Kim cương và câu chuyện thảm đỏ
Trên thảm đỏ của các sự kiện lớn, ánh sáng lấp lánh từ những món trang sức xa hoa không ngừng thu hút ống kính. Nhưng thứ khiến mạng xã hội xôn xao không chỉ là kích thước của viên đá, mà chính là câu chuyện ẩn sau mỗi món trang sức đó.

Diljit Dosanjh (bên trái) và Isha Ambani tại Met Gala 2024. Ảnh: Getty Images
Khi trang sức kể lại lịch sử
Trong một thế giới nơi mọi thứ đều có giá, những món đồ không thể mua được lại đang chiếm trọn ánh nhìn. Tại Met Gala 2024, Isha Ambani, ái nữ của tỉ phú giàu nhất châu Á Mukesh Ambani, không chỉ thu hút sự chú ý bằng bộ váy sari hiện đại, mà còn bởi chiếc vòng cổ kim cương được làm riêng cho cô.
Thiết kế lấy cảm hứng từ một mẫu cổ điển của Cartier dành cho Maharaja xứ Nawanagar (người trị vì bang Nawanagar, Ấn Độ) từ những năm 1930. Món đồ này không nằm trong bất kỳ bộ sưu tập thương mại nào, cũng không có giá bán. Nó được “mượn” từ kho lưu trữ của Cartier như một cách tri ân lịch sử.
Hiệu ứng “kim cương kể chuyện” tiếp tục lan tỏa khi nam ca sĩ kiêm diễn viên Diljit Dosanjh xuất hiện với một chiếc vòng cổ dài đậm chất hoàng gia, gợi nhớ đến thiết kế 1.000 carat nổi tiếng mà Cartier từng làm riêng cho Maharaja Bhupinder Singh gần một thế kỷ trước, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Victoria & Albert ở London.
Trên mạng xã hội, hình ảnh của anh nhanh chóng lan truyền với dòng caption phổ biến: “Không phải Hollywood, đây là một kho báu Ấn Độ di động.”

Tại lễ trao giải Oscar năm 2019, Lady Gaga đã đeo viên kim cương vàng 128,54 carat của Tiffany & Co. Ảnh: AP
Một cột mốc đáng nhớ khác là vào năm 2019, khi Lady Gaga đeo viên kim cương vàng 128,54 carat của Tiffany & Co tại lễ trao giải Oscar – cùng loại với viên đá huyền thoại mà Audrey Hepburn từng đeo trong buổi chụp hình quảng bá cho Breakfast at Tiffany’s vào năm 1961.
Truyền thông khi ấy không chỉ ca ngợi việc Gaga mặc đẹp, họ nói cô “đã làm sống lại một biểu tượng”. Đó cũng là khoảnh khắc khởi đầu một cuộc đua mới giữa các ngôi sao, khi cô trở thành người thứ ba trong lịch sử từng đeo viên kim cương lịch sử có giá hơn 30 triệu USD.
Xu hướng mang những món đồ lưu niệm lịch sử lên thảm đỏ càng trở nên nổi bật tại Met Gala 2022.
Chủ đề "Gilded Glamour and White Tie" đã truyền cảm hứng cho Cartier tạo phong cách cho loạt ngôi sao: nữ diễn viên Emma Corrin đeo đôi hoa tai kim cương từ thập niên 1930; Maude Apatow cài một chiếc trâm hoa cổ điển lên tóc và đội vương miện kim cương từ năm 1911. Đặc biệt, cô còn đeo chiếc vòng cổ choker được cho là từng thuộc sở hữu của Maharaja xứ Patiala.

