Kinh nghiệm quý từ Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc 2024

Tại Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2024 tổ chức tại tỉnh Quảng Ninh từ ngày 4-10/11/2024, tỉnh Cà Mau có 4 nhà giáo đoạt giải gồm: 1 giải Ba và 3 giải Khuyến khích. Đó là các nhà giáo: Huỳnh Linh Út, Trường Cao đẳng Y tế Cà Mau; Lê Thúy Duy, Trường Cao đẳng Y tế Cà Mau; Phan Ngọc Tuyền, Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc; Lê Công Thứ, Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc.

Nhà giáo Huỳnh Linh Út và nhà giáo Lê Thúy Duy, Trường Cao đẳng Y tế Cà Mau nhận giải Ba tại Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2024. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Nhà giáo Huỳnh Linh Út và nhà giáo Lê Thúy Duy, Trường Cao đẳng Y tế Cà Mau nhận giải Ba tại Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2024. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Đến với Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2024, các nhà giáo của tỉnh Cà Mau đều mang theo tâm thế tự hào và đón nhận cơ hội được học hỏi thêm từ các đồng nghiệp khắp mọi miền đất nước. Tất cả đều chuẩn bị chu đáo để mang đến hội giảng những phương pháp giảng dạy tích cực, sáng tạo đã được đã áp dụng trong lớp học của mình. Một trong những điều mà các nhà giáo Cà Mau ấn tượng nhất tại hội giảng là sự đa dạng trong phương pháp giảng dạy mà các thầy cô đến từ mọi miền đất nước đang áp dụng rất sáng tạo và hiệu quả. Ngoài ra, họ cũng học được cách tổ chức các hoạt động dạy học hiệu quả; việc sử dụng công nghệ để hỗ trợ giảng dạy cũng rất hữu ích, đặc biệt là việc áp dụng các công cụ số trong việc giảng dạy.

Nhà giáo Lê Công Thức, Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc trong phần thi tại hội giảng. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Nhà giáo Lê Công Thức, Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc trong phần thi tại hội giảng. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Nhà giáo Huỳnh Linh Út cho biết, trong quá trình đào tạo nghề, cô luôn nỗ lực thay đổi và trau dồi, nâng cao chất lượng giảng dạy, giúp học viên phát triển toàn diện. “Bản thân người giảng viên phải nâng cao hơn nữa về tinh thần, trách nhiệm của bản thân đối với nghề nghiệp. Ngoài ra, chúng ta cũng tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, dùng hình ảnh trực quan sinh động thu hút sự chú ý của sinh viên, từ đó giúp các em dễ nhớ bài hơn. Việc không ngừng trao dồi chuyên môn, cập nhật kiến thức mới để truyền đạt kịp thời đến sinh viên cũng là điều tiên quyết trong giáo dục đào tạo nghề hiện nay”.

Đồng quan điểm nhưng nhà giáo Lê Công Thức, Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc, bổ sung thêm: “Việc cải tiến phương pháp giảng dạy đang được đề cao. Đầu tiên, giảng viên cần thay đổi phương pháp giảng dạy theo hướng sáng tạo và linh hoạt hơn. Kết hợp lý thuyết với thực hành, sử dụng công nghệ trong giảng dạy. Việc hợp tác với doanh nghiệp, tổ chức để học viên có cơ hội thực tập và trải nghiệm thực tế là rất quan trọng. Giảng viên cần duy trì mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp để đưa ra những cải tiến phù hợp trong chương trình đào tạo, giúp học viên dễ dàng hòa nhập vào môi trường làm việc thực tế sau khi tốt nghiệp”.

Nhà giáo Huỳnh Linh Út trong 1 tiết dạy tại trường.

Nhà giáo Huỳnh Linh Út trong 1 tiết dạy tại trường.

Xu hướng đào tạo nghề hiện nay yêu cầu giảng viên phải đáp ứng một số điều quan trọng gồm: Cập nhật kiến thức và kỹ năng, ứng dụng công nghệ trong giảng dạy, phát triển kỹ năng mềm, hợp tác với doanh nghiệp. Điều này khiến các giảng viên trong môi trường giáo dục nghề nghiệp cũng đối mặt với không ít khó khăn, áp lực. Một trong số đó là cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu, cơ hội học tập, tập huấn để cập nhật kiến thức mới của các nhà giáo cũng rất khó khăn, chủ yếu là tự học.

Nhà giáo Huỳnh Linh Út chia sẻ: “Điều trăn trở lớn nhất của bản thân tôi cũng như một số thầy cô khác đang giảng dạy tại Trường Cao đẳng Y tế Cà Mau là làm sao để sinh viên vừa nắm vững kiến thức lý thuyết, vừa có kỹ năng thực hành lâm sàng tốt. Trong khi kiến thức y khoa luôn được cập nhật liên tục, thì việc tạo ra một môi trường thực hành chất lượng, đáp ứng nhu cầu của tất cả sinh viên là một thách thức không hề nhỏ. Để giải quyết vấn đề này, hiện nay chúng tôi không ngừng tìm kiếm các cơ sở thực tập mới, tăng cường hợp tác với các bệnh viện. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chú trọng đến việc xây dựng các mô hình thực hành tại trường, giúp sinh viên làm quen với các tình huống lâm sàng khác nhau. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao hơn, chúng tôi cần sự chung tay của toàn xã hội, đặc biệt là các cơ sở y tế. Việc tạo điều kiện cho sinh viên được tham gia vào quá trình chăm sóc người bệnh sẽ giúp các em tích lũy kinh nghiệm thực tế và nhanh chóng hòa nhập với công việc chăm sóc sức khỏe sau khi ra trường”.

Vượt lên thử thách, các nhà giáo trong môi trường giáo dục đào tạo nghề cũng tự đặt ra cho mình phương hướng phấn đấu trong tương lai. Đó không chỉ là kim chỉ nam trong công tác giảng dạy của riêng nhà giáo mà còn mang đến giá trị thực tiễn cho sinh viên, học sinh.

Nhà giáo Lê Công Thức cho biết: “Tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để nâng cao trình độ chuyên môn, phát triển kỹ năng nghề nghiệp; học hỏi và cập nhật các phương pháp giảng dạy mới, đặc biệt là ứng dụng công nghệ vào trong giáo dục, hoàn thiện bản thân, góp phần vào sự phát triển chung của ngành giáo dục. Đối với sinh viên, mục tiêu của tôi là không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn giúp các em phát triển các kỹ năng cần thiết để thành công trong công việc và cuộc sống. giúp các em chuẩn bị tốt cho tương lai sau khi ra trường”.

Giáo dục đào tạo nghề, tạo nguồn lao động cung ứng cho thị trường đang là một trong những vấn đề được quan tâm. Bởi thế, các nhà giáo phải không ngừng học hỏi chuyên môn, trau dồi kinh nghiệm, tiếp tục cống hiến nghề nghiệp, đem hết khả năng của mình để truyền đạt cho thế hệ tương lai, tạo nền tảng kỹ năng nghề nghiệp vững vàng cho sinh viên bước vào đời.

Lam Khánh

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/kinh-nghiem-quy-tu-hoi-giang-nha-giao-giao-duc-nghe-nghiep-toan-quoc-2024-a35764.html