Kinh tế 'Bắt mạch' kênh đầu tư 2023

TTH - Năm 2023 dù vẫn còn nhiều biến động khó lường, song thị trường cũng đang mở ra nhiều cơ hội cho người cầm tiền. Tuy nhiên, ngay cả với nhà đầu tư (NĐT) có tiền, thì việc rót vào kênh đầu tư nào cũng là lựa chọn không dễ.

Gửi tiết kiệm là kênh lựa chọn hiện nay

Gửi tiết kiệm là kênh lựa chọn hiện nay

Hãy “thắt dây an toàn”

Tại tọa đàm “Nhận diện 2023: Cơ hội đầu tư mới trong môi trường mới”, nhiều chuyên gia kinh tế đã chia sẻ những đánh giá về một số kênh đầu tư hiện nay. Với bất kỳ khoản đầu tư nào, yêu cầu đặt ra với NĐT cũng dựa trên 3 yếu tố: an toàn, khả năng sinh lời và tính thanh khoản.

Hàng chục báo cáo của các ngân hàng trên địa bàn và cách họ nhận định về năm 2023, hai cụm từ lạm phát và suy thoái có tần suất lặp đi lặp lại ở mức cao. Tuy nhiên, cơ hội đầu tư cũng có thể xuất hiện ngay trong những quý đầu năm 2023. Thời điểm từ quý I đến quý II/2023, lãi suất còn khá cao nhằm kiểm soát lạm phát từ thế giới và chính sách thúc đẩy tăng trưởng qua đẩy mạnh đầu tư công. Với nhận diện này, NĐT đang ở giai đoạn thiên về các tài sản phòng thủ (tiền mặt và gửi tiết kiệm), giảm các tài sản tăng trưởng (cổ phiếu, bất động sản....).

Thông tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hãm bớt mức độ tăng lãi suất, cũng như nhiều ngân hàng tham gia hạ lãi suất khiến các NĐT kỳ vọng, song chỉ một số ít đối tượng được hưởng lãi suất giảm và thị trường trong trung hạn vẫn chịu nhiều áp lực. 2023 vẫn sẽ là một năm khó khăn với NĐT và doanh nghiệp, bởi mặt bằng lãi suất còn ở mức khá cao.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh, gửi tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn, ít nhất là cho hết sáu tháng đầu năm nay. Bởi lẽ, Thừa Thiên Huế có mức tăng trưởng GRDP hơn 8,5%; chỉ số CPI kiểm soát dưới 3,6% trong năm 2022; trong khi lãi suất huy động đa phần 9,5%, người gửi tiết kiệm vẫn có lãi thực dương.

Bước sang năm 2023, dù điều kiện kinh tế vĩ mô dự báo nhiều thách thức, song GRDP Thừa Thiên Huế dự báo vẫn tăng trưởng khả quan, đạt mức 9-10% và mục tiêu lạm phát dưới 4%. Mặc khác, dù các ngân hàng đồng loạt cam kết giảm lãi suất huy động, song lộ trình thực hiện giảm lãi suất nhiều khả năng sẽ cần thêm thời gian, nhất là khi thanh khoản một số ngân hàng nhỏ vẫn còn gặp khó khăn. Do đó, ở thời điểm này, gửi tiết kiệm là kênh đầu tư tốt.

“2023 không phải năm để mở rộng, phiêu lưu mạo hiểm mà là năm đánh giá lại danh mục đầu tư, tái cơ cấu. Lời khuyên của tôi dành cho NĐT là hãy “thắt dây an toàn” vào” - TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế khuyến cáo.

Người dân chọn gửi tiết kiệm để đầu tư

Người dân chọn gửi tiết kiệm để đầu tư

Không “bỏ trứng vào một giỏ”

Sau kênh tiết kiệm được cho là mang tính an toàn đối với NĐT, thị trường chứng khoán có khả năng sẽ "lên ngôi" trong năm 2023, do giá cổ phiếu hiện đã xuống thấp. Khi thị trường tài chính, ngân hàng ổn định và lãi suất có xu hướng giảm, thị trường chứng khoán được kỳ vọng sẽ phục hồi trở lại.

