Kiều hối từ xuất khẩu lao động đạt 3,5-4 tỷ USD/năm
Mỗi năm nước ta có khoảng từ 120.000 đến 143.000 người lao động ra nước ngoài làm việc. Lực lượng này gửi về khoảng 3,5-4 tỷ USD kiều hối mỗi năm.
Sáng 27-12, Báo Người Lao Động tổ chức hội thảo “Nâng cao hiệu quả xuất khẩu lao động, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đất nước”.
Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân thông tin, hiện nay có hàng trăm doanh nghiệp dịch vụ được cấp phép để đưa người lao động đến hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ làm việc. Các doanh nghiệp hoạt động tích cực, hiệu quả, góp phần đưa khoảng từ 120.000 đến 143.000 người lao động ra nước ngoài làm việc mỗi năm. Lực lượng lao động này mỗi năm gửi về khoảng 3,5-4 tỷ USD kiều hối, góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bên cạnh đó còn nhiều vấn đề cần tiếp tục tháo gỡ để thúc đẩy phát triển; cần thêm những cơ chế chính sách kịp thời, phù hợp với tình hình mới để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu lao động làm tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình...
Chia sẻ những vướng mắc, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan nhấn mạnh, công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục.
Đó là nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương về công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa đầy đủ; quản lý nhà nước còn phân tán, chồng chéo. Một số cơ chế, chính sách ban hành chậm, thiếu đồng bộ; chi phí đi làm việc ở nước ngoài cao, tình trạng người lao động đi làm việc ở nước ngoài trái phép, vi phạm pháp luật của nước sở tại, bỏ hợp đồng, hoặc khi hết hạn hợp đồng không về nước chậm được khắc phục…
Kiến nghị giải pháp, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Nguyễn Gia Liêm cho hay, chủ trương xây dựng Luật Lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài không chỉ giải quyết việc làm, tăng thu nhập mà còn phát huy được hiệu quả, chất lượng, những kỹ năng người Việt học được ở nước ngoài. Việc này không chỉ giúp thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam mà còn thu hút du lịch.
Chia sẻ về kinh nghiệm sử dụng lao động, Phó Chánh Văn phòng Bộ, Trưởng cơ quan đại diện Văn phòng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh Phạm Anh Thắng cho biết, sau khi hết thời gian làm việc ở các nước, người lao động khoảng 35 - 40 tuổi về nước để đóng góp cho nền kinh tế thì giá trị cũng giảm. Vì thế, cần nghiên cứu vấn đề này để tạo áp lực trở lại đối với người sử dụng lao động ở các nước.
Bên cạnh đó, cần quan tâm công tác giải quyết việc làm cho lao động về nước. Nếu doanh nghiệp giải quyết được bài toán đưa đi và giải quyết việc làm sau khi về nước thì chắc chắn thương hiệu của doanh nghiệp sẽ tăng...
Tại chương trình, Báo Người Lao Động đã vinh danh 12 “Doanh nghiệp xuất khẩu lao động tiêu biểu năm 2023”, đồng thời, phát động cuộc thi viết “Nâng bước người lao động” lần thứ nhất năm 2024.