Kinh tế đang trên đà tăng tốc

Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV về tình hình kinh tế - xã hội cho thấy, 4 tháng đầu năm 2024, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức song nền kinh tế vẫn thu được nhiều thành quả.

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Tăng trưởng GDP quý I/2024 đạt 5,66%, cao nhất trong giai đoạn 2020-2023; đây là nỗ lực lớn trong bối cảnh nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 3,93% so với cùng kỳ. Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, giảm mặt bằng lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Nền kinh tế đang lấy lại đà tăng trưởng. (Ảnh cao tốc Hà Nội - Ninh Bình)

Nền kinh tế đang lấy lại đà tăng trưởng. (Ảnh cao tốc Hà Nội - Ninh Bình)

Trong 4 tháng đầu năm 2024, thu ngân sách Nhà nước đạt 43,1% dự toán, tăng 10,1%; kim ngạch xuất khẩu tăng 15%; xuất siêu 8,4 tỷ USD. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 17,46% kế hoạch, cao nhất trong 4 năm trở lại đây.Tổng vốn FDI đăng ký đạt 9,27 tỷ USD, tăng 4,5%, trong đó vốn FDI đăng ký mới đạt 7,11 tỷ USD, tăng 73,2%; FDI thực hiện đạt 6,28 tỷ USD, tăng 7,4%, cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Nhiều tập đoàn lớn đã cam kết đầu tư vào Việt Nam trong các ngành điện tử, chíp, bán dẫn, năng lượng tái tạo…

Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội được đẩy mạnh, nhất là các công trình hạ tầng giao thông, năng lượng quan trọng, trọng điểm quốc gia; trong đó khởi công dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Hữu Nghị - Chi Lăng, mở rộng Nhà ga T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; đưa vào khai thác đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt (30 km), Cam Lâm - Vĩnh Hảo (79 km), nâng tổng số km đường bộ cao tốc đưa vào khai thác lên hơn 2.000 km. Công tác quy hoạch tiếp tục được chú trọng triển khai; có 110/111 quy hoạch đã hoàn thành viêc lập, thẩm định, phê duyệt; hầu hết quy hoạch ngành, lĩnh vực, tỉnh được phê duyệt, công bố và tổ chức thực hiện, đặc biệt là đã phê duyệt toàn bộ 06 quy hoạch vùng kinh tế- xã hội và trình Quốc hội phê duyệt Quy hoạch không gian biển quốc gia.

Về tình hình lao động, việc làm phục hồi tích cực; tăng cường kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ người lao động tìm việc làm; thu nhập của người lao động tăng lên. Quan tâm phát triển thị trường lao động ngoài nước. Các chương trình tín dụng chính sách xã hội tiếp tục được triển khai hiệu quả, góp phần tạo việc làm, sinh kế cho người dân. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao cho các ngành công nghiệp mới nổi, sản xuất chíp, bán dẫn.

Tồng kim ngạch xuất khẩu đạt giá trị cao. (Ảnh: Cảng Sài Gòn)

Tồng kim ngạch xuất khẩu đạt giá trị cao. (Ảnh: Cảng Sài Gòn)

Tích cực triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới; tập trung chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2024. Nhiều học sinh đoạt giải tại các kỳ thi Olympic quốc tế. Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.Phát huy vai trò của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia. Nhiều thành tựu khoa học công nghệ hiện đại được ứng dụng, nhất là trong lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng. Hệ thống tiêu chuẩn đo lường chất lượng tiếp tục được củng cố, hài hòa với tiêu chuẩn khu vực và thế giới.

Chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, y tế cơ sở, y tế dự phòng tiếp tục được nâng lên; làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh. Cơ bản bảo đảm thuốc, vật tư y tế và vắc-xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng. Nhiều kỹ thuật y học tiên tiến đã được ứng dụng thành công trong thời gian qua, thể hiện sự tiến bộ vượt bậc của ngành y tế Việt Nam.

Về xây dựng, hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính… Chính phủ tập trung triển khai các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới; công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã được triển khai tích cực. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiết giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân, người nước ngoài.

Chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số được tăng cường, trong đó có việc xây dựng, vận hành các cơ sở dữ liệu quốc gia, phát triển hạ tầng số, dịch vụ công trực tuyến. Triển khai Đề án 06 đã mang lại kết quả tích cực và thay đổi có tính chất căn bản trong chuyển đổi số; cung cấp nhiều ứng dụng, tiện ích phục vụ doanh nghiệp và người dân, góp phần xây dựng xã hội văn minh, phòng ngừa tham nhũng, nâng cao hiệu quả quản lý và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội…

PV

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/kinh-te-dang-tren-da-tang-toc-171122.html