Ông Hồ Xuân Vinh, Trưởng Chi nhánh Công ty CP Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương (APEC) Huế phân tích: Bước sang quý III/2023, lãi suất huy động dự báo sẽ hạ nhiệt. Khi đó, chứng khoán nhiều khả năng sẽ trở thành kênh đầu tư hấp dẫn. Dù ở thời điểm hiện tại, thị trường chứng khoán vẫn còn nhiều yếu tố rủi ro khó lường, tuy nhiên vẫn có một số ngành dự báo sẽ lên ngôi trở lại.

Trái ngược với xu hướng khả quan của tiết kiệm và chứng khoán, kênh đầu tư vàng, ngoại tệ, trái phiếu, bất động sản (BĐS)… được dự báo vẫn còn rung lắc, kém khả quan hơn.

Kể từ sau Nghị định 24 của Chính phủ và Thông tư 16 của NHNN về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực, thị trường vàng trong nước hầu như không bắt nhịp với thị trường thế giới. Kênh đầu tư vàng theo đó cũng kém hấp dẫn hơn với NĐT trong nước. Nếu đầu tư ngắn hạn, lướt sóng sẽ có khá nhiều rủi ro, do giá vàng trong nước và quốc tế không liên thông với nhau, dẫn đến chênh lệch giá hơn chục triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, nếu đầu tư vào vàng như một kênh tích lũy, dài hạn thì vẫn có thể chấp nhận được.

Đối với ngoại tệ, nhất là USD cũng được cho là không mấy hấp dẫn, khi tỷ giá USD/VND đã tăng mạnh trong năm 2022 và dự báo sẽ không nhiều biến mạnh trong năm 2023.

Riêng về BĐS, Giám đốc sàn giao dịch bất động sản Vimilan123 Huế - Lê Châu Quốc Việt nhận định: Thị trường vẫn còn trầm lắng, khó phục hồi ngay trong năm 2023, dù Chính phủ, các bộ ngành và các địa phương; trong đó Thừa Thiên Huế đã có những động thái. Bởi các chính sách hỗ trợ thường có độ trễ nhất định và nhất là mặt bằng lãi suất cho vay ở các ngân hàng cho hoạt động nhà ở vẫn còn ở mức khá cao. Chỉ khi thanh khoản thị trường tài chính ổn định, các giải pháp hỗ trợ đi vào thực tế thì mới có thể giúp vực dậy niềm tin của NĐT.

Tuy vậy, vẫn có phân khúc đầu tư được nhận định có nhiều triển vọng trong thời gian tới. Do đó, NĐT cần xác định và ưu tiên kênh đầu tư trú ẩn an toàn. Chẳng hạn như phân khúc BĐS tiềm năng (nhà ở, BĐS khu công nghiệp, thương mại Aeon Mall…), BĐS đất nền tại khu vực có hạ tầng đồng bộ, với điều kiện pháp lý đầy đủ và chủ đầu tư uy tín, chuyên nghiệp.

Trong bối cảnh thị trường tài chính vẫn còn nhiều biến số khó lường, các chuyên gia cho rằng, NĐT nên đa dạng hóa kênh đầu tư, hạn chế đòn bẩy về tài chính. Đồng thời, cần hết sức bình tĩnh khi ra quyết định đầu tư cũng như bán; tránh dựa vào tin đồn thất thiệt, tâm lý đám đông mà cần kiểm chứng, nắm bắt sát tình hình và triển vọng, các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp, thị trường... trong quá trình đầu tư.

Thực hiện một cuộc “khảo sát bỏ túi” ngẫu nhiên đối với 10 NĐT trên địa bàn với câu hỏi: “Có tiền nhàn rỗi sẽ đầu tư vào đâu để sinh lời?”, kết quả thu được: Hơn 50% chọn gửi tiết kiệm, 15% “chung thủy” với vàng, 15% “mê” chứng khoán, và hơn 10% quan tâm BĐS...

Bài, ảnh: Bạch Quang

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/bat-mach-kenh-dau-tu-2023-a124018.html