Kinh tế Chuyển nước từ sông Bồ qua sông Hương: Rút ngắn thời gian thoát lũ

TTH - Chuyển nước từ sông Bồ qua sông Hương thông qua kênh dẫn ở hạ nguồn nhằm rút ngắn thời gian thoát lũ, giảm thời gian ngập. Trong quá trình nghiên cứu lập dự án đầu tư xây dựng, các đơn vị tư vấn sẽ phải tính toán, đánh giá các giải pháp, phương án, mô phỏng các kịch bản về ngập lụt cho khu vực.

Xây dựng kênh dẫn dòng nước từ sông Bồ sang sông Hương tại khu vực xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền nhằm cắt giảm lũ là một ý tưởng khá mới mẻ, táo bạo. Thừa Thiên Huế Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở NN&PTNT xung quanh vấn đề này.

Ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở NN&PTNT

Ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở NN&PTNT

Ông đánh giá như thế nào về hạ tầng thoát lũ ở các địa phương vùng hạ du sông Bồ hiện nay?

Nằm trong hệ thống sông Hương, sông Bồ bắt nguồn từ vùng núi có độ cao tuyệt đối khoảng 650m ở phía Đông A Lưới, chảy qua địa phận thị xã Hương Trà, các huyện Phong Điền, Quảng Điền, đến Ngã ba Bác Vọng chia thành 2 nhánh: một nhánh chảy về hướng xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền; một nhánh chảy về phía phường Hương Xuân, Hương Toàn, thị xã Hương Trà và nhập vào hệ thống sông Hương tại Ngã ba Sình. Chiều dài dòng chính sông Bồ tính đến Cổ Bi là 64km, đến Ngã ba Sình là 94km. Diện tích lưu vực tính đến Cổ Bi là 720km2, đến Ngã ba Sình là 938km2.

Nhánh sông chảy về phía xã Quảng Thọ, đổ vào các nhánh sông nhỏ như: sông Diên Hồng, sông An Xuân, hói Ngã Tư, sông Kim Đôi sau đó ra phá Tam Giang qua các cống như: cống Hà Đồ hạ lưu sông Diên Hồng; cống Mai Dương, cống An Xuân hạ lưu sông An Xuân; cống Quán Cửa, cống Thanh Hà hạ lưu sông Kim Đôi và một số cống nhỏ khác trên đê Tây phá Tam Giang đoạn qua các xã Quảng Phước, Quảng An, Quảng Thành (Quảng Điền).

Nhánh sông Bồ chảy về phía phường Hương Xuân, Hương Toàn, thị xã Hương Trà và nhập vào hệ thống sông Hương tại Ngã ba Sình, tiếp tục chảy qua đập Thảo Long rồi đổ vào phá Tam Giang.

Hạ tầng thoát nước lũ ở các địa phương vùng hạ du sông Bồ hầu hết đã được đầu tư khá lâu, qua nhiều thời kỳ. Địa hình sông uốn cong gấp khúc dạng ruột gà, mặt cắt sông tương đối nhỏ, bề rộng từ 40-90m (nhỏ hơn rất nhiều so với mặt cắt sông Hương, bề rộng từ 150-400m). Các nhánh sông, hói, trục thủy đạo ở hạ lưu như: hói Ngã Tư, Hàng Tổng, Rào Cùng, sông Kim Đôi bị bồi lắng; các cống Thanh Hà, Hòa Xuân – Quán Cửa có khẩu độ nhỏ, chưa đáp ứng khả năng thoát lũ; các cống trên đê Tây phá Tam Giang, Hà Đồ, Mai Dương, An Xuân, các trục thủy đạo sau các cống trên đê hiện đang bị bồi lấp, mặt cắt ngang hẹp... gây cản trở dòng chảy thoát lũ, kéo dài thời gian ngập úng.

Mặt khác, trong một số năm gần đây, hệ thống các công trình hạ tầng giao thông, dân dụng, các khu quy hoạch dân cư phát triển mạnh cũng làm ảnh hưởng đến thoát lũ hạ du sông Bồ.

Những cơ sở nào để nói việc xây dựng kênh dẫn nước từ sông Bồ qua sông Hương sẽ giảm lũ cho vùng Quảng Điền, Hương Trà? Tính khả thi của đề án này, thưa ông?