Tại Met Gala 2022, Emma Chamberlain đã đội vương miện kim cương năm 1911 và đeo vòng cổ choker được cho là từng thuộc sở hữu của Maharaja xứ Patiala. Ảnh: Getty Images
Điểm chung của các món trang sức này là vẻ đẹp vượt thời gian và giá trị biểu tượng không thể sao chép. Người đeo nó không đơn thuần đang thể hiện gu thẩm mỹ, họ đang mang trên người một phần lịch sử.
Mỗi món đồ trở thành một câu chuyện, một kết nối giữa quá khứ và hiện tại. Và trong thời đại mà thảm đỏ không còn chỉ là nơi phô diễn sự hào nhoáng, thì chiều sâu văn hóa và cảm xúc chính là thứ giúp những viên đá tỏa sáng hơn.
Tinh thần ấy cũng hiện diện rõ rệt trong mùa giải thưởng đầu năm nay. Tại lễ trao giải BAFTA hồi tháng 2, Cynthia Erivo tỏa sáng với bộ trang sức ngọc lục bảo cổ điển của Tiffany, gợi nhớ đến sắc xanh đặc trưng của nhân vật Elphaba trong Wicked.
Một tháng sau, tại Oscar, Mikey Madison nhận tượng vàng đầu tiên trong sự nghiệp khi đeo chiếc vòng cổ kim cương Tiffany có niên đại từ đầu những năm 1900.
Cũng trên thảm đỏ đêm đó, Felicity Jones, được đề cử cho vai diễn trong The Brutalist, diện váy dài màu bạc kết hợp bộ trang sức kim cương từ Boucheron, nổi bật với vòng tay Art Deco năm 1927.

Cynthia Erivo tham dự Lễ trao giải thưởng điện ảnh EE BAFTA 2025 tại London với bộ trang sức ngọc lục bảo cổ điển lấp lánh của Tiffany & Co. Ảnh: Getty Images
Khi di sản trở thành chiến lược thương hiệu
Trang sức là một ngành bền bỉ với thời gian, nhưng để sống còn trong thế giới kỹ thuật số, nơi mọi thứ đều dễ bị thay thế, các thương hiệu lớn đang tái định nghĩa lại khái niệm “xa xỉ”.
Một trong những chiến lược nổi bật nhất chính là đầu tư mạnh vào kho lưu trữ, phục chế các thiết kế cổ điển, và biến những món đồ di sản thành “ngôi sao thảm đỏ”.
Trong khi nhiều thương hiệu chọn cách bảo tồn và gìn giữ các tác phẩm lịch sử như những hiện vật quý hiếm, Giám đốc điều hành Boucheron, Hélène Poulit-Duquesne, lại có quan điểm khác.
Bà tin rằng kho lưu trữ của nhà kim hoàn danh tiếng không chỉ dành cho các nhà nghiên cứu, mà đôi khi nên được mang ra đeo và ngưỡng mộ.
“Chúng tôi coi di sản của mình, những tác phẩm lưu trữ không để bán, là những thực thể sống động, biết thở, chứ không phải đồ vật trong bảo tàng,” bà chia sẻ.
Từ khi bà nhậm chức năm 2015, bộ sưu tập di sản của hãng đã tăng lên hơn 800 món, nhiều trong số đó được cho stylist mượn để phối hợp trang phục cho các sự kiện quốc tế lớn.
Poulit-Duquesne cho biết việc cho mượn trang sức di sản trên thảm đỏ mang lại cho Boucheron một lợi thế cạnh tranh rõ rệt: “Việc để những nhân vật quốc tế có phong cách mạnh mẽ đeo chúng là cách thể hiện tính vượt thời gian của các thiết kế,” bà nói.
Bà cho rằng những món đồ lịch sử này tạo ra những câu chuyện đáng nhớ, với độ lan tỏa vượt xa mọi hình thức quảng cáo truyền thống.
Laurent François, chuyên gia truyền thông thời trang tại Paris, cũng chia sẻ quan điểm tương tự: “Thảm đỏ giờ không còn là cuộc đua xem ai lấp lánh hơn, mà là ai kể được câu chuyện hay hơn.”
Ông gọi đó là một “cuộc săn tìm kho báu văn hóa”, nơi mỗi viên đá, mỗi chuỗi hạt được gán thêm tầng ý nghĩa và bối cảnh – từ quốc gia xuất xứ, nghệ nhân chế tác, đến người từng đeo nó.
Theo CNN
Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/giai-tri/kim-cuong-va-cau-chuyen-tham-do-135871.html