Kinh đại duyên (Mahanidana sutta - Trường Bộ kinh/ Digha Nikaya)

Với các lậu hoặc được đoạn trừ, vị tỳ kheo chứng và an trú trong 8 giải thoát, tuệ giải thoát, không còn lậu hoặc ngay trong đời hiện tại và tương lai, tự mình thấu đạt và chứng ngộ.

Cư sĩ Phúc Quang tóm lược

1. Duyên khởi kinh

Một thời, Thế Tôn ở tại bộ lạc Câu – lâu (Kuru), ở ấp Kiếm – ma – sắt – đàm (Kammassad - hamma). Tôn giả A Nan (Ananda) đến chỗ Thế Tôn và tán thán giáo pháp duyên khởi.

Ảnh: St

Ảnh: St

2. Nội dung kinh

Phật dạy Tôn giả A Nan: “Chính vì không giác ngộ, không thâm hiểu giáo pháp này mà chúng sinh hiện tại bị rối loạn như một ổ kén, rối ren như một ống chỉ, giống như cỏ munja và lau sậy babaja (ba-ba-la) không thể nào ra khỏi khổ xứ, ác thú, đọa xứ, sinh tử”.

Phật khai thị

Già, chết do duyên “sinh”, “sinh” do duyên “hữu”, “hữu” do duyên “thủ”, “thủ” do duyên “ái”, “ái” do duyên “thọ”, “thọ” do duyên “xúc”, “xúc” do duyên “danh sắc”, “danh sắc” do duyên “thức”, “thức” do duyên “danh sắc” (Tại kinh này, Thế Tôn chưa thuyết tới 3 chi “vô minh”, “hành”, “lục nhập”).

Như vậy do duyên danh sắc, thức sinh; do duyên thức, danh sắc sinh; do duyên danh sắc, xúc sinh; do duyên xúc, thọ sinh; do duyên thọ; ái sinh; do duyên ái, thủ sinh; do duyên thủ, hữu sinh; do duyên hữu, sinh sinh; do duyên sinh, lão tử sinh, do duyên lão tử, sầu, bi, khổ, ưu não sinh. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn tập khởi.

Tại sao nói “Do duyên sinh, lão tử sinh”. Nếu sinh không có bất cứ ở loại nào, bất cứ chỗ nào, không có sinh cho tất cả, thì lão tử lấy gì mà hiện hữu. Tương tự như vậy với những nhân duyên còn lại.

Phật còn khai thị chi tiết thêm: Do duyên ái, tìm cầu sinh; do duyên tìm cầu, lợi sinh; do duyên lợi, quyết định sử dụng của lợi sinh; do duyên quyết định, tham dục sinh; do duyên tham dục, tham đắm sinh; do duyên tham đắm, chấp thủ sinh; do duyên chấp thủ, hà tiện sinh; do duyên hà tiện, thủ hộ sinh; do duyên thủ hộ, phát sinh một số ác, bất thiện pháp như chấp trước nặng, tranh đấu, tranh luận, đấu khẩu, khẩu chiến, ác khẩu, vọng ngữ.

Những lời tuyên bố về “ngã” của ngoại đạo

1). Ngã có sắc và có hạn ở hiện tại và tương lai.

2). Ngã có sắc và vô lượng ở hiện tại và tương lai.

3). Ngã không có sắc và có hạn lượng ở hiện tại và tương lai.

4). Ngã không có sắc và vô lượng ở hiện tại và tương lai.

Những lời không tuyên bố về “ngã” cùa ngoại đạo

1). Ngã có sắc và có hạn ở hiện tại và tương lai.

2). Ngã có sắc và vô lượng ở hiện tại và tương lai.

3). Ngã không có sắc và có hạn lượng ở hiện tại và tương lai.

4). Ngã không có sắc và vô lượng ở hiện tại và tương lai.

Đức Phật bác bỏ các thuyết "Ngã là thọ", hoặc "Ngã không phải là thọ"

Có 3 loại cảm thọ: lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Trong 3 loại này, lấy loại nào làm ngã? Khi cảm giác lạc thọ, thì không thấy khổ thọ, không cảm giác bất khổ bất lạc thọ. Tương tự với việc khi cảm thấy khổ thọ thì 2 thọ còn lại không tồn tại, hoặc bất khổ bất bất lạc thọ, 2 thọ còn lại cũng không tồn tại.

Lạc thọ là vô thường, hữu vi, là pháp duyên khởi, đoạn diệt. Khổ thọ là vô thường, hữu vi, là pháp duyên khởi, đoạn diệt. Bất khổ bất lạc thọ là vô thường, hữu vi, là pháp duyên khởi, đoạn diệt.

Nếu ngã là lạc thọ, thì khi lạc thọ diệt mất, ngã cũng diệt theo. Nếu ngã là khổ thọ, thì khi khổ thọ diệt mất, ngã cũng diệt theo. Nếu ngã là bất khổ bất lạc thọ, thì khi bất khổ bất lạc thọ diệt mất, ngã cũng diệt theo.

Và nếu ai xem ngã là thọ, người ấy xem ngã là một cái gì đó lạc khổ xen lẫn. Như vậy, không thể chấp nhận quan niệm “ngã của tôi là thọ”.

