Kinh doanh xăng dầu với doanh nghiệp Hà Lan cần lưu ý gì?

Trong bối cảnh nhu cầu xăng dầu tại Hà Lan tăng cao đã xuất hiện rất nhiều trường hợp lừa đảo qua mạng, Thương vụ Việt Nam vừa phát đi cảnh báo các doanh nghiệp để tránh rủi ro.

Trong bối cảnh nhu cầu xăng dầu tại Hà Lan tăng cao, các doanh nghiệp cần cẩn trọng với lừa đảo qua mạng khi giao dịch. Ảnh minh họa ITN

Trong bối cảnh nhu cầu xăng dầu tại Hà Lan tăng cao, các doanh nghiệp cần cẩn trọng với lừa đảo qua mạng khi giao dịch. Ảnh minh họa ITN

Cơ quan Thương vụ cho biết, thời gian gần đây, tại Hà Lan xuất hiện rất nhiều trường hợp lừa đảo qua mạng, đặc biệt liên quan đến các sản phẩm xăng dầu trong bối cảnh nhu cầu về nhóm mặt hàng này tăng cao.

Cụ thể, các đối tượng lừa đảo thường lập một trang web giả mạo với thông tin bịa đặt hoàn toàn; hoặc lập một trang web giả danh các công ty xuất nhập khẩu/công ty cung cấp dịch vụ cho thuê bồn chứa xăng dầu có thật, với đầu mối liên hệ thường là số điện thoại di động hoặc số điện thoại dùng internet (số của sim 4G).

Với tâm lý cho rằng Hà Lan là một nước phát triển, hệ thống luật pháp chặt chẽ, các công ty làm ăn bảo đảm uy tín, một số doanh nghiệp khi thấy hợp đồng có điều khoản hấp dẫn đã tiến hành gấp mà không kiểm tra kỹ thông tin về đối tác.

Đáng chú ý, khi các doanh nghiệp này có ý định xác minh tư cách pháp nhân thì phía đối tác cung cấp thông tin qua sao chép dữ liệu giấy phép đăng ký kinh doanh trích xuất từ Cơ quan có thẩm quyền sở tại hoặc cho phép các doanh nghiệp tiến hành xác minh trực tiếp bởi bên thứ ba độc lập, nhưng thực tế thì không thể xác minh vì không có thật.

“Các doanh nghiệp nên cẩn trọng khi tiến hành giao dịch. Đối với các doanh nghiệp làm ăn uy tín trong lĩnh vực xăng dầu, thông tin liên hệ thể hiện trên trang web là mẫu liên hệ (contact form), số điện thoại cố định, email (thường là info@...). Hình thức thanh toán của những giao dịch mua bán xăng dầu thường là thanh toán bằng L/C”, Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan cho biết.

Để ngăn chặn những sự việc lừa đảo trong thời gian tới, các doanh nghiệp cũng có thể truy cập trang web ở địa chỉ https://ferm-rotterdam.nl/en/blacklist/ để cập nhật trang web giả mạo được chính quyền cảng Rotterdam thống kê thời gian qua.

Tình trạng lừa đảo trong thương mại quốc tế hiện diễn biến rất tinh vi, phức tạp.

Mới đây, Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha cũng khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu điều và hạt tiêu cần cẩn trọng khi giao dịch với Công ty ISASA SIGLO XXI, S.L.; người đại diện là ông Manuel Gil hoặc bà Annie; trụ sở tại CALLE RIOGORDO, NAVE 4, ESTRELLA, 29006 MALAGA, SPAIN; điện thoại +34 617 36 75 03, +34 689 77 10 04; email: info@isasaexport.com; isasa@isasaexport.com; website: https://isasaexport.com/en/home/. Lý do bởi công ty này luôn tìm cách để chậm trễ, chây ỳ thanh toán tiền hàng.

Theo các chuyên gia, cùng với việc tìm hiểu kỹ thông tin đối tác, doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần tăng cường phối hợp với các cơ quan Thương vụ để xác minh doanh nghiệp sở tại trước khi ký kết hợp đồng mua bán nhằm giảm thiểu rủi ro.

Ngoài ra, các doanh nghiệp nên sử dụng dịch vụ tư vấn, dịch vụ pháp lý, coi các công ty tư vấn, công ty luật là người đồng hành trong toàn bộ quá trình kinh doanh chứ không phải chỉ khi xảy ra tranh chấp. Các công ty này sẽ giúp doanh nghiệp tìm hiểu về đối tác, rà soát hợp đồng để tránh những điều khoản bất lợi cài cắm trong đó, trong trường hợp phát sinh tranh chấp sẽ hỗ trợ hoặc thay mặt doanh nghiệp để xử lý.

Thiên An

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-phat-trien/kinh-doanh-xang-dau-voi-doanh-nghiep-ha-lan-can-luu-y-gi--i357970/