Kim Oanh Group lên tiếng về khu đất 43ha đang bị thanh tra ở Bình Dương
Tổng giám đốc Kim Oanh Group nói đang bị thiệt hại trong thương vụ liên quan đến khu đất 43ha thuộc Khu đô thị - thương mại - dịch vụ Tân Phú ở Bình Dương vì đã đầu tư nhiều tiền của và công sức nhưng dự án đang bị dừng để thanh tra.
Như TheLEADER.vn đã đưa tin, vụ chuyển nhượng 43ha đất tại Khu đô thị - thương mại - dịch vụ Tân Phú ở TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương của Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (TCT Bình Dương) đang được thanh tra làm rõ.
Giữa năm 2010, TCT Bình Dương ký thỏa thuận với Công ty CP Bất động sản Âu Lạc thành lập liên doanh là Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Tân Phú (công ty Tân Phú) để phát triển khu đất này, trong đó TCT Bình Dương góp 30% vốn điều lệ và đối tác góp phần còn lại. Cuối năm 2016, TCT Bình Dương đã chuyển nhượng khu đất cho đối tác với giá 250 tỷ đồng.
Mặc dù không tham gia vào việc chuyển nhượng trước đây với TCT Bình Dương nhưng Kim Oanh Group gần đây được nhắc đến như một bên liên quan đến khu đất này.
Theo tìm hiểu của TheLEADER.vn, tháng 10/2017 Công ty A Đông Hải (sau này đổi tên là Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Kim Oanh TP. HCM (Kim Oanh TP. HCM, là công ty thuộc hệ thống Kim Oanh Group) nhận chuyển nhượng phần vốn góp tại Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Tân Phú (lúc này công ty Tân Phú là pháp nhân đang sở hữu khu đất 43ha) từ Công ty CP Bất động sản Âu Lạc (công ty Âu Lạc).
Đến tháng 2/2018, quá trình chuyển nhượng hoàn tất và Kim Oanh TP. HCM đã nắm giữ 100% vốn tại Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Tân Phú. Việc chuyển nhượng phần vốn góp giữa Công ty Âu Lạc sang Kim Oanh TP. HCM đã được ghi nhận tại các cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định.
Nội tình vụ chuyển nhượng 43ha đất đã hé mở phần nào với việc TCT Bình Dương lên tiếng sau khi Tỉnh ủy Bình Dương tổ chức họp báo công bố chỉ đạo thanh tra làm rõ vụ việc. TheLEADER.vn tiếp tục trao đổi với bà Đặng Thị Kim Oanh, Tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ Thương mại Kim Oanh (Kim Oanh Group) để làm rõ thêm quá trình chuyển nhượng liên quan đến khu đất này.
Thưa bà, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TP. HCM nhận chuyển nhượng Công ty Tân Phú vào thời gian nào?
Bà Đặng Thị Kim Oanh: Tiền thân của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triểnKim Oanh TP. HCM (công ty con của Kim Oanh Group) là Công ty A Đông Hải, đây pháp nhân có chức năng kinh doanh bất động sản. Ngày 2/10/2017, công ty Âu Lạc chuyển nhượng 1/2 vốn góp, chiếm 50% vốn điều lệ tại công ty Tân Phú cho A Đông Hải. Lúc này thì công ty Tân Phú trở thành công ty TNHH hai thành viên.
Đến ngày 6/2/2018, công ty Âu Lạc chuyển nhượng 1/2 vốn góp còn lại, chiếm 50% vốn điều lệ tại công ty Tân Phú cho công ty Kim Oanh (lúc này công ty A Đông Hải đã đổi tên thành Kim Oanh TP. HCM).
Quá trình chuyển nhượng 100% vốn của công ty Âu Lạc tại công ty Tân Phú cho Kim Oanh đều thực hiện theo Luật Doanh nghiệp. Hiện tại công ty Kim Oanh đang là chủ sở hữu 100% vốn góp tại công ty Tân Phú.
Chúng tôi cũng lưu ý để tránh hiểu nhầm là, tại thời điểm chúng tôi nhận chuyển nhượng phần vốn góp từ công ty Âu Lạc thì công ty này theo quy định của Luật Doanh nghiệp không phải là loại hình doanh nghiệp nhà nước.
Phấn vốn góp mà Công ty Âu Lạc chuyển nhượng cho chúng tôi không liên quan gì đến bất kỳ cơ quan nhà nước nào. Chúng tôi thỏa thuận chuyển nhượng theo quy định của pháp luật doanh nghiệp, pháp luật dân sự, pháp luật thương mại tự nguyện hợp pháp và là bên thứ ba ngay tình.
Khi Kim Oanh mua công ty Tân Phú, tình trạng đất ở khu 43ha như thế nào?
