Kinh nghiệm thế giới làm đường cao tốc
Chú trọng xây dựng mạng lưới đường cao tốc là mục tiêu của bất kỳ quốc gia nào muốn phát triển, hiện đại hóa đất nước bởi tính chất ưu việt của nó trong lưu thông, liên kết vùng và mở rộng giao thương quốc tế.
Chú trọng xây dựng mạng lưới đường cao tốc là mục tiêu của bất kỳ quốc gia nào muốn phát triển, hiện đại hóa đất nước bởi tính chất ưu việt của nó trong lưu thông, liên kết vùng và mở rộng giao thương quốc tế. Thời gian qua, nhiều quốc gia trên thế giới đã tập trung phát triển hệ thống đường cao tốc, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, mở ra cánh cửa hội nhập. Dưới đây là kinh nghiệm của một số nước trong việc thu hút đầu tư các nguồn vốn, kinh nghiệm phát triển, quản lý vận hành đường cao tốc, làm bài học tham khảo cho Việt Nam.
Hàn Quốc lập quỹ phát triển đường cao tốc
Đất nước "kim chi" có khoảng gần 4.700 km đường cao tốc, phân bổ hợp lý trên các vùng miền và thuận lợi kết nối tới các chùm đô thị, cảng biển, sân bay, khu công nghiệp. Các khu vực được kết nối bởi tuyến cao tốc hiện chiếm tới 63% dân số, đóng góp 63% GNP và 81% sản lượng công nghiệp trong nước...
Về quản lý và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc, Tổng công ty Đường cao tốc Hàn Quốc (KEC) là doanh nghiệp nhà nước, cơ quan chuyên ngành về kỹ thuật giao thông, có nhiệm vụ lập kế hoạch thực hiện duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường bộ, quản lý các trạm nghỉ, các cây xăng, kết nối các tuyến đường bộ cao tốc và điều hành cơ quan nghiên cứu về giao thông.
Ngay từ những năm 1960, khi hệ thống đường cao tốc được hình thành, Chính phủ Hàn Quốc đã thành lập công ty nhà nước về đường bộ cao tốc, thực hiện nhiệm vụ lập kế hoạch, xây dựng và quản lý đường bộ cao tốc quốc gia, đồng thời phát triển các khu vực gắn với kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc. Để xây dựng, vận hành và khai thác, Tổng công ty có trách nhiệm xây dựng kế hoạch phát triển đường bộ cao tốc.
Nhằm khuyến khích phát triển hệ thống đường cao tốc, Chính phủ hỗ trợ 50% tổng mức đầu tư và Tổng công ty chịu trách nhiệm 50% tổng mức đầu tư. Phần vốn đầu tư do Chính phủ hỗ trợ được sử dụng để chi trả cho việc mua đất, bồi thường giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án (bao gồm cả đất xây dựng đường, đất xây trạm nghỉ, cây xăng) và kinh phí đầu tư xây dựng tuyến đường. Đối với trạm nghỉ và cây xăng, Tổng công ty có trách nhiệm tự bỏ vốn đầu tư xây dựng và khai thác, không tính vào tổng mức đầu tư dự án. Sau khi các tuyến đường bộ cao tốc được triển khai xây dựng và hoàn thành, Tổng công ty sẽ trực tiếp quản lý và thu phí. Toàn bộ nguồn thu được từ khai thác tuyến đường bộ (thu phí, thu khác) sẽ tập trung vào một quỹ và được sử dụng cho chi phí quản lý, bảo trì tuyến đường (như: duy tu, bảo dưỡng, điều hành...), sử dụng cho việc nghiên cứu và đầu tư xây dựng tuyến đường bộ (gồm cả kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc) mới.
Cao tốc ở Hoa Kỳ tối thiểu 4 làn xe
Tính đến năm 2019, Hoa Kỳ có 107.702 km đường bộ cao tốc các loại (57.711 km đường bộ cao tốc ngoài đô thị và 49.991 km đường bộ cao tốc trong đô thị). Từ năm 1956, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc liên bang bắt đầu được xây dựng, hình thành một hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc theo các tiêu chuẩn thống nhất trên toàn quốc. Một trong những điểm nhấn của tiêu chuẩn kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc là cho phép phương tiện giao thông lưu thông với tốc độ cao (tối thiểu 80 km/h và tối đa đến 120 km/h hoặc có thể cao hơn), thông suốt và bảo đảm an toàn, giảm thời gian đi lại, với quy mô kỹ thuật các tuyến đường bộ cao tốc tối thiểu là 4 làn xe đối với tất cả các cao tốc bang và liên bang.
