Khi sáp nhập tỉnh, thành người dân có cần đổi sổ hồng?
Sau khi sáp nhập tỉnh hoặc thay đổi đơn vị hành chính, không bắt buộc người dân cần đăng ký biến động để cấp đổi sổ hồng đã cấp trừ một số trường hợp.
Theo Nghị quyết 60 của Trung ương 11 khóa XIII, cả nước sẽ còn 34 tỉnh, thành sau sáp nhập..
Khi sáp nhập, một số tỉnh, thành sẽ thay đổi địa giới hành chính, tên gọi. Một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm là sau khi sáp nhập thì người dân, tổ chức có cần đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (sổ hồng) hay không? Nếu không đổi thì sổ hồng hiện có còn giá trị pháp lý hay không?

Sau khi sáp nhập tỉnh hoặc thay đổi đơn vị hành chính, người dân không bắt buộc phải đăng ký biến động để cấp đổi sổ hồng đã cấp. Ảnh: NGUYỄN CHÂU
Giải đáp vấn đề này, ThS Ngô Gia Hoàng - Giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM cho biết sau khi các tỉnh, thành sáp nhập, người dân không bắt buộc phải đăng ký biến động để cấp đổi sổ hồng đã cấp, trừ khi có yêu cầu hoặc đang thực hiện các thủ tục hành chính liên quan như tách thửa, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cấp phép xây dựng... Việc sáp nhập đơn vị hành chính không làm thay đổi quyền sử dụng đất, vì vậy với sổ hồng đã cấp vẫn có giá trị pháp lý.
Cụ thể, theo Điều 133 Luật Đất đai 2024, khi có thay đổi về đất đai, người sử dụng đất sẽ đăng ký biến động (kê khai, nộp hồ sơ) để cập nhật thông tin vào hồ sơ địa chính và sổ hồng. Tuy nhiên, “thay đổi ranh giới, mốc giới, kích thước các cạnh, diện tích, số hiệu và địa chỉ của thửa đất” không yêu cầu bắt buộc phải đăng ký biến động và người dân không bị xử phạt nếu không thực hiện.
Bên cạnh đó, theo Công văn 991 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, sau khi sáp nhập đơn vị hành chính, không bắt buộc phải chỉnh lý đồng loạt Giấy chứng nhận, trừ khi người sử dụng đất có nhu cầu hoặc thực hiện đồng thời các thủ tục hành chính về đất đai.
Như vậy, nếu có nhu cầu, người sử dụng đất có thể yêu cầu cấp đổi sổ hồng hoặc xác nhận thay đổi trên sổ đã cấp. Trường hợp trên sổ hồng đã cấp không còn dòng trống để xác nhận thay đổi thì cấp mới để thể hiện thông tin của thửa đất sau khi thay đổi.
"Để tránh gây quá tải cho hệ thống và đảm bảo sự hiệu quả trong giải quyết thủ tục hành chính, người dân nếu chưa có nhu cầu thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai thì không cần thiết phải ồ ạt đi đăng ký. Các cơ quan chức năng cần thông báo công khai về việc không bắt buộc phải đổi sổ hồng sau khi sáp nhập, từ đó giúp người dân hiểu rõ và tránh đăng ký không cần thiết" - ThS Ngô Gia Hoàng nói.
Trường hợp cần thực hiện các thủ tục hành chính liên quan quan đến đất đai, khoản 6 Điều 18 Nghị định số 101/2024 cũng quy định khi người sử dụng đất có nhu cầu thực hiện đồng thời nhiều thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất thì các cơ quan liên quan có trách nhiệm phối hợp, liên thông giải quyết thay vì yêu cầu người dân thực hiện riêng lẻ từng thủ tục. Ví dụ như không được yêu cầu người dân phải cấp đổi lại sổ hồng trước rồi mới làm các thủ tục biến động khác.
Nguồn PLO: https://plo.vn/khi-sap-nhap-tinh-thanh-nguoi-dan-co-can-doi-so-hong-post847894.html