Bà Đặng Thị Kim Oanh: Khi tôi bước vào làm bất động sản ai cũng nói các doanh nghiệp bây giờ phải đi đấu giá đất nhà nước mới có ăn. Còn Kim Oanh cứ đi mua đất thế này thì khó lắm, nhưng cái khó lúc trước giờ thì lại trở thành may mắn.
Tôi tìm những nhà đầu tư khó khăn về tài chính không thực hiện dự án và mua đấu giá qua việc xử lý nợ xấu của ngân hàng theo Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội và theo các quy định về xử lý tài sản đảm bảo của các khoản vay nợ xấu tại ngân hàng.
Hiện 85% dự án của Kim Oanh thực hiện là đấu giá mua tài sản qua việc xử lý nợ xấu của ngân hàng, chỉ có hai dự án là tôi mua dứt điểm từ các chủ đầu tư khác. Thành thử khi thấy dự án Khu đô thị - thương mại - dịch vụ Tân Phú rao bán thì mình mua.
Khi mua tôi hỏi thì dự án này có sổ, có 1/500, đất sản xuất kinh doanh, thấy điều kiện phù hợp quy hoạch... Hơn nữa, công ty Âu Lạc không có chuyên môn, kinh nghiệm về đầu tư phát triển dự án thì mình thay họ để phát triển dự án nhằm tránh lãng phí tài nguyên đất.
Sau khi chuyển nhượng hoàn tất, nhiều công ty cũng đặt vấn đề mua lại nhưng tôi không bán mà muốn phát triển nơi đây thành khu đô thị kiểu mẫu phù hợp với sự phát triển tổng thể của trung tâm thành phố mới, chúng tôi mong muốn góp phần mang lại hình ảnh phồn thịnh, tươi đẹp cho thành phố mới Bình Dương.
Qua trình mua công ty Tân Phú, Kim Oanh có phải cạnh tranh với các đối thủ khác không?
Bà Đặng Thị Kim Oanh: Không ai mua cả, có mình Kim Oanh. Tôi thấy dự án này chào bán với thời gian khá lâu, từ khi biết thông tin đến lúc quyết định mua tôi đắn đo, tôi mất thời gian dài mới quyết định.
Sau đó tôi quyết định mua dự án vì đây là đất sạch hoàn toàn, trong khi những dự án khác tôi nhắm đến ít nhiều còn có diện tích là da beo.
Có ý kiến cho rằng Kim Oanh dùng ‘thủ thuật’ mua Tân Phú để nắm khu đất, bà giải thích thế nào?
Bà Đặng Thị Kim Oanh: Thủ thuật gì ở đây? Quá trình chuyển nhượng giữa hai doanh nghiệp đều dựa trên Luật Doanh nghiệp và các quy định của pháp luật. Cụ thể, đầu tháng 10/2017 tôi bắt đầu mua phần vốn góp của công ty Âu Lạc tại công ty Tân Phú.
Cũng cần phải nói thêm, quá trình mua Tân Phú tôi không hề biết TCT Bình Dương liên quan gì mà chỉ biết công ty Âu Lạc. Bởi vì lúc này công ty Âu Lạc là đơn vị đang sở hữu 100% phần vốn tại công ty Tân Phú, chứ đâu có liên quan gì đến TCT Bình Dương.
Việc nhận chuyển nhượng vốn góp của Kim Oanh tại công ty Âu Lạc đã được cơ quan nhà nước chứng nhận và hoàn tất thủ tục chưa?
Bà Đặng Thị Kim Oanh: Tôi khẳng định thêm lần nữa là toàn bộ quá trình chuyển nhượng vốn giữa Kim Oanh TP. HCM và công ty Âu Lạc được thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Chúng tôi nhận chuyển nhượng với tư cách là bên thứ ba ngay tình, pháp luật đã công nhận việc thực hiện chuyển nhượng của chúng tôi hợp pháp, cơ quan có thẩm quyền đã đăng ký thủ tục pháp lý để Kim Oanh TP. HCM hiện tại sở hữu hợp pháp 100% vốn góp tại công ty Tân Phú.
Việc thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh đã được các cơ quan thực hiện phù hợp với quy định của pháp luật, không có gì thiếu minh bạch trong toàn bộ quá trình chuyển nhượng này. Thú thực, nếu chúng tôi làm sai thì làm gì có việc cơ quan nhà nước họ không biết, việc nhận chuyển nhượng của chúng tôi tuân thủ đúng pháp luật.
Mặt khác, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương cũng đã công nhận về mặt pháp lý và cập nhật đăng ký biến động đất đai đối với 43ha đất thực hiện dự án Khu đô thị - thương mại - dịch vụ Tân Phú.
