Kiều hối từ khu vực châu Phi bứt phá mạnh

Giữa bối cảnh tỉ giá USD/VND tăng khoảng 3% từ đầu năm, lượng kiều hối chuyển về TP.HCM vẫn đạt hơn 5,2 tỉ USD trong 6 tháng đầu năm 2025

Trong bối cảnh tỉ giá USD trên thị trường có nhiều điều chỉnh, dòng kiều hối đổ về TP.HCM vẫn duy trì đà tăng ổn định, đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nguồn cung ngoại tệ và kích thích tiêu dùng đầu tư trên địa bàn kinh tế đầu tàu phía Nam.

Ngày 17-7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) niêm yết tỉ giá trung tâm ở mức 25.176 đồng/USD, tăng 8 đồng so với phiên liền trước. Ngược lại, giá USD tại các ngân hàng thương mại có xu hướng điều chỉnh giảm nhẹ sau hai phiên tăng liên tiếp.

Tại Vietcombank, USD được giao dịch ở mức 25.930 đồng mua vào và 26.320 đồng bán ra, giảm 10 đồng so với hôm qua. Eximbank cũng hạ 20 đồng mỗi USD ở cả hai chiều mua – bán, giao dịch quanh mức tương tự. Tính từ đầu năm, giá bán USD tại ngân hàng tăng khoảng 3%, trong khi giá mua vào tăng gần 2,8%.

Trên thị trường tự do, tỉ giá USD được giao dịch quanh mức 26.352 đồng bán ra và 25.442 đồng mua vào, giảm khoảng 10 đồng so với phiên trước đó. Diễn biến này cho thấy áp lực tỉ giá vẫn hiện hữu nhưng đang được kiểm soát khá tốt trong bối cảnh dòng vốn ngoại, đặc biệt là kiều hối, tiếp tục chảy mạnh về Việt Nam.

 Tỉ giá USD/VND tại các ngân hàng thương mại giảm nhẹ sau hai phiên tăng liên tiếp, trong khi kiều hối về TP.HCM vẫn vượt 5,2 tỉ USD.

Tỉ giá USD/VND tại các ngân hàng thương mại giảm nhẹ sau hai phiên tăng liên tiếp, trong khi kiều hối về TP.HCM vẫn vượt 5,2 tỉ USD.

Theo số liệu mới nhất từ NHNN chi nhánh Khu vực 2 (TP.HCM), tổng lượng kiều hối chuyển về địa bàn thành phố trong 6 tháng đầu năm 2025 đạt 5,23 tỉ USD, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Riêng quý II-2025, lượng kiều hối qua hệ thống tổ chức tín dụng và tổ chức kinh tế đạt gần 2,82 tỉ USD, tăng 16,9% so với quý I và cao hơn 22,1% so với quý II-2024.

Đánh giá về xu hướng tích cực này, bà Trần Thị Ngọc Liên, Phó Giám đốc NHNN Khu vực 2 cho rằng mức tăng trưởng của kiều hối quý II-2025 là điểm sáng so với cùng kỳ những năm gần đây, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định.

“Dòng tiền kiều hối tăng đều qua các giai đoạn đã tạo điều kiện cho phát triển kinh tế thành phố, kích cầu tiêu dùng và đầu tư, tăng nguồn cung ngoại tệ…”, bà Liên nói.

Xét theo thị trường, châu Á tiếp tục là khu vực có lượng kiều hối chuyển về TP.HCM lớn nhất, với tỉ trọng áp đảo. Động lực đến từ các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc..., những nơi có đông đảo lao động Việt Nam đang sinh sống và làm việc.

Đáng chú ý, châu Phi là khu vực ghi nhận tốc độ tăng trưởng kiều hối cao nhất trong nửa đầu năm nay, đạt 130,8% so với cùng kỳ. Các thị trường truyền thống như châu Âu, châu Mỹ và châu Đại Dương cũng ghi nhận mức tăng trưởng lần lượt 16%, 11,9% và 8,9%.

Việc dòng kiều hối tiếp tục mở rộng về quy mô và thị trường không chỉ cho thấy sự đa dạng hóa nguồn thu ngoại tệ, mà còn phản ánh mức độ hội nhập ngày càng sâu rộng của lao động và doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi kinh tế toàn cầu.

Theo các chuyên gia tài chính, đây là yếu tố then chốt giúp giảm phụ thuộc vào một số nguồn ngoại tệ truyền thống như FDI, xuất khẩu hàng hóa hoặc du lịch, đặc biệt trong bối cảnh các kênh này có thể biến động mạnh do yếu tố địa chính trị, thương mại...

Từ ngày 1-7-2025, NHNN chi nhánh Khu vực 2 được giao phụ trách thêm các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương (cũ), Bình Phước (cũ) và Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ). Theo thống kê đến ngày 30-6, tổng lượng kiều hối chuyển về các tỉnh này qua hệ thống ngân hàng đạt hơn 127,5 triệu USD.

Trong đó, Bình Dương (cũ) dẫn đầu với 53,2 triệu USD, tiếp đến là Đồng Nai (42,3 triệu USD), Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) 27,2 triệu USD và Bình Phước (cũ) 4,6 triệu USD. Các địa phương này hiện chưa có tổ chức kinh tế chuyên chi trả ngoại tệ, do đó, toàn bộ kiều hối đều được xử lý thông qua hệ thống tổ chức tín dụng.

THÙY LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/kieu-hoi-tu-khu-vuc-chau-phi-but-pha-manh-post860862.html