Do sông Bồ có hình dạng khúc khuỷu, uốn lượn khá phức tạp ảnh hưởng rất lớn đến dòng chảy thoát lũ. Việc xây dựng, nạo vét, khơi thông các kênh dẫn nước đều thuộc cùng lưu vực sông Bồ không ảnh hưởng thoát lũ của lưu vực sông Hương.

Đây là hình thức “chuyển nước” trong cùng một lưu vực sông với mục đích rút ngắn thời gian thoát lũ, khoảng cách ngắn hơn, thoát lũ nhanh hơn, giảm thời gian ngập, sau đó nước đổ vào Ngã ba Sình hợp lưu với sông Hương đổ về phá Tam Giang. Vấn đề trên đã được nghiên cứu từ trước. Trong quy hoạch thủy lợi Thừa Thiên Huế đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 phê duyệt tại Quyết định số 01/2018/QĐ-UBND ngày 8/1/2018 đã tính toán, nghiên cứu và đề cập việc nạo vét, khơi thông dòng chảy các kênh, hói ở hạ lưu sông Bồ.

Tổ chức hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã nghiên cứu việc quản lý lũ tổng hợp lưu vực sông Hương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1933/QĐ-UBND ngày 18/8/2016 cũng đưa ra giải pháp nạo vét, khơi thông dòng chảy nhằm tăng khả năng tiêu thoát lũ, giảm ngập úng cho khu vực hạ du sông Bồ.

Cơ sở thực tiễn là qua các trận lũ đã xảy ra trong những năm gần đây thì mực nước trên sông Bồ luôn cao hơn mực nước trên sông Hương khoảng 1,0m, như: trận lũ tháng 11/2017 đỉnh lũ trên sông Bồ tại trạm Phú Ốc đạt mức 5,03m, cao hơn đỉnh lũ trên sông Hương tại trạm Kim Long 4,03m; đợt lũ kép tháng 10/2020 đỉnh lũ trên sông Bồ tại trạm Phú Ốc đạt mức 5,24m, trong khi đỉnh lũ trên sông Hương tại trạm Kim Long là 4,17m; trận lũ tháng 10/2022 đỉnh lũ trên sông Bồ tại trạm Phú Ốc đạt mức 5,00m, trong khi đỉnh lũ trên sông Hương tại trạm Kim Long là 4,00m.

Trong quá trình nghiên cứu lập dự án đầu tư xây dựng, nạo vét, khơi thông các kênh dẫn nước ở hạ lưu sông Bồ, các đơn vị tư vấn sẽ phải tính toán, đánh giá các giải pháp, phương án, mô phỏng các kịch bản về ngập lụt cho khu vực để đưa ra các giải pháp cụ thể, phù hợp mới tiến hành triển khai. Đây là giải pháp chuyển nước trong cùng một lưu vực sông Bồ, nước chảy về Ngã ba Sình (hạ lưu sông Hương) qua đập Thảo Long đổ ra biển qua cửa Thuận An, ảnh hưởng rất ít đến thoát lũ của lưu vực sông Hương, cũng như ngập lụt cho TP. Huế.

Địa hình sông Bồ có độ cao so với mực nước biển thấp hơn địa hình sông Hương. Trong trường hợp 2 bên đều lũ thì nước làm sao chảy qua? Từ trước tới nay, có tình trạng lũ trên sông Hương chảy ngược qua sông Bồ không?

Do yếu tố địa hình và vị trí đặc biệt về địa lý nên khu vực sông Bồ có địa hình tương đối thấp trũng, các cơ sở hạ tầng, cao độ nền, các khu dân cư phát triển ở khu vực đất thấp, vùng thoát, hướng thoát lũ khó khăn nên hàng năm đã chịu mức ngập sâu, thời gian kéo dài hơn các khu vực dân cư khác, tập trung các địa phương các xã Quảng An, Quảng Thành, Quảng Phước, thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền; xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà.

