'Kim thiền thoát xác' - soi vào hôm nay!

'Ve sầu thoát xác' từ Hán Việt gọi là 'Kim thiền thoát xác'-một trong 36 kế của binh pháp cổ phương Đông.

Đúng như tên gọi, kế này mượn hình ảnh con ve sầu lột bỏ cái vỏ xác già cỗi của nó, vẫn là ve sầu nhưng mang một dáng vẻ khỏe mạnh, tươi mới hơn. Truy về cội nguồn, theo các sách cổ thì câu chuyện có từ thực tế những nông phu trồng lúa đến mùa thu hoạch phải suốt ngày đêm đuổi chim, thú. Họ nghĩ ra kế làm hình nộm giống y người, cũng cầm que, gậy... Kết quả vừa đỡ tốn sức, tốn công mà vẫn bảo vệ được lúa. Đi vào binh pháp, người ta khái quát thành tên gọi “Kim thiền thoát xác” để chỉ bản chất của hành vi đóng giả, tìm vỏ bọc thay thế để đánh lừa đối phương. Đặt tên gọi thế còn căn cứ vào một bản năng sinh tồn của loài vật là giả chết hoặc đóng giả...

Hiểu như vậy sẽ thấy một số nghiên cứu, sách báo, kể cả sách lịch sử của ta đã thiếu chính xác khi gọi hành động Lê Lai cứu Lê Lợi là “Kim thiền thoát xác”. Một là, Lê Lai đóng giả Lê Lợi là hành động anh hùng trượng nghĩa của bậc đại trượng phu vì dân, vì nước nên không thể ví với hình ảnh con vật tầm thường (ve sầu). Hai là, cũng không đúng về bản chất vì con ve để lại cái xác, tức cái xác vỏ vô nghĩa, vô giá trị.

Trong khi đó nhờ hành động Lê Lai hy sinh nên kẻ thù chủ quan để Lê Lợi có điều kiện tiếp tục lãnh đạo kháng chiến giành thắng lợi vẻ vang. Dân gian coi công trạng của Lê Lai ngang với Lê Lợi (Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi-tức ngày giỗ của họ) là rất đúng, cả về chân lý và đạo lý!

Minh họa: NGUYỄN QUANG CƯỜNG

Minh họa: NGUYỄN QUANG CƯỜNG

Nhưng nói Gia Cát Lượng trong Tam quốc diễn nghĩa dùng kế “Ve sầu thoát xác” là đúng. Biết mình sắp chết, Gia Cát Lượng nói với Khương Duy sai người làm tượng gỗ giống hệt mình. Quả thật, Tư Mã Ý kéo quân đến đánh thấy Gia Cát Lượng vẫn còn sống, lại đang ngồi xe, tay cầm quạt lông chỉ huy ba quân... Sợ trúng kế, Tư Mã Ý cho quân rút lui.

Quân Thục thoái binh an toàn. Khi biết bị lừa, Tư Mã Ý ngửa mặt lên trời mà than một bậc tuyệt trí như Gia Cát Lượng chết mà vẫn còn làm một đại tướng như ông ta hoảng sợ. Cái kế “Kim thiền thoát xác” quả là ghê gớm thay! Tại sao nói là đúng? Một, cái tượng gỗ thì đúng là chỉ có giá trị như vỏ xác con ve sầu. Hai, bậc đại trí như Gia Cát Lượng nên khiêm tốn, biết mình biết người, biết thời, biết thế, tự ví mình khi chết như cái xác ve sầu thì thiên hạ càng khâm phục ông ta thêm mà thôi...

Kế này có sức ảnh hưởng lớn tới mức lan rộng ra ngoài xã hội ở mọi thời, tới tận hôm nay, không cứ với kẻ gian, mà với một số doanh nghiệp không kể lớn-nhỏ, trong bối cảnh “thương trường là chiến trường” cũng vận dụng khá thành công, tất nhiên biến báo hơn nhiều so với tên gọi. Tỷ như khi xuất hiện nguy cơ thua lỗ, bết bát, bèn nghĩ ra chiêu bài “liên danh”, “liên kết”... để thoát khỏi “cái xác” tên cũ, mang tên mới nhưng “thân” thì vẫn là “ve” hoặc “ve + (cộng)”... Với kẻ gian tham thì thật “thiên hình vạn trạng”.

