'Kiếp nạn thứ 82' của cây đu đủ: Thân muối chua kho cá cực tốn cơm
Quả, hoa hay lá đu đủ dùng làm thực phẩm, làm thuốc đã không còn xa lạ với nhiều người. Tuy nhiên, dùng phần thân, rễ cây đu đủ để làm món ăn thì chắc ít người biết đến.
Đã từ lâu, những món ăn được chế biến từ quả, lá, hoa đu đủ... được nhiều người biết đến và yêu thích. Thế nhưng, việc dùng phần lõi thân cây đu đủ để làm thực phẩm thì có lẽ không nhiều người biết tới.
Mới đây, chị Lê Tình (SN 1987, Hà Tĩnh) khiến cộng đồng người yêu thích trồng rau sạch tại nhà "tròn mắt" trước món ăn mà theo chị rất tốn cơm vào mùa đông. Đó là món gốc đu đủ muối chua.
Trao đổi với VietNamNet, chị Tình cho biết: "Tôi sinh ra và lớn lên ở Quảng Bình. Từ nhỏ tôi đã thấy ông bà, bố mẹ làm món này để ăn. Hương vị chua thanh, giòn ngon của gốc đu đủ muối chua rất đặc biệt, ngon hơn củ cải nhiều. Nếu ai không ăn được vị đắng của hoa và lá thì thân đu đủ muối là một lựa chọn tuyệt vời. Vì muối lên chỉ có ngon thôi, chẳng đắng tẹo nào".
Cách làm đu đủ muối chua cũng tương tự như làm các món muối rau củ khác. Nguyên liệu đơn giản dễ kiếm đó là phần thân gốc, rễ cây đu đủ và muối trắng.
Theo chị Tình, khi muối nên chọn phần rễ to và thân cây đu đủ đoạn gốc đặc, không nên lấy đoạn thân rỗng non phía trên. "Cây đu đủ càng già càng ngon, ăn phần đặc thịt sẽ ngon hơn phần thân rỗng phía trên", chị Tình bật mí.
Dùng dao gọt sạch lớp vỏ xơ cứng bên ngoài của thân, rễ cây đu đủ rồi cắt thành khoanh tròn. Mang phần lõi đi rửa sạch, cắt thành từng miếng vuông kích thước như bao diêm.
Tiếp theo, chị Tình trộn đu đủ cắt miếng với muối hạt, xếp vào chum/vại nén chặt xuống. Đun 1 nồi nước muối để nguội rồi đổ ngập chum. Đu đủ sau khi muối khoảng 7-10 ngày là có thể ăn được. Chị Tình làm theo công thức của "tổ tiên mách bảo" nên không có tỷ lệ muối và đu đủ cụ thể. Nhưng theo chị, lượng muối dùng sẽ nhiều hơn so với muối dưa cải, vì đu đủ cắt miếng dày khó ngấm hơn. "Nếu lỡ đổ muối quá tay bị mặn thì trước khi dùng đu đủ chế biến món ăn nên cắt lát rồi mang rửa qua nước là sẽ bớt mặn liền".
Thành phẩm đu đủ sau khi đã muối chua cứ để nguyên trong chum, vại cùng nước để ăn quanh năm. Do thân cây đu đủ lớn, lượng đu đủ mỗi lần muối khá nhiều, chị Tình mang chia cho hàng xóm, anh em họ hàng. Phần còn lại chị vớt ra, rửa sạch rồi cất tủ lạnh ăn dần.
"Đủ đủ muối chua dùng để kho cá , kho thịt, làm gỏi, xào… đều rất ngon. Nếu kho cá, tôi xếp vào nồi 1 lớp đu đủ cắt lát vừa ăn, 1 lớp thịt 3 chỉ, 1 lớp cá rồi lại thêm lớp đu đủ trên cùng. Sau đó cho gia vị vừa ăn, ớt, thêm nước xâm xấp rồi kho. Mùa đông lạnh mà có món đu đủ kho cá ăn tốn cơm lắm", chị Tình nói.
Bài chia sẻ về món đu đủ muối chua của chị Tình trên mạng xã hội nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng, hàng chục nghìn lượt xem bày tỏ cảm xúc, bình luận và chia sẻ.
Phần lớn mọi người đều tỏ ra bất ngờ trước món ăn độc đáo này. Có người bán tín bán nghi cho rằng chị Tình viết bài câu view, câu like. Tuy nhiên, có nhiều người chia sẻ tuổi thơ họ cũng từng được ông bà bố mẹ làm món đu đủ muối chua.
Tài khoản Nguyễn Khắc Sơn bình luận: "Gốc đu đủ muối kho với cá mắm ăn thì thủng nồi cơm nha mọi người. Nên thử ạ".
"Món ăn ngày xa xưa ấy. Bão về ngã hết cây, chặt chia mỗi người một khúc về xào, ăn cũng gần như ăn măng", tài khoản Thảo Lê bình luận.
"Món ăn tuổi thơ. Ngày xưa nhà có cây đu đủ. Năm 1989 bão lớn, cây đu đủ ngã. Trái lớn nhỏ thu được mang chia xóm mỗi nhà vài quả còn cây chia mỗi người một khúc. Nhớ lúc đó là mẹ cắt khoanh đem vùi vô bếp tro cả ngày xong đem rửa sạch rồi mới muối. Hồi đó kho ăn cơm mưa lụt nữa ôi chao ngon ơi là ngon nhưng lâu quá giờ quên mất vị rồi", tài khoản Trung Hoa chia sẻ.
"Em mới hỏi bố em xong. Bố bảo ngày xưa đu đủ đổ do bão là đến công chuyện. Thái mỏng phơi héo rồi ăn như măng khô ấy ạ", Hà An bình luận.
Nhiều người đùa vui: "Năm nay đúng là tam tai của cây đu đủ, từ hoa lá tới ngọn giờ là ăn luôn gốc. Kiếp nạn thứ 82 của đu đủ và gà năm nay đây mà".