Kiến trúc xanh giảm áp lực môi trường đô thị
Bằng sự sáng tạo trong sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường, tái chế và linh hoạt trong ngôn ngữ thiết kế, nhiều công trình xây dựng góp phần giảm áp lực của môi trường đô thị.
Đối phó với nắng nóng, biến đổi khí hậu
Triển lãm nghệ thuật công cộng độc đáo được thiết kế từ vật liệu tái chế, giấy dó thủ công và kết cấu thép diễn ra dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5/2025 tại Vườn hoa Diên Hồng (quận Hoàn Kiếm) đã thu hút đông đảo kiến trúc sư, nhà thiết kế cũng như công chúng yêu nghệ thuật và sáng tạo. Triển lãm giới thiệu đến công chúng 30 thiết kế nhà ở, nội thất, công trình xanh tiêu biểu năm 2024 phản ánh sự phong phú trong ngôn ngữ thiết kế và sự lan tỏa mạnh mẽ của tư duy sáng tạo, bền vững trong cộng đồng kiến trúc sư Việt.

Công trình "Hải đăng trong lòng phố".
Đơn cử, dự án cải tạo “Hải Đăng trong lòng phố” ở Hà Nội của KTS An Việt Dũng và KTS An Thanh Nhàn đã tập trung vào việc tạo ra môi trường sống hài hòa cho gia đình 3 thế hệ ở Hà Nội. Kiến trúc sư đã đưa ra các giải pháp cải tạo phù hợp với yêu cầu chức năng của gia đình và khi hậu khu vực, đồng thời tận dụng các vật liệu địa phương để tạo nét đặc biệt.
Đầu tiên, nhóm giữ lại cấu trúc của ngôi nhà hiện tại và tối ưu hóa không gian đệm, nhấn mạnh vào các khu vực sân vườn để kết hợp liền mạch với các không gian sinh hoạt của gia chủ. Cách tiếp cận này tạo ra sự kết hợp hài hòa giữa cuộc sống trong nhà và ngoài trời, đáp ứng mong múon của gia đình về không gian chung, kết nối.
Đặc biệt, yếu tố thời tiết, sử dụng vật liệu thân thiệt môi trường được nhóm tác giả đặc biệt quan tâm. Theo nhóm tác giả KTS An Việt Dũng và KTS An Thanh Nhàn, để đối phó với nhiệt độ mùa Hè oi bức đặc trưng của Hà Nội, nhóm đã sử dụng một lớp đá tự nhiên để giảm bức xạ nhiệt mặt trời. Các KTS cam kết khai thác đã tự nhiên sẵn có ở địa phương, loại đá thường sử dụng để lát ở Việt Nam. Điều này không chỉ đảm bảo an toàn mà còn cho phép ánh sáng mặt trời xuyên qua, tạo nên những hoa văn độc đáo, mang lại cách tiếp cận bền vững cho dự án cải tạo.
Một ví dụ điển hình khác của công trình kiến trúc thích ứng với điều kiện tự nhiên được giới thiệu tại triển lãm là “Office for Trees” của KTS Phạm Hữu Sơn, KTS Nguyễn Trường Kỳ, KTS Phan Quý. Thiết kế công trình tại vùng đất Hội An (tỉnh Quảng Nam), các kiến trúc sư đã cố gắng giữ nguyên bản chất khu đất ngay từ đầu và nâng nó lên để giải quyết các vấn đề về thời tiết. Cụ thể, vào mùa mưa, một phần nước mưa sẽ được giữ lại trên khu vườn tầng hai, phần còn lại sẽ chảy xuống các thảm thực vật bên dưới. Vào mùa khô, thảm thực vật phía trên và xung quanh ngôi nhà sẽ hoạt động như một máy điều hòa không khí tự nhiên. Theo nhóm tác giả, với phương pháp này, ngôi nhà nhìn từ trên cao xuống được phủ 30% vật liệu là tranh sen; 70% diện tích còn lại được phủ bởi các loại rau, cây ăn quả nhiệt đới, hoa và thảm quả. Từ đó, công trình đem đến một giải pháp hiệu quả về sử dụng năng lượng, giải quyết được các vấn đề thoát nước đô thị.