Mới nhất, ngày 12/6/2018 UBND tỉnh Bình Dương có quyết định số 1551/QĐ-UB phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Ngày 13/6/2018, UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu đô thị - thương mại - dịch vụ Tân Phú.
Tất cả những việc làm đó phải được thẩm định, xem xét và được hệ thống nhiều cơ quan có thẩm quyền thực hiện, chúng tôi là doanh nghiệp không có quyền năng nào khác ngoài việc tuân thủ các quy định pháp luật để thực hiện và đã được ghi nhận một cách hợp pháp.
Được biết thời điểm mua vốn góp tại công ty Tân Phú, Kim Oanh có rất nhiều cơ hội khác nhưng vì sao bà lại chọn khu 43ha?
Bà Đặng Thị Kim Oanh: Thời điểm tôi bắt đầu mua vốn góp của công ty Tân Phú thì thị trường bất động sản cũng lắng lắm. Tôi nghĩ rằng thời điểm đó mình có độ nhạy nên mua khu 43ha. Chứ lúc đó thật tình Kim Oanh đang có nhiều đơn vị mời mình mua như các dự án dưới Long Thành (Đồng Nai), dự án Đông Bình Dương...
Lý do tôi chọn khu này thứ nhất là gần trụ sở công ty hiện nay, thứ hai là thấy vị trí ổn có thể làm khu đô thị đẹp. Chứ lúc đó tôi cũng biết chi phí để chuyển đổi từ đất dịch vụ lên đất thổ cư sẽ rất cao nhưng tôi vẫn quyết tâm.
Còn nếu tôi chọn chỗ Đông Bình Dương với diện tích cả trăm ha với giá họ rao bán thời điểm đó có hơn 450 tỷ đồng thì hiện nay Kim Oanh khỏe rồi. Vì lúc đó dự án Đông Bình Dương là đất ở rồi.
Có thông tin cho rằng sau khi nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty Âu Lạc tại công ty Tân Phú thì Kim Oanh đã hưởng lợi hàng nghìn tỷ đồng. Thực hư việc hưởng lợi thế nào, thưa bà?
Bà Đặng Thị Kim Oanh: Trước tiên mình hãy làm phép tính như thế này, nếu chúng tôi được duyệt 40% đất thổ cư (tương đương gần 20ha) trong tổng số 43ha thì chủ đầu tư còn phải bỏ một phần diện tích ra làm nhà ở xã hội nữa, chứ làm gì mình được làm nhà ở thương mại hết đâu.
Trong khi để chuyển đổi lên đất thổ cư thì doanh nghiệp phải đóng thuế thêm hơn 1.000 tỷ đồng nữa. Sau đó doanh nghiệp còn phải bỏ ra thêm một khoản không nhỏ để đầu tư hạ tầng. Nếu hoàn tất những khâu này thì đất khu 43ha mới đủ yếu tố áp dụng khung giá đất năm 2015 của Bình Dương ban hành.
Nhưng thực tế hiện nay khu đất 43 ha vẫn là đất kinh doanh dịch vụ, đã được chuyển mục đích thành đất ở đâu, mà nhiều người mang giá đất ở ra nhân lên rồi cho rằng Kim Oanh sẽ thu được lợi lớn!
Chúng tôi đầu tư vào khu đất 43ha này thì như đã nói cũng đã mất đi cơ hội đầu tư các dự án khác tốt hơn, rất nhiều chi phí đầu tư cho một dự án chúng tôi đã bỏ ra, rất nhiều khoản vay ngân hàng đã được vay để triển khai thực hiện dự án với lãi suất phải trả hàng tháng rất lớn.
Nhưng đến nay dự án hoàn toàn chưa mang lại bất kỳ nguồn lợi nào cho doanh nghiệp mà mỗi ngày chúng tôi chờ hoàn tất thủ tục pháp lý là chúng tôi đang mỗi ngày mất thêm rất nhiều tiền bạc.
Giờ cứ nói khu đó là đất vàng nhưng ngược lại thời điểm chúng tôi mua xem thị trường bất động sản Bình Dương khi đó thế nào. Tôi nói luôn, lúc đó thị trường xuống lắm, báo chí còn phản ánh thành phố mới Bình Dương vắng như thành phố ma.
Chúng tôi nhận thấy triển vọng của thị trường và tiềm năng của khu đất nên vẫn quyết định đầu tư trong tình thế chấp nhận mất mát nhiều cơ hội khác. Giờ họ lại nói Kim Oanh hưởng lợi trong khi chúng tôi đang ôm nợ và trả lãi hàng ngày để chờ kết luận của việc thanh tra. Rõ ràng, Kim Oanh đang bị mất mát, thiệt hại từng ngày, chúng tôi được hưởng lợi gì, ở đâu?
