Châu Âu hưởng lợi thế nào khi giúp Ukraine tự đứng trên đôi chân của mình?

Các quốc gia châu Âu đang thay đổi chiến lược viện trợ Ukraine, với mục tiêu tăng cường khả năng tự sản xuất vũ khí của nước này thay vì cung cấp vũ khí sẵn có từ kho dự trữ ngày càng cạn kiệt của chính họ.

Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 3 cho biết một nửa trong gói viện trợ trị giá 2 tỷ euro (2,3 tỷ USD), được đảm bảo bằng lợi nhuận từ tài sản bị đóng băng của Nga, sẽ được dành riêng để giúp Ukraine tăng cường sản xuất pháo binh. Đây là gói viện trợ lớn nhất theo hình thức này từ trước đến nay và là một xu hướng mới có thể đem lại tác động tích cực cho cả EU và Kiev.

Theo các chuyên gia, việc cung cấp nguồn lực để Ukraine phát triển ngành công nghiệp quốc phòng không chỉ giúp Kiev giảm bớt sự phụ thuộc vào viện trợ quân sự từ các nước phương Tây mà còn thúc đẩy tăng trưởng cho ngành công nghiệp quốc phòng của chính châu Âu.

UAV tầm xa của Ukraine được trưng bày tại Kiev năm 2024. Ảnh: Getty

UAV tầm xa của Ukraine được trưng bày tại Kiev năm 2024. Ảnh: Getty

Một mũi tên trúng 2 đích

Ban đầu, Ukraine phụ thuộc vào các nước phương Tây về vũ khí và đạn dược, khi các nhà máy vũ khí của nước này không thể sản xuất đủ số lượng cần thiết để chống lại Nga. Tuy nhiên, theo Tổng thống Volodymyr Zelensky, trong những năm gần đây, Ukraine đã khôi phục các nhà máy vũ khí cũ của Liên Xô để sản xuất khoảng 40% số vũ khí cần thiết cho cuộc xung đột.

Ngoài ra, Ukraine còn nổi lên như một quốc gia dẫn đầu trong sản xuất máy bay không người lái (UAV), một loại vũ khí quan trọng và phổ biến trong các cuộc xung đột hiện nay. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, Rustem Umerov, cho biết, Ukraine hiện đã trở thành quốc gia sản xuất UAV lớn nhất thế giới, với cả UAV cấp chiến thuật và chiến lược.

Trong khi đó, ngành công nghiệp quốc phòng của châu Âu gặp khó khăn trong việc tăng cường sản xuất để theo kịp nhu cầu. Các nhà phân tích quân sự tại Viện RUSI có trụ sở ở London, Anh cho rằng các quy định hạn chế cùng với việc thiếu sự phối hợp đồng bộ là những yếu tố làm chậm tiến độ sản xuất của châu Âu.

Ông Jacob Funk Kirkegaard, chuyên gia từ Viện Bruegel, cho rằng việc chuyển giao nguồn lực để Ukraine phát triển ngành công nghiệp vũ khí vừa giúp châu Âu giảm chi phí vừa tiếp tục hỗ trợ đồng minh chiến lược này. Theo ông, sản xuất vũ khí tại Ukraine rẻ hơn rất nhiều so với ở các nước Tây Âu và quốc gia này có khả năng phát triển ngành quốc phòng sáng tạo và hiệu quả. Một lợi thế nữa là vũ khí sản xuất tại đây có thể được thử nghiệm và tinh chỉnh dựa trên kinh nghiệm thực tiễn trên chiến trường.

Lợi ích của Ukraine

Nhiều công ty quốc phòng lớn của Châu Âu đã bắt đầu đầu tư và thiết lập các cơ sở sản xuất tại Ukraine. Các công ty như Rheinmetall (Đức), BAE Systems (Anh) và KDNS (Pháp-Đức) đã mở các cơ sở sản xuất vũ khí tại Ukraine, tập trung vào sản xuất xe bọc thép và các trang thiết bị quân sự khác.

Không chỉ vậy, Ukraine còn hợp tác với các quốc gia thành viên NATO để sản xuất đạn dược, điều này giúp Ukraine tích hợp sâu hơn vào hệ thống quân sự của NATO.

Ukraine cũng đang hợp tác chặt chẽ với các quốc gia trong NATO, bao gồm cả Ba Lan, để sản xuất các loại vũ khí và đạn dược trong nước.

“Dự kiến xu hướng này sẽ gia tăng trong năm 2025 khi Mỹ chuyển hướng khỏi châu Âu, dẫn đến việc chi tiêu quốc phòng gia tăng trên toàn châu lục”, ông Serhii Kuzan, chủ tịch Trung tâm An ninh và Hợp tác Ukraine, cho biết trong một bài viết trên Atlantic Council.

Các chuyên gia dự báo, với sự hỗ trợ tiếp tục từ Châu Âu, Ukraine có thể sản xuất được nhiều hơn 40% vũ khí trong nước trong năm 2025 bao gồm cả các loại vũ khí phức tạp mà Kiev vẫn đang phải phụ thuộc vào các nước đồng minh. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ khiến các cơ sở sản xuất của Ukraine trở thành mục tiêu tấn công của Nga, điều này đòi hỏi các khoản đầu tư lớn và chiến lược bảo vệ kỹ lưỡng.

Tăng thêm sức mạnh cho ngành quốc phòng châu Âu

Việc Ukraine từng bước làm chủ năng lực sản xuất vũ khí không chỉ mở ra những cơ hội mới về kinh tế và công nghệ cho chính nước này mà còn mang lại lợi ích thiết thực cho châu Âu. Khi ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine ngày càng phát triển, khoảng cách giữa Kiev và các nước EU trong lĩnh vực này sẽ dần được thu hẹp.

Chuyên gia Kirkegaard nhận định, trong tương lai không xa, ngành quốc phòng Ukraine và EU có thể hòa nhập thành một khối thống nhất, cùng phối hợp để đối phó với các mối đe dọa an ninh chung.

Việc châu Âu chuyển từ hình thức viện trợ trực tiếp sang hỗ trợ Ukraine tự phát triển năng lực quốc phòng được xem là một bước đi chiến lược dài hạn. Điều này không chỉ giúp Kiev giảm bớt sự lệ thuộc vào viện trợ quốc tế mà còn góp phần thúc đẩy sự lớn mạnh của nền công nghiệp quốc phòng châu Âu.

Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch) Theo Business Insider

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/chau-au-huong-loi-the-nao-khi-giup-ukraine-tu-dung-tren-doi-chan-cua-minh-post1194825.vov