Kiệt sức nhiều ngày mới biết bị cúm A 'hành'

Nghĩ chỉ bị cảm lạnh nên không uống thuốc, đến lúc sốt cao, kiệt sức, Nam đến viện khám được chẩn đoán dương tính với cúm A.

Trở lại Hà Nội sau 9 ngày nghỉ Tết ở quê, Thành Nam (27 tuổi) uể oải, sốt cao, “người như đi mượn”. Nghĩ cảm lạnh do chạy xe máy đường dài nên Nam không uống thuốc cũng không đi khám. Hai hôm sau, anh chóng mặt, mệt, ho, chảy mũi, đau họng.

Nam thanh niên được người thân đưa vào Bệnh viện An Việt (Hà Nội) trong tình trạng kiệt sức, sốt cao 39°C, nôn nhiều. Kết quả xét nghiệm cho thấy anh dương tính với cúm A, phổi có tổn thương nhẹ 2 bên.

“Nghĩ chỉ cần nghỉ ngơi sẽ khỏe lại nên tôi không uống thuốc, không ngờ các triệu chứng mỗi lúc một nặng, ho và sốt liên tục. Chỉ cần đi lại vài vòng là không thở nổi vì mệt”, Thành Nam nói.

Nam bệnh nhân được các bác sĩ chỉ định nằm viện để điều trị kháng sinh tích cực, chăm sóc hô hấp, bổ sung chế độ dinh dưỡng phù hợp và theo dõi sát tình trạng bệnh. Sau 2 ngày điều trị, sức khỏe của bệnh nhân tiến triển tích cực. Hiện tại, bệnh nhân không sốt, đỡ khó thở, tình trạng ho cải thiện nhiều.

Bác sĩ Như thăm hỏi sức khỏe nam bệnh nhân mắc cúm. (Ảnh: N.Loan)

Bác sĩ Như thăm hỏi sức khỏe nam bệnh nhân mắc cúm. (Ảnh: N.Loan)

Theo BSCKI Hà Tố Như, Bệnh viện An Việt, những ngày qua số bệnh nhân nhập viện vì cúm A gia tăng. Không chỉ trẻ nhỏ mà người lớn, thậm chí là những thanh niên khỏe mạnh cũng mắc cúm. Nhiều trường hợp phải nhập viện với những triệu chứng nặng và cần điều trị nội trú tại viện.

Theo thống kê từ Bệnh viện Nhi Trung ương, số ca cúm đã tăng đột biến từ 200 ca/tuần vào giữa tháng 12/2024 lên tới hơn 1.200 ca trong dịp Tết - gấp 6 lần. Đáng chú ý, bệnh nhân nội trú cũng tăng gấp đôi.

Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhiệt Đới Trung ương và Bệnh viện Hữu Nghị cũng ghi nhận lượng bệnh nhân lớn với các triệu chứng như sốt cao kéo dài, ho, khó thở và suy nhược. Trong đó, người cao tuổi với các bệnh nền như tiểu đường, tăng huyết áp, phổi mãn tính thường có diễn biến nặng hơn.

Cúm là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây qua đường hô hấp với biểu hiện trẻ sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, hắt hơi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng virus cúm A và cúm B. Trong đó, số ca mắc cúm A chiếm tỷ lệ cao.

Thông thường, bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch. Bệnh có thể diễn biến nặng hơn như viêm phổi, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong diễn biến phức tạp và có thể gây ra biến chứng nguy hiểm.

Cúm A ở trẻ nhỏ nếu không được điều trị hoặc điều trị quá muộn có thể khiến bệnh chuyển biến nặng, để lại nhiều hậu quả đáng tiếc, nguy hại tới sức khỏe cũng như tính mạng của người bệnh.

Nếu không được điều trị, người mắc có khả năng đối mặt với các biến chứng bệnh cúm mùa như viêm phổi, suy hô hấp, suy giảm hệ miễn dịch, viêm não, thậm chí tử vong nếu không điều trị kịp thời.

Tiêm vaccine vẫn là biện pháp phòng tránh hiệu quả nhất, giúp tạo “lá chắn” bảo vệ cơ thể khỏi virus cúm A cũng như nhiều bệnh lý khác, nhất là trong thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường này. Không chỉ trẻ nhỏ, vaccine cúm mùa còn được tiêm cho người lớn và nhắc lại mỗi năm một lần.

Chuyên gia khuyến cáo, người dân cần giữ vệ sinh cá nhân tốt, rửa tay thường xuyên và đeo khẩu trang khi ra ngoài. Tránh tụ tập đông người, đặc biệt trong thời gian bệnh dịch bùng phát. Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, bổ sung vitamin và khoáng chất cần thiết. Khám bệnh ngay khi có triệu chứng kéo dài hơn ba ngày, nhất là với nhóm người cao tuổi, trẻ nhỏ hoặc có bệnh nền.

Như Loan

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/kiet-suc-nhieu-ngay-moi-biet-bi-cum-a-hanh-ar924459.html