Đức Phật cũng bác bỏ thuyết “Ngã của tôi không phải là thọ, ngã của tôi không có cảm thọ”. “Ngã của tôi không phải là thọ, ngã của tôi không phải không có cảm thọ; ngã của tôi có cảm thọ, ngã của tôi có khả năng cảm thọ”.

Phật thuyết khi một vị tỳ kheo không quan niệm ngã là thọ, không quan niệm ngã không phải thọ, không quan niệm ngã của tôi có khả năng cảm thọ,… thì vị ấy sẽ không chấp trước một điều gì trên đời, vì không chấp trước nên không sợ hãi; vì không sợ hãi nên hoàn toàn tự mình tịch diệt. Vị ấy biết sinh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm, sau đời này không còn đời nào nữa.

Bảy trú xứ của “THỨC”

1). Thân dị và tưởng dị: Thân hình khác nhau, tư tưởng khác nhau, như là loài người, Chư Thiên, và một số trong địa ngục.

2). Thân dị, tưởng đồng: Thân hình khác nhau, nhưng tư tưởng giống nhau, như là các vị Phạm Chúng Thiên ở tầng Sơ Thiền.

3). Thân đồng, tưởng dị: Thân hình giống nhau, nhưng tư tưởng khác nhau, như là các vị Quang Âm Thiên ở tầng Nhị Thiền.

4). Thân đồng, tưởng đồng: Thân hình giống nhau, tư tưởng giống nhau, như là các vị Biến Tịnh Thiên ở tầng Tam Thiền.

5). Không vô biên xứ: Vượt khỏi mọi sắc tưởng, đoạn trừ tất cả hữu đối tưởng, không còn suy tư đến bất luận một dị loại tưởng, như là các vị Không Vô Biên Xứ Thiên ở cõi Vô Sắc Giới.

6). Thức vô biên xứ: Vượt khỏi Không Vô Biên Xứ, chỉ có tưởng “Thức là vô biên,” như là các vị Thức Vô Biên Xứ Thiên ở cõi Vô Sắc Giới.

7). Vô sở hữu xứ: Vượt khỏi Thức Vô Biên Xứ, chỉ có tưởng “Vô Sở Hữu” (lấy đề mục “không có gì cả” làm cảnh giới), như là các vị Vô Sở Hữu Xứ Thiên ở cõi Vô Sắc Giới.

Hai loại xứ

1). Vô tưởng hữu tình xứ ở cõi Sắc giới

2). Phi tưởng phi phi tưởng xứ ở cõi Vô sắc giới

Với thức trú xứ trong các xứ từ 1 đến 7, nếu có ai hiểu được trú xứ về sự tập khởi, hiểu được sự đoạn diệt, hiểu được sự nguy hiểm, hiểu được sự xuất ly của trú xứ này, thì vị ấy không còn hoan hỷ ưa thích trú xứ nữa.

Với 7 trú xứ của thức và 2 loại trú xứ, nếu có vị tỳ kheo như chân thực hiểu được tập khởi, đoạn trừ, sự nguy hiểm, sự xuất ly, nhờ đó không còn chấp trước, vị ấy được giải thoát, vị tỳ kheo như vậy được gọi là Tuệ giải thoát.

Tám giải thoát

1). Tự mình có sắc, thấy các sắc

2). Quán tưởng nội sắc là vô sắc, thấy các ngoại sắc

3). Dẫn tâm đến thanh tịnh

4). Vượt thoát sắc tưởng, diệt trừ tưởng hữu, không tác ý đến tưởng khác biệt, suy tư “hư không là vô biên”, chứng và trú Không vô biên xứ.

5). Vượt thoát hoàn toàn Không vô biên xứ, suy tư “thức là vô biên”, chứng và trú Thức vô biên xứ.

6). Vượt thoát hoàn toàn Thức vô biên xứ, suy tư “không có vật gì”, chứng và trú Vô sở hữu xứ.

7). Vượt thoát hoàn toàn Vô sở hữu xứ, chứng và trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

8). Vượt thoát hoàn toàn Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứng và trú Diệt thọ tưởng.

Kết luận

Khi một vị tỳ kheo thuận thứ thể nhập 8 giải thoát này, có thể nhập và có thể xuất khỏi bất cứ giải thoát nào khi nào mình muốn, chỗ nào mình muốn và dài bao lâu mình muốn. Với các lậu hoặc được đoạn trừ, vị tỳ kheo chứng và an trú trong 8 giải thoát, tuệ giải thoát, không còn lậu hoặc ngay trong đời hiện tại và tương lai, tự mình thấu đạt và chứng ngộ.

Cư sĩ Phúc Quang tóm lược

***
TÀI LIỆU NGUỒN
Đại Tạng kinh Việt Nam - Trường Bộ kinh (Digha Nikaya)/ Tập 2 - Kinh đại duyên (Mahanidana sutta), Dịch giả: Hòa thượng Thích Minh Châu

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/kinh-dai-duyen-mahanidana-sutta-truong-bo-kinh-digha-nikaya.html