Bà giải thích thế về việc Kim Oanh đã tổ chức lễ động thổ ở dự án này?
Bà Đặng Thị Kim Oanh: Thời điểm đó pháp lý dự án gần hoàn tất rồi chỉ còn thiếu quyết định chấp thuận đầu tư nên Kim Oanh tổ chức lễ động thổ để lấy ngày. Nhưng sau đó chúng tôi lại nhận được thông báo tạm dừng và dự án dừng đến hiện nay.
Thị trường xuất hiện thông tin vụ chuyển nhượng 43ha có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự liên quan đến Kim Oanh và dự án có thể bị thu hồi là như thế nào?
Bà Đặng Thị Kim Oanh: Thật sự tôi rất bức xúc khi nghe thông tin vụ chuyển nhượng 43ha có dấu hiệu vi phạm luật hình sự liên quan đến địa ốc Kim Oanh. Như tôi đã nói, quan hệ chuyển nhượng giữa Âu Lạc và Kim Oanh là quan hệ kinh tế dựa trên luật doanh nghiệp, dân sự, kinh tế.
Chúng tôi mua lại vốn góp của công ty Âu Lạc lúc đó là vốn góp của một doanh nghiệp bình thường, không phải doanh nghiệp Nhà nước tại thời điểm chúng tôi mua.
Chuyện pháp lý liên quan trước đó giữa TCT Bình Dương và công ty Âu Lạc là chuyện giữa hai doanh nghiệp, giữa các cá nhân liên quan với nhau trên cơ sở pháp luật phù hợp đã được thực hiện, chúng tôi không liên quan gì đến các vấn đề đó mà chỉ là bên thứ ba ngay tình nhận chuyển nhượng lại vốn góp của một doanh nghiệp bình thường theo quy định của pháp luật.
Có cảm giác, giờ động đến đất đai là người ta vin vào các chủ đầu tư hiện hành, mà không ai đủ thông tin để xem tính pháp lý, tính ngay tình của doanh nghiệp để đưa ra những nhận định đúng.
Tôi cũng nghe thông tin về việc thu hồi khu đất 43ha. Nhưng vì sao lại thu hồi? Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do doanh nghiệp mà chúng tôi đang sở hữu đứng tên hợp pháp, đã được đăng ký.
Quá trình chuyển nhượng vốn đã được cơ quan chức năng Bình Dương đăng ký công nhận và hoàn tất pháp lý. Chúng tôi là doanh nghiệp, là bên mua vốn góp, chúng tôi thực hiện các quy định hợp pháp thì pháp luật phải bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho doanh nghiệp, không có chuyện nếu có những sai phạm từ lịch sử để lại (nếu có) lại bắt doanh nghiệp hiện thời phải chịu trách nhiệm được.
Làm gì có chuyện công ty Âu Lạc bỏ tiền từ năm 2010 giờ lấy tiền về, Kim Oanh thì bỏ tiền từ năm 2017, giờ cũng lấy tiền về sao? Không thể có chuyện đơn giản chỉ nhìn thấy thị trường bất động sản biến đổi, lại chỉ đơn giản muốn lấy lại đất đai mà doanh nghiệp đã bỏ tiền bạc công sức ra đầu tư từ bao nhiêm năm qua rồi thu hồi dự án.
Bất chấp thiệt hại của doanh nghiệp thì các doanh nghiệp làm ăn chân chính làm sao dám đầu tư kinh doanh? Những tin đồn về việc thu hồi đất đai này kia chúng tôi có nghe, nhưng mọi thứ phải được thực hiện theo quy định của pháp luật, nếu quyền kinh doanh hợp pháp không được bảo vệ thì doanh nghiệp sẽ không còn niềm tin để nỗ lực cho việc làm ăn kinh doanh, doanh nghiệp không còn động lực để phát triển.
Chúng tôi mong sớm có kết luận thanh tra chính thức để tiếp tục đầu tư thực hiện dự án, tránh những tin đồn và ý kiến không chính thức được đưa ra như thời gian vừa qua. Việc tạo ra các thông tin không có cơ sở đang mỗi ngày làm hại đến uy tín và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp là điều khiến chúng tôi rất bức xúc, rất buồn.
Trong không khí của tinh thần Ngày Doanh nhân Việt Nam, doanh nghiệp chúng tôi chỉ mong muốn được pháp luật bảo vệ sự chính đáng, ngay tình, hợp pháp mà doanh nghiệp đã thực hiện nhằm mang lại sự giàu đẹp cho mỗi doanh nghiệp, cũng là mang lại sự thịnh vượng cho địa phương, đất nước.
Xin cảm ơn bà đã chia sẻ!