Khi hai sông đều có lũ đạt và trên báo động II, báo động III (tại trạm Kim Long trên sông Hương quy định mức báo động III là +3,5m; trên sông Bồ và tại trạm thủy văn Phú Ốc quy định mức báo động III là +4,5m; cao độ chênh lệch mức báo động III của 2 sông là +1,0m). Khi nước lũ nhánh sông Bồ chảy về phía phường Hương Xuân, Hương Toàn, thị xã Hương Trà và nhập vào hệ thống sông Hương tại Ngã ba Sình nằm ở hạ lưu sông Hương, tất cả đều chảy về đập Thảo Long đổ vào phá Tam Giang ra cửa biển Thuận An. Vì khi đó mực nước lũ của 2 sông đều cao hơn mực nước triều tại đập Thảo Long.

Khi lũ sông Hương cao hơn sông Bồ thì nước lũ sông Hương chảy trực tiếp về phá Tam Giang qua đập Thảo Long và có hiện tượng giao thoa nước giềnh tại Ngã ba Sình và một số địa phương ở hạ lưu sông Bồ bị ảnh hưởng như phường Hương Vinh và xã Hương Phong có ảnh hưởng ngập lụt.

Vùng hạ du sông Hương có cả TP. Huế - lâu nay xuất hiện ngập cục bộ vùng đô thị, vùng thấp trũng khi có mưa cường suất lớn, kéo dài. Có ý kiến cho rằng, việc xây dựng kênh dẫn dòng điều tiết nước từ sông Bồ qua sông Hương nguy cơ sẽ làm vùng hạ du sông Hương ngập nhanh và sâu hơn?

Như đã phân tích ở trên, sông Bồ có 2 nhánh sông chính. Trong đó nhánh chảy qua xã Hương Toàn, Hương Xuân dòng sông uốn lượn, khúc khuỷu, dạng ruột gà làm thời gian thoát lũ chậm. Do đó việc khơi thông tuyến kênh dẫn nước hói Rào Cùng từ ngã ba Bác Vọng về đến thôn La Vân Hạ thuộc địa phận xã Quảng Thọ đều nằm trong lưu vực sông Bồ không ảnh hưởng đến lưu vực sông Hương. Mục đích rút ngắn thời gian thoát lũ, khoảng cách ngắn hơn, thoát lũ nhanh hơn, giảm thời gian ngập, sau đó nước sông Bồ đổ ra Ngã Ba Sình hợp lưu với sông Hương đổ về phá Tam Giang. Do đó, việc xây dựng kênh dẫn nước không ảnh hưởng đến nguy cơ làm vùng hạ du sông Hương ngập nhanh và sâu hơn vì nước đổ ra phía Ngã ba Sình chảy về phá Tam Giang.

Để giảm lũ cho hạ du sông Bồ, ngoài ý tưởng “chuyển nước” qua sông Hương, theo ông cần xây dựng, quy hoạch hệ thống kênh mương, hạ tầng thoát lũ, hồ đập như thế nào trong tương lai?

Để giảm lũ cho hạ du sông Bồ, ngoài ý tưởng “chuyển nước” qua sông Hương trước mắt các ban, ngành đang tập trung đầu tư xây dựng các công trình phòng chống thiên tai như nạo vét, gia cố, chỉnh trang hói Ngã Tư (dự án đang triển khai); nạo vét, gia cố hói Hàng Tổng (dự án đang triển khai).

Đang triển khai các dự án mở rộng các trục thủy đạo hạ lưu các cống trên đê Tây phá Tam Giang như trục thủy đạo cống Hà Đồ, Mai Dương, An Xuân, Quán Cửa, Bàu Lác, Bàu Sâu. Đồng thời, đang xin chủ trương lập các dự án mở rộng cống Thanh Hà, Hòa Xuân – Quán Cửa, nạo vét gia cố sông Kim Đôi, Diên Hồng.

Các dự án này sau khi hoàn thành sẽ góp phần giảm ngập lụt cho huyện Quảng Điền. Hiện UBND tỉnh đang chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành điều tra, nghiên cứu, khảo sát lập quy hoạch thoát lũ phía Bắc TP. Huế và các địa phương, như Quảng Điền, Hương Trà, Phong Điền để có giải pháp hợp lý, hạn chế tình hình ngập úng đô thị.

Xin cảm ơn ông!

Hà Nguyên (Thực hiện)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chuyen-nuoc-tu-song-bo-qua-song-huong-rut-ngan-thoi-gian-thoat-lu-a123006.html