Những vật liệu từng bị loại bỏ, khi được tái sinh, không còn là rác thải mà trở thành chất liệu cho sự suy ngẫm. Những người làm kiến trúc cần đối diện với hậu quả của lối sống tiêu thụ và chủ động tìm kiếm những hướng đi bền vững hơn cho môi trường sống".
KTS Vương Đạo Hoàng
KTS Hoàng Thúc Hào - Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam nhận định, điểm nổi bật của các công trình tham gia hạng mục nhà ở năm nay chính là sự linh hoạt và sáng tạo trong thiết kế. Nhiều công trình đã khéo léo lồng ghép những giải pháp như mở rộng hiên nhà, tạo sân trong, đưa cây xanh lên các tầng cao góp phần xóa nhòa cảm giác chật chội, giảm áp lực của môi trường đô thị. Việc sử dụng vật liệu bản địa, thô mộc không chỉ tôn vinh giá trị văn hóa mà còn tạo ra sự kết nối hài hòa giữa con người và không gian sống. Chính những yếu tố này đã giúp các công trình năm nay trở nên khác biệt, giàu bản sắc và có giá trị thực tiễn cao.
Hướng đi bền vững
Không chỉ có các công trình đơn lẻ, nhiều thiết kế xây dựng thân thiện môi trường đã được các kiến trúc sư ứng dụng ở những công trình lớn. Đơn cử “Hill stay Villa” tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội) được thiết kế triệt để theo hướng kiến trúc ưa sinh học. Các vật liệu tự nhiên như tre, cói và đã rối được sử dụng để tạo cảm giác thân thiện với môi trường và giảm giá thành đầu tư. Điểm nhấn về công nghệ là hệ thống pin mặt trời được lắp trên mái một số công trình phụ trợ, theo tính toán, hệ thống này giúp giảm tải 1/3 tổng công suất điện năng tiêu thụ toàn dự án.

Thiết kế Hill stay Villa.
Lấy cảm hứng từ nhà sàn truyền thống, nhà cộng đồng Kỳ Thượng của nhóm KTS Nguyễn Văn Thu, KTS Nguyễn Minh Đức, KTS Phạm Ngọc Sơn được xây dựng tại xã vùng cao Kỳ Thượng (Quảng Ninh) nhằm phát triển du lịch và hỗ trợ người dân địa phương.
Trong một lần lên thăm quan, gặp gỡ và giao lưu với người dân Kỳ thượng, nhóm thiết kế đã rất ấn tượng với con người và cảnh vật nơi này, đặc biệt là những người thanh niên trẻ, họ rất có niềm tin, ý chí và quyết tâm mong muốn giúp bà con thoát nghèo, muốn làm gì đó cho quê hương. Các KTS đã cùng bàn bạc và đề xuất ý tưởng xây dựng một mô hình du lịch cộng đồng, giới thiệu văn hóa địa phương đến với những khách du lịch lên đây thăm quan và trải nghiệm.
Nhiệm vụ đầu tiên là xây dựng một ngôi nhà cộng đồng, do chính tay mọi người cùng góp sức xây dựng lên. Từ đó khái niệm về Nhà cộng đồng Kỳ Thượng ra đời. Ngôi nhà giống như một cái đình làng, hay một cái nhà văn hóa chung của thôn, nơi tụ họp, giao lưu của người dân trong thôn, cũng như khách du lịch khi đến đây ra. Công trình sử dụng vật liệu sẵn có như gỗ, đá suối, mái nhẹ do chính người dân tham gia xây dựng. Nhà có 2 tầng, tầng 1 mở để tiếp khách, tầng 2 kín để sinh hoạt. Từ khi hoàn thành (năm 2022) nơi đây trở thành điểm giao lưu văn hóa, thu hút du lịch và tạo sinh kế bền vững cho người dân bản địa.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/kien-truc-xanh-giam-ap-luc-moi-truong-do-thi.693550.html