CHLB Đức: Đường cao tốc xe hơi được đi vào miễn phí
Đức là một trọng số những nước phát triển đường cao tốc đầu tiên trên thế giới. Từ 1953, Chính phủ Đức đã tập trung phát triển đường cao tốc với tên gọi chính thức cho hệ thống đường cao tốc là Bundesautobahn, có nghĩa là "đường cao tốc liên bang". Trong đó, Hệ thống đường cao tốc Autobahn (không giới hạn tốc độ) trải dài 13.000 km, khiến nó nằm trong số các hệ thống đường dài và dày đặc nhất trên thế giới. Hầu hết các phần cao tốc đều có hai, ba hoặc thậm chí bốn làn đường ở mỗi hướng, cộng thêm một làn đường khẩn cấp. Đường cao tốc được tài trợ bởi thuế và được duy trì bởi chính Nhà nước Đức chứ không phải các địa phương mà nó đi qua. Đường cao tốc ở Đức trong một thời gian dài xe hơi được đi miễn phí, nhưng kể từ năm 2005 xe tải bắt đầu bị thu phí.
Nhật Bản: Mô hình nhượng quyền khai thác và cấp vốn
Tại đất nước mặt trời mọc, Chính phủ đã chú trọng hình thành mô hình xây dựng, quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc, đó là mô hình nhượng quyền, cấp vốn. Theo đó, Tập đoàn Đường bộ cao tốc Nhật Bản đã được thành lập năm 1956, là cơ quan xây dựng và quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc. Tập đoàn này được hưởng một số ưu đãi như: miễn các loại thuế khác nhau, bao gồm cả thuế doanh nghiệp; được thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc và các khoản phí khác liên quan đến vận hành kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc; quyền mua đất bắt buộc và cưỡng chế hành chính; các khoản vay từ chính phủ, phát hành trái phiếu vào quỹ chính phủ và bảo lãnh của chính phủ đối với trái phiếu. Nguồn thu phí cùng với việc phát hành trái phiếu đã cho phép Tập đoàn xây dựng và vận hành gần như toàn bộ hệ thống đường cao tốc.
Bên cạnh đó, nhằm khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế khác đầu tư vào phát triển đường cao tốc, Chính phủ Nhật Bản cho thành lập mô hình nhượng quyền (BTO) trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc và áp dụng mô hình PPP đối với các dự án…, nhờ vậy giảm được chi phí, rủi ro trong môi trường cạnh tranh cao.
Trung Quốc: Nhà nước chủ yếu hỗ trợ về chính sách như tín dụng cho vay đầu tư phát triển cao tốc
Hiện nay, Trung Quốc phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc quốc gia với khoảng 85.000 km. Mạng lưới mới này được hợp thành bởi 7 tuyến từ Thủ đô Bắc Kinh, 9 tuyến dọc Nam - Bắc và 18 tuyến ngang Đông - Tây, bởi vậy có tên gọi tắt là "Mạng lưới 7918". Mạng lưới này liên kết tất cả các thành phố có 200 nghìn dân trở lên với nhau và nối với các trục giao thông đường sắt, sân bay, đường thủy chính và các cửa khẩu quan trọng. "Mạng lưới 7918" phủ rộng trên diện tích dân cư hơn một tỷ người.
Chính phủ Trung Quốc xác định "Đại lộ thì đại phú", từ đó xác định tầm nhìn và quy mô dài hạn. Trung Quốc cũng đã thành công trong việc giữ quỹ đất và giải phóng mặt bằng nhanh chóng, thuận lợi cho xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc. Việc huy động vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc được huy động bằng nhiều hình thức: vay vốn ngân hàng, phát hành trái phiếu, cổ phiếu, thu tiền chuyển nhượng quyền kinh doanh đối với loại đường thu phí (chuyển nhượng quyền thu phí) và sử dụng vốn nước ngoài. Nhà nước chủ yếu hỗ trợ về chính sách như tín dụng cho vay đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc, thu phí hoàn trả, thu các phụ phí mua sắm phương tiện, cho lập Quỹ xây dựng đường bộ.
Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/kinh-nghiem-the-gioi-lam-duong-cao-toc-183230616144034029.htm