Kinh nghiệm ngăn chặn 'vàng hóa' của Ấn Độ

Ấn Độ là nước tiêu thụ vàng lớn thứ hai thế giới (sau Trung Quốc) và chiếm khoảng 25% nhu cầu vàng toàn cầu. Mối quan tâm của người Ấn Độ tới vàng bắt nguồn từ văn hóa và truyền thống địa phương.

Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của Ấn Độ bằng cách biến vàng trở thành sản phẩm tài chính chứ không phải chỉ trao đổi vàng vật chất đã được nhiều nước trên thế giới học hỏi. Tuy nhiên, để có được những thành công ngày nay, Chính phủ Ấn Độ đã nhiều lần sửa đổi chính sách cho phù hợp.

Một cửa hàng kim hoàn ở Chennai, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN

Một cửa hàng kim hoàn ở Chennai, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN

*Thay đổi trong chính sách

Ngay từ năm 1962, Chính phủ Ấn Độ đã ban hành Đạo luật kiểm soát vàng nhằm hạn chế người dân tích trữ và huy động vàng vào Ngân hàng trung ương. Ấn Độ quy định thu hồi tất cả các khoản vay bằng vàng mà các ngân hàng cho vay và cấm giao dịch bằng vàng, quy định các cá nhân chỉ được giữ vàng trang sức và Ngân hàng trung ương giữ thế độc quyền trong xuất, nhập khẩu vàng…

Trong những năm đầu, đạo luật này đã giúp kiểm soát khá thành công thị trường vàng. Thông qua việc phát hành trái phiếu vàng vào năm 1965, Ấn Độ đã huy động được gần 20 tấn vàng. Tuy nhiên, vài năm sau đó, chính sách này đã bộc lộ những hạn chế và người dân tiếp tục tích lũy vàng, tình trạng xuất-nhập lậu vàng quy mô lớn liên tục diễn ra khó kiểm soát...

Chính vì vậy, Ấn Độ đã bãi bỏ đạo luật này và ban hành Đạo luật kiểm soát vàng khác vào năm 1968. Nhưng sau đó, người dân đã dễ dàng “lách luật” và chính phủ bãi bỏ đạo luật vào năm 1990, vàng được coi như một loại ngoại tệ.

Cũng trong năm này, Chính phủ Ấn Độ cho phép nhập khẩu vàng tự do, từ đó tạo ra thu nhập từ thuế nhập khẩu. Năm 1994, Ấn Độ cho phép các cá nhân vận chuyển vàng vào nước này.

Đến năm 1997, Ủy ban về tài khoản vốn của Chính phủ Ấn Độ đã xây dựng một chính sách toàn diện để tự do hóa thị trường vàng, chính thức đưa vàng vào giao dịch tại Sở Giao dịch hàng hóa Ấn Độ (MCX) năm 2003. Với sự ra mắt của Quỹ ETF về vàng năm 2007, việc số hóa vàng đã mang lại khả năng linh hoạt trong đầu tư, đảm bảo chất lượng và lưu trữ vàng ở Ấn Độ.

Vào năm 2015, khi lượng vàng được cất giữ trong các hộ gia đình và cơ sở tôn giáo trên toàn quốc được ước tính lên tới 23.000 - 24.000 tấn, Ấn Độ đã thực thi Chương trình kiếm tiền từ vàng (GMS) nhằm biến số vàng trong các hộ gia đình thành tài sản sản xuất. Kế hoạch này cũng nhằm mục đích giúp giảm sự phụ thuộc của Ấn Độ vào nhập khẩu vàng.Cũng trong năm đó, Trái phiếu vàng nước ngoài được ra mắt nhằm giảm nhu cầu của người dân đối với vàng, đồng thời chuyển một phần lượng vàng nhập khẩu hàng năm vốn cho mục đích đầu tư sang tiết kiệm tài chính. Cùng năm, đồng tiền vàng quốc gia đầu tiên của Ấn Độ - Đồng vàng Ấn Độ (IGC) - đã được công bố.Tiếp đó, năm 2016, Chính phủ Ấn Độ ban hành quy định bắt buộc kê khai các giao dịch vàng, áp thuế tiêu thụ vàng đối với các cửa hàng kim hoàn. Năm 2018, Chính phủ Ấn Độ thông báo sẽ xây dựng Chính sách Vàng toàn diện để phát triển vàng như một loại tài sản.

Chính phủ Ấn Độ cũng khẳng định sẽ thiết lập một hệ thống thân thiện với người tiêu dùng và hệ thống thương mại hiệu quả với các sở giao dịch vàng được quản lý trong nước.

Sau đó Ủy ban Chuyển đổi Thị trường Vàng Ấn Độ đã trình báo cáo có tiêu đề “Chuyển đổi thị trường vàng Ấn Độ” lên Chính phủ vào tháng 2/2018. Báo cáo này không chỉ đưa ra dự đoán về những thách thức mà còn đưa ra lộ trình cho sự thay đổi mang tính chuyển đổi qua 5 trọng tâm chính: Sản xuất vàng tại Ấn Độ, Tài chính hóa vàng, Cơ cấu thuế và nghĩa vụ, Phát triển kỹ năng và nâng cấp công nghệ.