Ví như bị truy tố ra tòa liền có “Phiếu khám bệnh” của “bệnh nhân tâm thần”. Lại như có kẻ thuê người khác chịu tội thay. Lại có kẻ tham nhũng khi bị vạch mặt liền tự lột vỏ quan chức để trở thành anh nông dân “buôn chổi đót” hoặc chăm chỉ sục bùn cấy lúa “thối cả móng tay”... Nhưng phổ biến là gây án ở địa phương này rồi trốn đi thật xa, thay tên đổi họ, thay cả hình dạng... để “lương thiện”. Đấu tranh chống bọn “thoát xác” này thế nào. Xin thuật kể bài học kinh nghiệm của người xưa.

Đời Vua Trần Minh Tông (1314-1329) có vị quan Hình bộ Lang trung Phí Trực nổi tiếng công tâm, chính trực, phá án giỏi. Mọi án lệ đều được ông xem xét kỹ lưỡng, chu đáo, không bỏ lọt tội phạm, cũng không để oan sai. Năm Đinh Tỵ (1317), ở địa phương nọ nổi lên tệ trộm cướp với tên đầu đảng Văn Khánh xảo quyệt, tàn nhẫn và rất giỏi chui lủi nên chưa hề bị bắt. Quan Phí Trực đích thân về phá án...

Gần nửa năm trôi qua biết bao cuộc mai phục, điều tra... mà không thấy tăm hơi đảng cướp. Cuộc sống tưởng như bình yên. Bỗng một hôm lính ở phủ nọ giải lên một kẻ tự khai chính là Văn Khánh xin đầu thú chịu tội. Mọi người vui mừng ra mặt vì tự dưng bắt được kẻ cầm đầu khét tiếng bấy lâu bị tróc nã gắt gao... Hỏi cung, tra xét kiểu nào hắn ta vẫn một mực là Văn Khánh nghe tin quan lớn về điều tra, biết không thoát tội nên tự thú để nhận khoan hồng... Nhưng quan Bộ hình Phí Trực thì lấy làm nghi ngờ, không hiểu sao tên trộm cướp đầu sỏ khét tiếng mà lại dễ dàng chịu tội thế. Vì tội này rất nặng, ít ra là có thể bị chặt ngón chân hoặc chặt chân, chặt tay; nặng thì voi giày ngựa xéo... Phí Trực đành phải gác lại... Thượng hoàng Trần Anh Tông vốn là người rất quan tâm đến hình pháp, biết chuyện lấy làm sốt ruột mà hỏi Phí Trực sao chưa đưa vụ ấy ra xử. Phí Trực đành tâu vì chuyện sinh mạng con người là quý nhất. Lòng thần còn có chỗ băn khoăn nên chưa dám nghị án...

Tương kế tựu kế, một mặt bề ngoài Phí Trực vẫn coi chuyện bắt được tướng cướp Văn Khánh là chuyện thật, vẫn liên hoan trao thưởng cho “người có công”, ra “sức” (công văn) phủ dụ dân tình yên ổn làm ăn. Một mặt ông vẫn cho quan quân tinh nhuệ ráo riết mật phục, canh phòng... Văn Khánh thật chủ quan mắc mưu. Một năm sau, hắn ta bị bắt trong một vụ cướp. Hắn khai “Văn Khánh” năm trước đến tự thú là kế “ve sầu thoát xác”. Ai ngờ...

Thượng hoàng Anh Tông biết tin hết lời khen ngợi Phí Trực và hỏi thêm vì sao mà biết trước sự thể... Phí Trực tâu, với kẻ có bản chất trộm cướp thì không bao giờ dễ dàng chịu thua như thế. Tương tự, một kẻ xảo quyệt mà không bị tra khảo với vật chứng, nhân chứng rõ ràng sẽ không bao giờ lại điềm nhiên, nhẹ nhàng thú nhận chuyện chết người như vậy... Thượng hoàng nghe càng phục hơn, bèn cho sử quan chép vào sách lưu lại cho đời sau...

Sử quan còn bình thêm một vài câu cho rõ nghĩa câu chuyện: Muôn việc, mạng người là quan trọng nhất. Trong việc phá án, để tìm ra manh mối phải biết xâu chuỗi sự kiện, tình tiết hợp với thực tế (mà ngày nay gọi theo chữ “tây” là logic) và tâm lý tội nhân. Cái đức căn bản không thể thiếu của người điều tra là nhẫn nại, cẩn trọng, tỉ mỉ, phải biết đánh vào điểm yếu đối phương, biết giả vờ, biết mà tưởng như không biết... Và nên nhớ, tội phạm càng đầu sỏ càng là kẻ bản lĩnh, thông minh. Ứng xử với những đối tượng này vẫn lấy cái tâm thuyết phục làm đầu và không thể thiếu cái trí tỉnh táo...

PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Pháp luật xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/cac-van-de/kim-thien-thoat-xac-soi-vao-hom-nay-766008