Kinh tế biển giúp Quảng Nam, Quảng Ngãi phát triển bền vững

Quảng Nam, Quảng Ngãi đang đẩy mạnh phát triển kinh tế biển. Đây được xem con đường đúng đắn, khởi sắc giúp kinh tế hai tỉnh này phát triển, đúng hướng.

Kinh tế biển là một phần quan trọng giúp các địa phương miền Trung tạo đà tăng trưởng. Mỗi tỉnh, TP đều có những giải pháp gắn liền với từng điểm thuận lợi riêng mình. Trong đó, Quảng Nam, Quảng Ngãi đã có những thành quả mới trong việc khai thác tốt kinh tế biển, giúp nâng cao đời sống nhân dân, phát triển kinh tế.

Hình thành các khu đô thị ven biển

Với chiều dài bờ biển 125km, Quảng Nam huy động các nguồn lực, thành phần kinh tế đầu tư phát triển kinh tế biển.

Về hạ tầng, đường Võ Chí Công nối TP. Hội An với TP. Đà Nẵng và sân bay Chu Lai (Núi Thành) được hình thành, các tuyến đường cao tốc, Quốc lộ 1 kết nối với tuyến đường ven biển.

Luồng vào cảng Kỳ Hà được khơi thông đón tàu 2 vạn tấn. Hạ tầng nghề cá được đầu tư lớn với cảng cá Tam Quang (Núi Thành), khu neo đậu tàu cá kết hợp cảng cá Hồng Triều (xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên).

TP. Hội An là một trong những TP gần biển, phát triển thành khu đô thị ven biển. (Ảnh: C.S)

TP. Hội An là một trong những TP gần biển, phát triển thành khu đô thị ven biển. (Ảnh: C.S)

Một điều quan trọng, đô thị ven biển như Điện Nam - Điện Ngọc, các khu nghỉ dưỡng cao cấp ven biển Điện Bàn, Hội An, Duy Xuyên, Núi Thành dần hình thành.

Hình thành, phát huy tốt tiềm lực công nghiệp ven biển với định hướng phát triển đa ngành, đa lĩnh vực, phát triển công nghiệp hỗ trợ. Tỉnh này tiếp tục tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thu hút các tập đoàn kinh tế lớn đầu tư như Thaco, VinGroup, Hyundai, Mazda...

Các bãi biển như An Bàng, Cửa Đại (Hội An), Hà My (Điện Bàn), Bình Minh (Thăng Bình), Tam Thanh (Tam Kỳ), Tam Tiến (Núi Thành) được địa phương tận dụng tối đa. Hơn nữa, khu vực đảo Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, TP. Hội An) đã giúp tỉnh này gặt hái được nhiều thành quả trong mảng du lịch.

Điều đặc biệt, năm 2022 doanh thu từ các khu công nghiệp đạt gần 7,746 tỷ USD; giá trị xuất khẩu 238,41 triệu USD; giá trị nhập khẩu gần 3.929 tỷ USD; nộp ngân sách gần 31.143 tỷ đồng.

Chỉ tính riêng trên địa bàn Khu kinh tế mở Chu Lai, đến cuối năm 2022, có 11 khu công nghiệp, 167 dự án được cấp phép đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 68.800 tỷ đồng; 121 dự án đi vào hoạt động, tạo việc làm cho khoảng 32.000 lao động.

Khu kinh tế Dung Quất là mũi nhọn

Mới đây, tỉnh Quảng Ngãi đã có buổi họp giữa Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền và lãnh đạo các sở, ngành chức năng của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố ven biển để nghe và cho ý kiến đối với đề xuất xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh về tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế biển tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021-2025.

Quảng Ngãi có nhiều tiềm năng, lợi thế nhằm phát triển kinh tế biển với chiều dài bờ biển khoảng 130km, 6 cửa biển, 4 huyện, thị xã, TP ven biển và 1 huyện đảo.

Đại diện của Sở TN&MT tỉnh thông tin, việc phát triển kinh tế biển nhằm đồng bộ công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản, hạ tầng cảng biển, logistics.

Đường Võ Chí Công nối sân bay Chu Lai đến Quảng Nam, ra Đà Nẵng. (Ảnh: C.S)

Đường Võ Chí Công nối sân bay Chu Lai đến Quảng Nam, ra Đà Nẵng. (Ảnh: C.S)

Cùng với đó, quy hoạch, đầu tư, phát triển các khu đô thị, dịch vụ, du lịch ven biển, đảo chất lượng cao. Phát triển bền vững huyện đảo Lý Sơn, tạo động lực phát triển kinh tế của tỉnh. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa biển, lịch sử dân tộc, nâng cao đời sống nhân dân vùng ven biển, đảo.

Kim ngạch xuất khẩu các ngành kinh tế biển của Quảng Ngãi chiếm đến hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn địa bàn. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ, hàng hóa thông qua cảng tại Khu kinh tế Dung Quất luôn vượt chỉ tiêu, dịch vụ, du lịch ven biển tăng trưởng, khai thác thủy sản thuận lợi…

Kế hoạch của tỉnh này dự tính đến năm 2025, kinh tế của các địa phương ven biển và đảo Lý Sơn sẽ đóng góp trên 90% GRDP toàn tỉnh. Điều quan trọng, ngành kinh tế biển sẽ phát triển bền vững theo các chuẩn mực quốc tế, tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ trong tổng giá trị sản xuất hằng năm khoảng 69 - 70%...

Để thực hiện điều đó, Quảng Ngãi sẽ định hướng quy hoạch, đầu tư, phát triển các khu đô thị, dịch vụ, du lịch ven biển, đảo chất lượng cao.

Phát triển bền vững huyện đảo Lý Sơn, tạo động lực phát triển kinh tế của tỉnh. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa biển, lịch sử dân tộc, nâng cao đời sống nhân dân vùng ven biển, đảo.

Tại khu kinh tế Dung Quất, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ven biển, các khu đô thị ven biển, đảo được quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, có hệ thống xử lý nước tập trung, đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường.

Đồng thời, xây dựng hạ tầng các khu du lịch theo quy hoạch, phát triển các nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp ở khu vực ven biển và đảo, hỗ trợ các nhà đầu tư hoàn thành và đưa vào khai thác các dự án dịch vụ, du lịch được cấp phép đầu tư.

Địa phương cũng sẽ phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch biển, đảo, triển khai có hiệu quả chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố và doanh nghiệp lữ hành có thương hiệu trong và ngoài.

Công Sáng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/kinh-te-bien-giup-quang-nam-quang-ngai-phat-trien-ben-vung-2221077.html