế phát triển chăn nuôi bò ở xã Ia Lốp. Hy vọng thời gian tới sẽ ra nhiều đàn bò hơn” - Thiếu tá Từ Văn Sương chia sẻ.

Bài 4: Hương vị đặc biệt ở vùng đất khắc nghiệt

Hải Luận - Thái Kim Nga

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/kien-tri-xay-dung-phong-tuyen-cua-dang-o-bien-gioi-bai-3-post477247.html