Kim Sơn: Động lực phát triển kinh tế nông thôn từ sản phẩm OCOP

Triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, huyện Kim Sơn đã có 19 sản phẩm OCOP (10 sản phẩm 4 sao, 9 sản phẩm 3 sao). Các sản phẩm OCOP được đánh giá đã tạo sức bật cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, góp phần thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tại địa phương.

Sản xuất cơm cháy tại Công ty TNHH sản xuất và phân phối thực phẩm An Phú.

Sản xuất cơm cháy tại Công ty TNHH sản xuất và phân phối thực phẩm An Phú.

Thay đổi cách thức sản xuất theo hướng hàng hóa, chất lượng cao

Ở xã Kim Chính, sản phẩm Cơm cháy Cung Đình và Cơm cháy khô của Công ty TNHH sản xuất và phân phối thực phẩm An Phú được xếp hạng OCOP 3 sao. Anh Trần Văn Tuyên, Giám đốc Công ty cho biết, thời gian qua, được ngành chuyên môn và chính quyền địa phương tuyên truyền về ý nghĩa của Chương trình OCOP, Công ty đã nỗ lực cải tiến quy trình sản xuất, thay đổi kiểu dáng, mẫu mã, hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chí. Nguyên liệu đầu vào chính cho sản xuất sản phẩm là gạo nếp được Công ty thu mua ngay tại địa phương với sự giám sát chặt chẽ để đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm.

Cũng theo anh Tuyên, sau khi được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, các sản phẩm của Công ty được tham gia quảng bá, giới thiệu tại nhiều hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh, nhờ vậy ngày càng có nhiều khách hàng biết đến và tin tưởng lựa chọn. Kinh doanh thuận lợi, ngày cao điểm, Công ty sản xuất tới 5 tạ gạo. Qua đó, vừa góp phần tiêu thụ lúa gạo cho nông dân trong vùng, vừa giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho hàng chục lao động địa phương.

Tương tự là câu chuyện của anh Trần Văn Quốc (xóm 12, xã Yên Lộc, huyện Kim Sơn). Với mong muốn nâng tầm giá trị thảo mộc bản địa, anh Quốc đã cùng vợ nỗ lực phát triển thương hiệu tinh dầu "Quốc Thịnh" được chứng nhận đạt OCOP 3 sao. Anh Quốc chia sẻ: Để có đủ nguồn nguyên liệu đầu vào (khoảng 10 nghìn tấn mỗi năm), gia đình anh liên kết với các nông dân, HTX trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh bạn như Nam Định, Thanh Hóa để trồng các loại cây thảo mộc lấy tinh dầu. Vì sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng nên anh định hướng bà con chăm sóc thuần hữu cơ (không sử dụng thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu, hạn chế sử dụng phân bón vô cơ mà chủ yếu thay thế bằng phân hữu cơ). Nhờ quy trình sản xuất và chất lượng được đảm bảo nên một số bạn hàng ở châu Âu đã đến trực tiếp khảo sát để ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm tinh dầu của anh.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Hải, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kim Sơn, các sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng mẫu mã; bảo đảm điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Nhiều chủ thể sản xuất khi tham gia vào chương trình đã chủ động học tập kinh nghiệm, đổi mới tư duy, phương pháp sản xuất, từ đó phát triển cơ sở quy mô, hiện đại với những sản phẩm chuyên nghiệp, chất lượng. Nhờ vậy, sản phẩm ngày càng được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn, không ít trường hợp trước đây chỉ sản xuất, tiêu thuợ̉ quy mô nhỏ, nhờ được gắn "sao" OCOP đã mở rộng sản xuất, thị trường, thậm chí vươn tầm quốc tế.

Phấn đấu có thêm 6-8 sản phẩm OCOP trong năm 2023

Hiện nay, huyện Kim Sơn có 19 sản phẩm OCOP gồm 10 sản phẩm đạt 4 sao, 9 sản phẩm đạt 3 sao. Có thể kể đến một số sản phẩm đặc trưng của huyện như: Rượu, mật ong sú vẹt, cơm cháy, đồ thủ công mỹ nghệ từ cói và bèo bồng, tinh dầu... Tuy nhiên, so với tiềm năng thì số sản phẩm được công nhận OCOP vẫn chiếm tỷ lệ tương đối thấp.

Huyện Kim Sơn phấn đấu trong năm 2023 sẽ có thêm từ 6-8 sản phẩm OCOP. Xác định OCOP là một trong những chương trình quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, năm nay, xã Hồi Ninh đã lựa chọn cây đào cảnh - một sản phẩm đặc trưng của xã để hỗ trợ, xây dựng sản phẩm OCOP.

Ông Phạm Văn Ty, Giám đốc HTX đào Hồi Ninh chia sẻ: Diện tích sản xuất đào của HTX khoảng 5 ha với hơn 10 nghìn gốc đào. Để được công nhận là sản phẩm OCOP, chúng tôi hướng dẫn các thành viên thực hiện nghiêm quy trình chăm sóc, uốn tỉa để sản phẩm đưa ra thị trường có chất lượng đồng đều. Bên cạnh đó, nghiên cứu, tính toán phương pháp bao gói, bảo quản, gắn tem mác, để người tiêu dùng dễ nhận diện được thương hiệu sản phẩm. Bên cạnh cây đào cảnh, Nếp cau cũng là một trong những sản phẩm đặc trưng mà huyện Kim Sơn đưa vào xây dựng sản phẩm OCOP trong năm nay.

Hiện nay, huyện đã quy hoạch các vùng sản xuất Nếp cau theo hướng hữu cơ, do đó chất lượng gạo ngày một nâng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Bà Trần Thị Phương, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Cúc Phương (xóm 3, xã Ân Hòa) - chủ thể xây dựng sản phẩm OCOP Nếp cau cho biết: Mặc dù đã có kinh nghiệm trong nghề xay xát, chế biến gạo hơn 40 năm, tuy nhiên, khi tham gia chương trình OCOP, chúng tôi có cơ hội để nhìn nhận lại những điểm chưa tốt của sản phẩm cũng như nhận được sự tư vấn, hỗ trợ để hoàn thiện sản phẩm tốt hơn. Hy vọng sau khi sản phẩm được công nhận OCOP sẽ góp phần khẳng định thương hiệu, đưa sản phẩm lúa gạo đặc sản của Kim Sơn vươn xa hơn.

Được biết, UBND huyện Kim Sơn đã và đang phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Văn phòng điều phối NTM tỉnh, đơn vị tư vấn đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, lợi ích và cách thức tổ chức thực hiện Chương trình OCOP. Đồng thời hỗ trợ các cơ sở sản xuất hoàn thiện, phát triển, quản lý chất lượng sản phẩm; quảng bá, xúc tiến thương mại; ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất; phát triển liên kết chuỗi, cung ứng nguyên liệu… Qua đó, khơi dậy tiềm năng từ các sản phẩm truyền thống của địa phương, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển theo hướng bền vững.

Bài, ảnh: Nguyễn Lựu

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/kim-son-dong-luc-phat-trien-kinh-te-nong-thon-tu-san-pham/d20230622081757431.htm