Trong báo cáo trên, Ủy ban cũng đặt ra 5 mục tiêu cụ thể cho kế hoạch cải cách 5 năm (tới năm 2022) của thị trường vàng, gồm: tăng gấp đôi quy mô đóng góp của ngành công nghiệp vàng, từ 1,3% (năm 2016) lên 2,5 - 3% GDP; tăng hơn gấp đôi xuất khẩu vàng từ 8 tỷ USD lên 20 tỷ USD; tạo việc làm từ 6,1 triệu (tài khóa 2017) lên 10 triệu; tăng quy mô đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào công nghiệp vàng từ 70 triệu USD (tài khóa 2017) lên 200 triệu USD; tăng quy mô thị trường vàng mà không làm thâm hụt tài khoản vãng lai. Mới đây, nhằm thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của thị trường vàng trong nước, Ủy ban đã đề xuất chính phủ giảm thuế nhập khẩu vàng, cắt giảm thuế hàng hóa và dịch vụ (GST), đồng thời miễn Thuế hàng hóa và dịch vụ tích hợp (IGST).

*Mục tiêu quản lý

Qua những lần thay đổi, cải tiến chính sách quản lý thị trường vàng nói trên, Chính phủ Ấn Độ đã thể hiện các mục tiêu chính là ổn định thị trường tiền tệ, chống vàng hóa nền kinh tế; gia tăng dự trữ ngoại hối của quốc gia; huy động vàng để phát triển kinh tế; phát triển hài hòa thị trường vàng trong mối quan hệ tổng thể với các thị trường khác của nền kinh tế.Bên cạnh đó, nhằm tăng cường tính hiệu quả của công tác quản lý thị trường vàng, Chính phủ Ấn Độ đã ban hành các chính sách ngắn hạn, chỉ đạo sát sao các bộ ngành hữu quan không ngừng nâng cao chất lượng mục tiêu quản lý.Sau mỗi lần sửa đổi, các chính sách quản lý thị trường vàng của Ấn Độ đều hướng tới phục vụ tổng thể nền kinh tế và những mục tiêu đặt ra hoàn toàn hướng đến nền kinh tế thực. Đây chính là bí quyết giúp Ấn Độ thành công trong quản lý thị trường vàng khổng lồ.

Một cửa hàng kim hoàn ở Hyderabad, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN

Một cửa hàng kim hoàn ở Hyderabad, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN

*Những thách thức

Bên cạnh những thành công nói trên, việc quản lý thị trường vàng Ấn Độ vẫn tồn tại những thách thức. Mặc dù có quy mô đáng kể nhưng ngành này vẫn bị phân mảnh, phần lớn chưa có tổ chức và chưa khai thác được những tiềm năng đáng kể vốn có.

Với nhu cầu hàng năm khoảng 800-900 tấn vàng và quy mô thị trường chỉ đứng sau Trung Quốc, Ấn Độ vẫn tụt hậu về cơ sở hạ tầng và tiêu chuẩn. Ấn Độ chưa tận dụng được sức mua của mình để có bất kỳ ảnh hưởng nào đến thị trường vàng toàn cầu.

Việc thiếu nghiêm trọng các tiêu chuẩn ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của vàng, khai thác rất thấp và tái chế vàng hộ gia đình hạn chế đã hạn chế sự phát triển của thị trường vàng trong nước và dẫn đến phần lớn nhu cầu được đáp ứng thông qua nhập khẩu.

Ngoài ra, còn tồn tại một phân khúc lớn hoạt động trao đổi không có tổ chức (trên 60%) với chuỗi cung ứng phức tạp và phân tán, với mức độ tuân thủ khác nhau. Thuế cao hơn đối với vàng và triển vọng ngắn hạn cũng như những thay đổi thường xuyên về thuế cản trở niềm tin của giới giao dịch trong việc đầu tư vào đổi mới và xuất khẩu.

Một chính sách vàng toàn diện nhằm giải quyết cả cơ hội và thách thức sẽ là động lực chính để đảm bảo lợi ích kinh tế của vàng. Môi trường chính sách ổn định và cách tiếp cận tích hợp trong nước, xuất khẩu là rất quan trọng để thay đổi vai trò của vàng trong nền kinh tế.

Cải cách hiệu quả có thể tạo ra tác động ở nhiều cấp độ; tăng nhu cầu mà không tạo ra bất ổn kinh tế vĩ mô, thúc đẩy sự phát triển có trật tự của thị trường vàng, tăng việc làm đáng kể, thúc đẩy đầu tư vào sản xuất giá trị gia tăng, thúc đẩy xuất khẩu và tăng cường bảo vệ người tiêu dùng.

Ông M. P. Ahammed, người sáng lập và là Chủ tịch Tập đoàn trang sức toàn cầu Malabar Gold & Diamonds, cho rằng “đã đến lúc chúng ta mang lại sự nghiêm ngặt và minh bạch cho ngành vàng. Chúng ta hãy bắt đầu bằng cách đưa ra cách định giá vàng thống nhất trên toàn quốc, loại bỏ sự khác biệt do giá do hàng trăm hiệp hội đưa ra, để khách hàng và thợ kim hoàn được đối xử thống nhất”.

Dù điều gì xảy ra thì vàng vẫn giữ được một vị trí đặc biệt trong lòng người dân Ấn Độ. Còn hơn cả một kim loại quý, vàng có ý nghĩa văn hóa sâu sắc, là thứ sẽ làm nên những món đồ trang sức cưới đẹp, là nơi trú ẩn an toàn trong những lúc khó khăn và là lá chắn chống lạm phát.

Ngọc Thúy (P/v TTXVN tại New Delhi)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/kinh-nghiem-ngan-chan-vang-hoa-cua-an-do/331649.html