Kinh nghiệm đánh thuế bất động sản của các nước

Theo quy định pháp luật hiện hành ở nhiều quốc gia, mỗi cá nhân có quyền sở hữu tài sản và pháp luật không cấm người dân sử dụng nhiều tài sản như nhà đất. Nhưng Nhà nước có thể áp dụng thuế cao đối với những tài sản mà một cá nhân sở hữu.

Điển hình như tại Singapore, bất cứ người dân nào mua nhà đều phải trả phí 20% giá trị BĐS cho căn nhà thứ 2, 30% cho căn nhà thứ 3.

Mức thuế có thể nâng cao dần với giao dịch BĐS mà người bán có thời gian nắm giữ ngắn. Đối với người nước ngoài mua tài sản cá nhân, dù là bất cứ ngôi nhà nào, thuế suất phải nộp sẽ tăng gấp đôi lên 60% từ mức 30% trước đó.

Trường hợp người mua bất động sản rồi bán ngay trong năm đầu sẽ phải đóng thuế 6% giá trị BĐS, bán vào năm thứ 2 đóng thuế 8%, năm thứ 3 là 4%. Phải đến năm thứ tư, người bán mới không phải đóng thuế.

Tại Canada, mức thuế 1% được áp dụng toàn quốc với các căn nhà bỏ không hoặc dùng không hết sức chứa. Ở cấp địa phương, một số tỉnh, thành tại Canada cũng đánh thuế với nhà bỏ không. Ví dụ tại Vancouver, thuế nhà bỏ không được áp dụng từ năm 2017 để giá nhà phải chăng hơn. Hàng năm, người dân thành phố này phải kê khai về tình trạng ngôi nhà. Các căn nhà bỏ hoang sẽ phải đóng thuế 3% với mức định giá của chính quyền ở thời điểm đó.

Tại Toronto, thuế này cũng được áp dụng để tăng cung bất động sản, do nó khuyến khích người mua bán hoặc cho thuê nhà không dùng đến. Nguồn thu từ thuế này sẽ được dùng cho các sáng kiến về nhà ở giá cả phải chăng. Mức này hiện là 3%, áp dụng từ năm nay, tăng so với mức cũ là 1% áp dụng cho hai năm trước.

Liên Phương

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/kinh-nghiem-danh-thue-bat-dong-san-cua-cac-nuoc-275416.htm