Kiệt quệ vì tai nạn giao thông

Không chỉ là nỗi đau mất người thân, nỗi đau về thể xác, nhiều gia đình lâm vào cảnh túng quẫn, kiệt quệ vì tai nạn giao thông.

Bà Phạm Thị Yến ở xã Quang Trung (Tứ Kỳ) sống trong căn nhà cũ đã xuống cấp

Bà Phạm Thị Yến ở xã Quang Trung (Tứ Kỳ) sống trong căn nhà cũ đã xuống cấp

Mỗi lần nhìn lên di ảnh của chồng và con trai trên bàn thờ, bà Phạm Thị Yến, sinh năm 1958 ở thôn An Hưng, xã Quang Trung (Tứ Kỳ) lại khóc. Chỉ trong vòng 3 năm, bà Yến lần lượt mất đi hai người thân.

Cuộc đời của bà Yến vốn dĩ đã nhiều nước mắt, bà sinh được 2 con trai và 1 con gái. Người con trai cả là Vũ Văn Khải, sinh năm 1989, từ nhỏ đã có biểu hiện tâm thần không ổn định. Thỉnh thoảng lên cơn động kinh, anh Khải lại đập phá đồ đạc. Có lần anh Khải đốt nhà cháy hết cả đồ đạc. Người con gái đã đi xây dựng gia đình. Bao nhiêu hy vọng bà dồn vào người con trai thứ hai là Vũ Văn Khiêm, sinh năm 1993. Năm 2010, cả nhà vui mừng vì anh Khiêm được nhận vào làm tại 1 xưởng sửa chữa ô tô trên Hà Nội. Nhưng trớ trêu thay, đúng vào buổi tối trước ngày nhận việc, anh Khiêm bị tai nạn tử vong trên đường đi đón bạn ở Quý Cao. Nỗi đau chưa kịp nguôi ngoai, năm 2013, ông Vũ Văn Khôi, chồng của bà Yến lại bị ngã từ tầng 2 của bệnh viện xuống khi đang đi khám bệnh.

Cuộc sống vốn đã nghèo khó, tai ương lại liên tiếp ập xuống nên cái nghèo cứ đeo bám, bao nhiêu năm gia đình bà vẫn chưa thoát khỏi diện hộ nghèo. Hiện tại, cuộc sống của bà Yến chủ yếu trông vào mấy sào ruộng nhưng cũng bấp bênh. Ai thuê mướn gì bà làm đó, rồi tranh thủ ra đồng bắt cá, bắt ốc để trang trải cuộc sống của hai mẹ con.

Anh Phạm Khắc Thảo bị ảnh hưởng chất độc da cam sức khỏe yếu

Anh Phạm Khắc Thảo bị ảnh hưởng chất độc da cam sức khỏe yếu

Vụ tai nạn xảy ra vào ngày 1/1/2023 đã cướp đi người vợ của anh Nguyễn Khắc Thảo, sinh năm 1984 ở khu 2, thị trấn Gia Lộc. Hôm đó vợ anh là chị Nguyễn Thị Lan, sinh năm 1984 cùng em gái đi xe máy về quê ngoại ở xã Ứng Hòe (Ninh Giang). Khi đi trên quốc lộ 37 đoạn qua xã Hồng Hưng (Gia Lộc) thì bị một chiếc xe tải tông trúng, em gái chị Lan may mắn thoát chết nhưng chị Lan đã không qua khỏi.

Anh Thảo bị ảnh hưởng của chất độc da cam nên sức khỏe yếu, không thể đi lại bình thường. Năm 2005, anh tình cờ gặp gỡ và quen biết chị Lan. Vượt qua khó khăn, anh chị nên duyên chồng vợ và sinh được 2 người con, cháu lớn đang học lớp 10, cháu nhỏ học lớp 8. Cuộc sống dù còn khó khăn nhưng vợ chồng con cái yêu thương nhau. “Bố mẹ tôi là cựu thanh niên xung phong, bị ảnh hưởng chất độc da cam từ chiến trường. Bố tôi sức khỏe yếu nằm liệt một chỗ đã 8 năm nay. Vợ tôi một mình gánh vác, lo toan, chịu nhiều thiệt thòi, chỉ thương vợ đoản mệnh”, anh Thảo bần thần nói.

Chị Lan là trụ cột trong gia đình nên sau khi mất, gia đình anh Thảo lâm vào cảnh khó khăn chồng chất.

Vụ tai nạn đã khiến chị Vũ Thị Phượng ở Ninh Giang mất đi chân trái

Vụ tai nạn đã khiến chị Vũ Thị Phượng ở Ninh Giang mất đi chân trái

Mới trở về nhà sau gần 1 tháng điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), chị Vũ Thị Phượng, sinh năm 1984, ở xã Văn Hội (Ninh Giang) chưa hết những cơn đau. Vụ tai nạn vào chiều 19/10 vừa qua trên đường tỉnh 392B qua địa phận huyện Thanh Miện đã khiến chị Phượng mất đi chân trái. Tai nạn lần này khiến chị từ một người khỏe mạnh lành lặn bình thường trở thành thương tật, không thể đi lại bình thường. Với chị nỗi đau thể xác và cú sốc về tinh thần chưa thể nguôi ngoai.

Hạnh phúc đến muộn, chị Phượng kết hôn năm 30 tuổi với một người ở huyện Văn Lâm (Hưng Yên). Cứ tưởng tìm được bến đỗ nhưng may mắn không mỉm cười với chị Phượng. Cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc, chị ly hôn chồng. Năm 2020, chị Phượng đưa 2 con về ngoại, một mình nuôi 2 con nhỏ. Cháu lớn năm nay 6 tuổi, cháu nhỏ mới hơn 2 tuổi. Chị Phượng chạy đôn chạy đáo làm nhiều nghề, hết nhận sửa chữa quần áo may vá lại bán hàng trên mạng kiếm tiền nuôi các con. Ba mẹ con chị đang ở nhờ căn nhà của người em trai. Thương các con thiếu vắng tình thương của bố, chị cố gắng hết sức để bù đắp. Dù căn nhà của 3 mẹ con đơn sơ nhưng vẫn luôn có tiếng cười. Nhưng có lẽ tai nạn lần này gây ra cú sốc quá lớn. Dù được mọi người động viên "còn người còn của" nhưng kinh tế gia đình chị giờ càng khó khăn. Từ ngày chị Phượng nhập viện điều trị, gia đình chạy đôn chạy đáo khắp nơi, chi phí chạy chữa cũng đến cả trăm triệu. Chị Phượng không dám nghĩ đến cuộc sống tương lai rồi đây 3 mẹ con chị sẽ ra sao.

Các vụ tai nạn giao thông không chỉ gây ra những nỗi đau, nỗi ám ảnh khôn nguôi cả về thể xác và tinh thần, mà còn là những gánh nặng về vật chất khiến các gia đình lâm vào cảnh kiệt quệ.

HN

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/kiet-que-vi-tai-nan-giao-thong-363836.html